Xuất khẩu và chế biến gỗ: Đóng thùng đựng 6,5 tỷ đô

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:31, 14/11/2014

Với những chuyển biến lạc quan từ thị trường và doanh nghiệp, ngành gỗ được dự báo có thể đạt mức xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay và 15-20 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Xuất khẩu và chế biến gỗ: Đóng thùng đựng 6,5 tỷ đô

Với những chuyển biến lạc quan từ thị trường và doanh nghiệp, ngành gỗ được dự báo có thể đạt mức xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay và 15-20 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Đọc E-paper

Cờ đã đến tay

Nhiều nhà máy chế biến gỗ tại Ý, Đức, Mỹ đã đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; đồ gỗ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất, làm mất lợi thế cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, ngành gỗ Việt Nam càng có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường trị giá 300 tỷ USD mỗi năm.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2014, xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 4,45 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2013. Tại hầu hết các thị trường, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ đều có sự tăng trưởng, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường dẫn đầu về kim ngạch với 1,6 tỷ USD, chiếm 36,1% tổng kim ngạch.

Nhật Bản là thị trường XK lớn thứ 2, đạt 0,7 tỷ USD, tăng 22,0% so với cùng kỳ, chiếm 15,9% tổng kim ngạch. Thị trường Trung Quốc dù có sự sụt giảm 10,2% so với cùng kỳ 2013 nhưng lại là thị trường lớn thứ 3 với tổng trị giá xuất khẩu trong 9 tháng năm 2014 đạt 0,6 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của gỗ.

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ hiện xếp thứ 7 trong 10 mặt hàng XK lớn nhất hiện nay của Việt Nam. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), với tốc độ phát triển bình quân 2 chữ số liên tục nhiều năm, ngành chế biến XK gỗ Việt Nam đang chạm đích mục tiêu 6,5 tỷ USD cho năm 2014.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch VIFORES, tiết lộ thêm, tới thời điểm này các doanh nghiệp (DN) đều có hợp đồng hết năm 2014, nhiều đơn vị đang đàm phán đơn hàng cho năm 2015. Đặc biệt, 3 tháng cuối năm luôn là cao điểm làm hàng XK của ngành gỗ nên DN phải làm việc liên tục, hết công suất mới kịp giao những đơn hàng đã ký với các đối tác.

Thực tế, từ nhiều năm qua, ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2000, giá trị XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới ở mức khiêm tốn là 214 triệu USD thì đến năm 2004, kim ngạch đã lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD (1,154 tỷ USD).

Suốt giai đoạn 2001-2012, kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp tục tăng theo hướng năm sau luôn cao hơn năm trước (trừ năm 2009). Năm 2013, kim ngạch XK gỗ tiếp tục tăng 19,2%, đạt 5,7 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% thị phần toàn cầu. Với thị phần này, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 6 thế giới, đứng thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Cùng với sự tăng trưởng về kim ngạch XK, thị trường XK các sản phẩm gỗ cũng không ngừng được mở rộng. Nếu năm 2003, sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ XK vào hơn 6 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay đã có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc là 3 thị trường chính đang chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch XK, đồ gỗ Việt Nam còn được xuất khẩu mạnh sang các nước Hàn Quốc, Úc và Canada...

Sở dĩ đồ gỗ Việt Nam có thể đạt tăng trưởng nhanh và xâm nhập được vào các thị trường lớn là do có chất lượng tốt, mẫu mã cải tiến, giá cả hấp dẫn. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ thế giới luôn cao. Hiện tại, quy mô thị trường đồ gỗ thế giới đang ở mức 300 tỷ USD/năm. Trong khi đó, kim ngạch XK đồ gỗ và gỗ của Việt Nam vẫn ở mức thị phần khiêm tốn 1 - 1,5%.

"Nếu có chính sách ưu tiên phát triển, Việt Nam có thể nâng thị phần xuất khẩu đồ gỗ hằng năm từ 1,5% lên 5%, tương đương 15 tỷ USD trong 5 - 7 năm tới", ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) chia sẻ.

Theo ông Hạnh, trong bối cảnh nhiều nhà máy chế biến gỗ tại Ý, Đức, Mỹ đã đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và đồ gỗ XK của một số nước như Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao nhất, làm mất lợi thế cạnh tranh thì ngành gỗ Việt Nam càng có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thị phần.

Thời cơ vàng cho XK đồ gỗ cũng đến khi Việt Nam chuẩn bị ký kết hàng loạt những hiệp định quan trọng như Hiệp định Đối tác tự nguyện Việt Nam - EU (VPA/FLEGT), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU... Dự kiến, việc ký kết VPA/FLEGT sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2015.

Khi đó, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các DN XK gỗ Việt Nam sẽ phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật liên quan đến nguồn gốc gỗ hợp pháp theo chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Đổi lại, sản phẩm gỗ sẽ được xuất đi nhiều nước trong khối EU hơn, được bán với giá cao hơn và giảm tình trạng chế biến gỗ bất hợp pháp. Với TPP, sau ký kết, thuế suất cắt giảm sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam thâm nhập vào các quốc gia cùng ký hiệp định này.

Đi tìm lợi thế

DN gỗ Việt Nam sẽ tạo ra lợi thế vượt trội nếu có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm, biết cách tiếp thị và phân phối, đồng thời tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp với từng thị trường.

Để khắc phục những tồn tại của ngành gỗ và đón thời cơ mới, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, kiến nghị Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và vùng nguyên liệu để làm căn cứ cho các DN định hướng trong đầu tư phát triển.

Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN, làng nghề, hộ gia đình chế biến gỗ được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị hiện đại và đáp ứng nhu cầu vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Có biện pháp để giảm chi phí cho các DN nhất là điện, nước, vận tải và phí xuất nhập khẩu...

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, nhấn mạnh đến khía cạnh ngành gỗ phải tìm cách giải quyết hàng loạt vấn đề như: nâng cao tỷ lệ sử dụng hiệu quả gỗ và giảm chi phí vận chuyển bằng thúc đẩy khâu sản xuất trung gian (các loại ván nhân tạo, gỗ ghép...) ngay tại các vùng trồng rừng tập trung; giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp, kiểm soát hàng tạm nhập và tái xuất để lấy xuất xứ sau khi Việt Nam ký TPP...

Đặc biệt, theo các chuyên gia, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội nâng cấp máy móc hiện đại với giá rẻ trong bối cảnh nhiều công ty gỗ ở Mỹ, Canada, Ý, Đức đóng cửa đang rao bán máy móc thiết bị tuy đã qua sử dụng nhưng còn giá trị.

DN gỗ Việt Nam sẽ tạo ra lợi thế vượt trội nếu có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm, biết cách tiếp thị và phân phối, đồng thời tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp với từng thị trường. AA là một điển hình.

Trong 2 năm qua, dù thị trường khó khăn nhưng nhờ thương hiệu tốt, AA vẫn trúng thầu 2 dự án lớn là InterContinential Đà Nẵng và JWMariot ở Hà Nội. Nhiều chuyên gia cho rằng, DN cần tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ,...

Đồng thời, tăng cường trồng rừng để từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và nâng giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến.

Về phía DN, mỗi công ty tập trung khắc phục các điểm yếu và nhìn xa trông rộng về các cơ hội sẽ đến trong tương lai. Cụ thể, năm 2014, Gỗ Trường Thành (TTF) dành ưu tiên cho tái cấu trúc tài chính vì trong năm 2013, chính những khó khăn tài chính khiến TTF không thể thực hiện các đơn hàng, bỏ mất nhiều khách hàng và giảm sút uy tín.

Đến tháng 6/2014, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) đã mua 543 tỷ đồng khoản nợ của TTF tại Vietcombank, đồng thời có kế hoạch mua thêm 350 tỷ đồng. Song hành đó, TTF cũng đã tăng vốn, nhờ đó đòn bẩy nợ của Công ty có sự thay đổi đáng kể. TTF cũng được Ngân hàng Việt Á cam kết bơm 250 tỷ đồng nên quý III vừa qua, sản xuất của Công ty đã khởi sắc.

Với những động thái tái cấu trúc mạnh mẽ, ông Võ Trường Thành cho biết, 2 tháng gần đây, công suất hoạt động của các nhà máy của TTF đã tăng trở lại, từ 30 - 35% lên 60% và kỳ vọng đạt 70% trong quý IV này. Đến nay, TTF đã đi được 2/3 chặng đường tái cấu trúc, dự kiến hoàn thành chậm nhất vào cuối quý I/2015.

Song song nhiệm vụ tái cấu trúc tài chính, TTF còn đặt mục tiêu chủ động hơn về vùng nguyên liệu để đón đầu các cơ hội mới. Từ tháng 3 năm nay, hơn 11.000ha rừng trồng từ 10 tuổi trở lên của TTF đã được đưa vào kế hoạch khai thác luân kỳ. Dự kiến đến cuối năm sẽ khai thác được khoảng 500ha, thu về 30 - 40 tỷ đồng.

Từ năm 2015, mỗi năm công ty sẽ khai thác 1.000ha, giúp đem lại lợi nhuận khoảng 80 tỷ đồng. Đặc biệt, với diện tích rừng vào độ tuổi khai thác như trên, TTF có thể chủ động được 90% nguyên liệu sản xuất và cung cấp gỗ cho các xưởng veneer trong nước hoặc XK sang Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Mục tiêu 15 tỷ USD

Mặc dù có những tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch XK nhưng theo các chuyên gia, XK gỗ và đồ gỗ vẫn chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, để vươn tới con số xuất khẩu 15 - 20 tỷ USD, Nhà nước lẫn DN phải cùng đưa ra những giải pháp hiệu quả để thu hẹp các rào cản trong ngành gỗ.

Hiện tại, trong hơn 3.000 DN tham gia vào ngành gỗ, chỉ một số ít DN như Công ty AA là có thể chủ động đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại, đa số DN vẫn sử dụng thiết bị lạc hậu, quản lý hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh... Kết quả, sản phẩm làm ra có giá thành cao, khó cạnh tranh.

Một điểm yếu phải kể đến của ngành gỗ Việt Nam hiện nay là chưa tìm được sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với DN chế biến gỗ. Vì thế, sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn dựa nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Chế biến, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu không chỉ khiến DN chế biến gỗ gặp rủi ro và khá bị động trong sản xuất, kinh doanh mà còn đẩy chi phí sản phẩm lên cao. Theo tính toán từ các DN, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 35 - 45% giá thành sản phẩm.

Các chuyên gia phân tích thêm, do đặc thù ngành sản xuất, chế biến gỗ cần vốn lớn trong khi quy mô các đơn vị chủ yếu là vừa và nhỏ nên ngành gỗ rất nhạy cảm với sự thay đổi của thị trường. Thậm chí, ngay cả DN tên tuổi như Gỗ Trường Thành (TTF) cũng đã lao đao không ít vì nợ.

Tính đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của TTF là 230%, tương đương cuối năm 2013. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TTF, cho biết, trung bình mỗi năm TTF trả lãi 230 tỷ đồng. Nợ nần khiến nguồn vốn lưu động của TTF bị bế tắc và kinh doanh có lúc tưởng phải ngưng lại.

Các luật, hiệp định liên quan đến xuất khẩu gỗ
VPA/FLEGT là hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với đối tác quốc gia XK gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó đối tác quốc gia cam kết chỉ XK vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Quốc gia đối tác thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp để xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và sản phẩm gỗ sẽ XK vào EU. Một cơ quan giám sát độc lập sẽ được hai bên nhất trí làm nhiệm vụ giám sát hệ thống này và cấp phép FLEGT sau khi hiệp định ký kết.

Năng suất lao động thấp cũng là lý do đẩy chi phí sản xuất tăng lên. Hiện tại, năng suất sản lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/3 năng suất của Trung Quốc.

Với những hạn chế kể trên, VIFORES đã khuyến cáo các DN nên tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu gỗ, tính toán lại dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động, xây dựng quá trình làm việc hiệu quả và tiết kiệm tối đa chi phí.

Đối với những biến chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế, đi cùng cơ hội là không ít thách thức. Đạo luật Lacey của Mỹ đặt ra vấn đề kiểm soát nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Riêng quy định VPA/FLEGT một khi được thực thi, không những buộc DN phải nói không với gỗ bất hợp pháp mà dự kiến sẽ tác động khá lớn đến chu trình kinh doanh của DN.

Theo đại diện của Forest Trend, một tổ chức phi lợi nhuận, định nghĩa gỗ bất hợp pháp rất rộng, dựa trên nhiều tiêu chí. Ví dụ xét về tiêu chí xã hội thì gỗ trồng trên đất đang có xung đột, tranh chấp là gỗ không hợp pháp. Tiêu chí kinh tế là người tham gia khai thác, vận chuyển phải tham gia đầy đủ yêu cầu về thuế, phí.

Tiêu chí môi trường là các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất phải cùng tuân thủ yêu cầu, tiêu chí về môi trường. Đây là một thách thức rất lớn cho thị trường gỗ Việt Nam, nơi mà người trồng rừng đa số là các chủ hộ chưa được trang bị kiến thức hay những kỹ năng cần thiết về bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí.

NGỌC THỦY