Ai soán được ngôi Thế Giới Di Động?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 01:16, 18/11/2014

Liệu vị thế của TGDĐ có vững vàng khi thị trường phân phối ĐTDĐ, thiết bị số đang phân chia lại và các nhà bán lẻ như Viettel, Viễn Thông A, đặc biệt là FPT Shop mở rộng đầu tư?
Ai soán được ngôi Thế Giới Di Động?

Liên tiếp 5 năm liền (2010 - 2014) nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thế Giới Di Động (TGDĐ) đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động (DTDĐ) tại thị trường Việt Nam. Liệu vị thế của TGDĐ có vững vàng khi thị trường phân phối ĐTDĐ, thiết bị số đang phân chia lại và các nhà bán lẻ như Viettel, Viễn Thông A, đặc biệt là FPT Shop mở rộng đầu tư?

Đọc E_paper

FPT Shop trở lại

Sự xuất hiện của FPT Shop mang đến động lực mới trong cuộc đua giành thị phần của lĩnh vực phân phối thiết bị di động.

Liên tiếp từ năm 2013 đến nay, FPT Shop đã khá thành công sau khi cải tổ mọi hoạt động. Công bố doanh thu 6 tháng đầu năm cho thấy, mảng kinh doanh bán lẻ mang lại lợi nhuận cao cho FPT. Cụ thể, hai chuỗi cửa hàng FPT Shop và F.Studio by FPT (thuộc FPT Retail) đạt doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 17 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong đó, doanh thu từ hệ thống cửa hàng FPT Shop tăng đến 180% còn doanh thu từ việc phân phối iPhone đã tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, mảng kinh doanh online của Công ty tăng trưởng đến 600%.

Sự trở lại đầy ngoạn mục của FPT Retail mà cụ thể là hệ thống cửa hàng FPT Shop đang được xem là "đối thủ đáng gờm" của TGDĐ. Chia sẻ từ FPT Retail cho thấy, hai năm nay, sau khi đầu tư xây dựng lại hình ảnh, đổi tên hệ thống cửa hàng thành FPT Shop và đẩy mạnh đầu tư, FPT Retail đã đạt kết quả ngoài mong đợi (tăng 180% và là năm đầu tiên có lãi).

Giới kinh doanh đánh giá rằng, trước đây, FPT Shop chủ yếu làm nhiệm vụ "xây dựng hình ảnh" là chính, vì thế, hiệu quả kinh doanh chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên, sau 2 lần cải tổ, FTP Shop đã thay đổi và trở thành một đối thủ nặng ký của nhiều thương hiệu bán lẻ ĐTDĐ và hàng công nghệ số.

Một loạt các hoạt động được chủ thương hiệu bán lẻ này triển khai từ giữa năm 2013 đến nay nhằm mục tiêu "phân chia lại thị 3 tỷ USD" đã được tính toán kỹ. Cụ thể, FPT Retail tập trung vào việc phát triển hệ thống FPT Shop và nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), do bắt đầu chậm hơn các hệ thống khác nên năm 2014, FPT Shop vừa mở rộng quy mô theo chiều rộng vừa hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo chiều sâu.

Không "nói suông", ban lãnh đạo FPT Shop đã nhanh chóng bắt tay vào việc thực hiện và với sự hậu thuẫn từ Tập đoàn FPT, chỉ sau chưa đầy 2 năm làm mới, FPT Shop đã đạt con số 130 cửa hàng ở nhiều tỉnh - thành. Chưa dừng lại ở con số này, FPT Shop đặt mục tiêu hoàn thành 150 cửa hàng đến cuối năm nay.

Cùng với kế hoạch ấy, FPT Shop thay đổi toàn diện cách trang trí cửa hàng cũng như cung cách phục vụ khách hàng. Nếu như trước đây, FPT Shop chủ yếu là nơi để trưng bày hàng hóa và mới chỉ "chạm" đến hệ thống đại lý với doanh thu mỗi hoá đơn hàng tỷ đồng thì hiện tại họ đã thấy được tầm quan trọng của việc "chạm" đến từng khách hàng cuối cùng.

Cách làm của FPT Shop khiến người ta nghĩ đến sự "thách thức" TGDĐ khi đánh trực diện vào thương hiệu đứng đầu thị trường ĐTDĐ. Điều này thấy rõ trong động thái mở cửa hàng của FPT Shop. Gần như ở bất cứ vị trí đẹp trong nội thành có mặt TGDĐ thì người ta lại thấy sự xuất hiện của cửa hàng FPT Shop.

Gọi FPT Shop "trở lại" vì trước đây, năm 2008, FPT Shop đã từng đầu tư vào cửa hàng bán lẻ nhưng thất bại. Và lần này, có lý do mạnh mẽ để FPT Shop "lấn sâu" vào lĩnh vực này. Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, năm 2013, tổng doanh số các sản phẩm điện tử - điện máy tại Việt Nam đạt khoảng 5,4 tỷ USD.

Trong đó, số tiền tiêu dùng cho điện thoại lên tới gần 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước. Nếu xếp theo tỷ trọng doanh thu thì ngành hàng chủ lực của FPT Shop gồm điện thoại, Apple, máy tính, phụ kiện, dịch vụ, máy cũ.

Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp cho biết, thị trường dành cho các ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn rộng và cuộc đua về số lượng cửa hàng vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. Với chiến lược bài bản, lãnh đạo thương hiệu này tự tin đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng và lãi 24 tỷ đồng trong năm nay.

Thị trường chia bốn

Dù FPT Shop hay Viettel, Viễn Thông A đang tăng tốc thì ngôi đầu của TGDĐ vẫn rất khó thay đổi trong thời gian ngắn.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường GfK, trong 3 tháng đầu năm 2014, tổng chi tiêu cho điện thoại và máy tính bảng tại thị trường Việt Nam đạt hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng ĐTDĐ là 13.900 tỷ đồng, tăng 37% so với qúy I/2013. Sự phát triển liên tục của thị trường điện thoại khiến các các DN liên tục mở rộng đầu tư.

Các nhà kinh doanh cho rằng, trong kinh doanh các thiết bị kỹ thuật số, xây dựng các điểm bán mới là khoản đầu tư tốn kém nhất của một công ty bán lẻ. Trong đó, bình quân, tiền thuê mặt bằng một trung tâm bán lẻ diện tích khoảng 200m2 lên đến 150-200 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán tại TP.HCM, chi phí bán hằng tháng cho 4 - 5 cửa hàng lên đến cả tỷ đồng. Mỗi ngày, các cửa hàng này ngốn gần 30 triệu đồng chi phí mặt bằng, điện, chưa kể lương nhân viên cùng những chi phí khác. Tốn kém là thế nhưng cùng với TGDĐ, FPT Shop, các thương hiệu kinh doanh hàng kỹ thuật số khác là Viettel, Viễn Thông A, Nhật Cường... cũng đang ra sức mở rộng mạng lưới.

Hiện Viễn Thông A đã mở rộng mạng lưới lên 100 cửa hàng và trung tâm bảo hành, trong đó, hơn 20 cửa hàng tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart và hơn 60 trung tâm smartphone ở nhiều tỉnh - thành. Viettel có cả trăm cửa hàng tập trung ở những tỉnh - thành lớn.

Theo các chuyên gia trong ngành, sự cạnh tranh của các thương hiệu chỉ khiến cho thị trường thêm sinh động chứ hiện nay chưa có đối thủ đủ sức "soán ngôi đầu" của TGĐĐ. Sự đầu tư lớn cộng với chiến lược kinh doanh bài bản đã giúp TGDĐ tăng trưởng vượt bậc về doanh thu, lợi nhuận.

Năm 2013, doanh thu bình quân của một cửa hàng TGDĐ là 3,4 tỷ đồng/tháng, tăng khoảng 25% so với năm 2012. Vào những tháng đầu năm 2014, tăng trưởng doanh thu bình quân của hệ thống cửa hàng này tăng 18% so với năm 2013. Đây là con số mà hầu hết các nhà kinh doanh cửa hàng thiết bị kỹ thuật số điều mơ ước.

Công bố của DN này còn cho thấy, doanh thu từ những cửa hàng mới hiện đang đóng góp 10-15% trong cơ cấu tổng doanh thu của TGDĐ trong 9 tháng qua.

"Chúng tôi vẫn đang vận hành tốt các siêu thị có diện tích trung bình, lớn và hiện doanh thu bình quân mỗi cửa hàng thegioididong.com là hơn 4 tỷ đồng/tháng, có cửa hàng đạt mức doanh số lên đến 10 tỷ đồng/tháng, như siêu thị trên đường Phan Đăng Lưu, TP.HCM", ông Tài tiết lộ.

Không chỉ doanh thu, lợi nhuận mà thời gian qua, giá trị tài sản ngắn hạn và dài hạn của nhà bán lẻ này cũng tăng lên nhanh chóng. Từ 25 triệu USD trong năm 2010 đã tăng lên 92 triệu USD vào năm 2013. Dự kiến, đến cuối năm 2014, giá trị tài sản ngắn hạn của TGDĐ sẽ tăng lên 135 triệu USD.

Ông Tài cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã chứng minh năm nay sẽ là năm tăng trưởng gần gấp đôi năm ngoái về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Công ty sẽ đạt 13.000 tỷ đồng doanh thu và 435 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nếu xét trên số lượng điểm bán và doanh thu thì cả FPT Shop, Viettel và Viễn Thông A vẫn còn khoảng cách khá xa so với TGDĐ. Nếu FPT Shop đến cuối năm đạt 150 cửa hàng, Viễn Thông A có 130 cửa hàng thì hiện tại TGDĐ đã đạt con số 304 cửa hàng. Về doanh thu, TGDĐ dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng trong khi FPT Shop dù cố gắng hết sức cũng chỉ có thể đạt được 4.000 tỷ đồng.

Thế Giới Di Động "phản đòn"

Sức ép cạnh tranh khiến thương hiệu đứng đầu thị trường phải gia tăng uy thế bằng những chiến lược có một không hai.

Dù đứng đầu thị trường nhưng trước sự trỗi dậy của các đối thủ, đặc biệt là FPT Shop, để giữ thị phần, TGDĐ buộc phải tăng tốc đầu tư. Để có nguồn vốn mở rộng mạng lưới, tháng 7/2014, TGDĐ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Việc này vừa giúp TGDĐ nhanh chóng tăng vốn điều lệ, vốn sở hữu để phát triển mạng lưới. Đầu năm 2014, vốn điều lệ của TGDĐ chỉ nằm ở mức chưa đầy 110 tỷ đồng nhưng đến cuối quý 2/2014 đã lên đến 627 tỷ đồng. Và ngay sau khi lên sàn, tốc độ mở điểm bán mới của TGDĐ đã tăng đáng kể, từ 230 cửa hàng vào cuối tháng 5 đã lên 304 cửa hàng vào cuối tháng 10.

Riêng trong tháng 10, DN này đã mở thêm 28 cửa hàng thegioididong.com, nâng số siêu thị mới trong năm 2014 lên 90 điểm. Với tốc độ mở rộng như hiện tại, đến cuối năm 2015, chuỗi siêu thị thegioididong.com sẽ đạt khoảng 400 - 500 là hoàn toàn khả thi.

Không dừng lại ở việc mở rộng mạng lưới phân phối, TGDĐ cũng đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ vì "khách hàng là trung tâm mọi hành động của TGDĐ".

Trung tâm này được TGDĐ triển khai bằng việc thành lập hệ thống call center để gọi điện hỏi thăm mức độ hài lòng của khách hàng khi được phục vụ tại siêu thị, cho khách hàng dùng thử và trải nghiệm sản phẩm trong thời gian dài hơn, cho dùng thử phụ kiện trong 30 ngày, đổi pin miễn phí...

Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, cho biết: "Chúng tôi mở thêm siêu thị nhằm mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn và thuận tiện hơn. Việc đặt khách hàng làm trọng tâm đòi hỏi chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa, từ việc tính toán mật độ siêu thị hợp lý, đưa ra các chính sách bán hàng, thiết kế các chương trình ưu đãi phù hợp tới việc lựa chọn hàng hóa chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng".

Song song đó, từ đầu năm đến nay, TGDĐ đã tăng số lượng nhân viên lên gần 1.000 người (từ 5.486 người lên 6.450 người). Việc mở rộng hệ thống kinh doanh cũng như nguồn lực sẽ phát sinh bài toán quản lý nhưng ông Tài tự tin vì "mọi thứ đều được hệ thống hóa bằng công nghệ”.

Theo nghiên cứu của GfK, hiện TGDĐ đang đứng đầu thị trường về số lượng điểm bán và thị phần. Điều đáng nói là TGDĐ cũng là chuỗi bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số có nhiều mô hình cửa hàng khác nhau như: siêu thị lớn (trên 200m2), siêu thị trung (50 - 200m2) và cửa hàng nhỏ (30 - 50m2).

Trong kế hoạch công bố vào đầu năm nay, TGDĐ đã tiến về thị trường nông thôn với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng nhỏ trong thời gian tới. Hiện đã có 10 cửa hàng nhỏ được triển khai tại các tỉnh (nhiều nhất là tại Long An) nhưng ông Tài cho rằng mô hình này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và nếu thành công về doanh thu, lợi nhuận, TGDĐ sẽ đẩy nhanh việc triển khai mô hình này.

Không chỉ mạnh dạn đầu tư, theo các chuyên gia, TGDĐ cũng rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế kinh doanh. Trong xu hướng phát triển của internet, cùng với việc nghiên cứu kỹ tập quán mua hàng của người tiêu dùng, TGDĐ đã xây dựng một phương thức kinh doanh chưa từng có ở Việt Nam trước đây.

Đó là Công ty đã xây dựng được một phong cách bán hàng đặc biệt nhờ vào đội ngũ 6.000 nhân viên chuyên nghiệp và website www.thegioididong.com. Hiện www.thegioididong.com đã trở thành website có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, đạt 1,2 triệu lượt/ngày, cung cấp thông tin chi tiết về giá cả, tính năng kỹ thuật của hơn 500 model điện thoại và 200 model laptop.

Ông Tài cho rằng, thị trường ĐTDĐ vẫn đang rất màu mỡ. Hiện cả nước có 90 triệu dân, trong đó, khoảng 60 triệu người trong độ tuổi dùng di động. Mỗi năm có khoảng 30 triệu điện thoại được đổi (khoảng 18 triệu điện thoại mới và 12 triệu điện thoại cũ).

Số lượng điện thoại mới này được mua tại 15.000 cửa hàng nhỏ (chiếm 50%), trong 50% còn lại thì TGDĐ chiếm 25% và 25% chia cho các thương hiệu khác. Ông Tài kỳ vọng với sự cố gắng của lãnh đạo và nhân viên Công ty cùng chiến lược táo bạo, thị phần của TGDĐ trong 2 -3 năm tới sẽ lên 45%.

HỒNG NGA