IPO Vietnam Airlines: Của để dành

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:38, 21/11/2014

Có nhiều lý do để cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chỉ phù hợp với dòng vốn dài hạn.
IPO Vietnam Airlines: Của để dành

Có nhiều lý do để cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chỉ phù hợp với dòng vốn dài hạn.

Đọc E-paper

Cổ phiếu của số ít

Ngày 14/11, phiên đấu giá chào bán cổ phiếu Vietnam Airlines lần đầu tiên ra công chúng (IPO) đã diễn ra. Theo đó, 49 triệu cổ phần Vietnam Airlines đã được chào bán, tương đương 3,47% vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa (14.101 tỷ đồng).

Trong 1.577 nhà đầu tư tham gia đấu giá, với lượng đặt mua vượt khoảng 1% lượng chào bán, riêng Vietcombank và Techcombank đã đăng ký mua tới 48,32 triệu cổ phần, chiếm 98,6% lượng đấu giá.

Liên quan đến phiên đấu giá đợt này, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, cổ phiếu Vietnam Airlines chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài bởi giá chào bán khá cao.

Tính ra, mức giá 22.300 đồng/CP cao hơn khoảng 2,2 lần giá trị sổ sách và cho tỷ lệ EV/EBITDA 2013 là 11,7 lần, trong khi con số này của những hãng hàng không khác trong khu vực lần lượt là 1,1 lần và 9 lần. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng lo ngại do chưa có khung thời gian cụ thể cho việc việc niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines sau IPO.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Vietnam Airlines, giai đoạn 2014 - 2018, Vietnam Airlines dự kiến rót 63.297 tỷ đồng cho đầu tư đội bay. Mục tiêu của Vietnam Airlines là trở thành hãng hàng không đứng đầu Đông Nam Á, đạt thương hiệu hàng không 4 sao giai đoạn 2015 - 2016.

Tuy nhiên, khi nhìn vào tài chính và kinh doanh của Vietnam Airlines giai đoạn 2009 - 2013, nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo ngại. Những năm qua, kinh doanh chính của công ty mẹ đều lỗ do chi phí nguyên liệu, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí tài chính cao. Cụ thể, chi phí nguyên liệu chiếm đến 37 - 38% trong chi phí kinh doanh vận chuyển suốt 3 năm nay.

Công ty cũng tốn 44 - 45% tổng chi phí cho các khoản như thuê máy bay, mua và thuê chuyến/tải/chỗ. Đặc biệt, Vietnam Airlines có tỷ lệ nợ khá cao. Cụ thể, hệ số nợ/VCSH trong năm 2013 là 3,7 lần.

Dù đặc thù của ngành là nợ lớn nhưng theo phòng phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), so với khu vực thì tỷ lệ nợ vay của Vietnam Airlines đang đứng ở mức cao nhất và gấp 1,8 lần so với bình quân khu vực.

Bên cạnh đó, báo cáo của BSC chỉ ra, tỷ lệ khấu hao máy bay của Vietnam Airlines lớn hơn so với các hãng hàng không trong khu vực. Số năm khấu hao máy bay của Vietnam Airlines từ 12 - 15 năm trong khi các hãng hàng không Trung Quốc như Air China, China Southern sử dụng mức khấu hao 15 - 20 năm, Singapore Airlines khấu hao trên 15 năm..., cho thấy mức lợi nhuận như hiện nay của Vietnam Airlines chưa thể hiện hết hiệu quả kinh doanh.

Theo chia sẻ của ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines tại hội thảo "Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Vietnam Airlines", trong 9 tháng năm 2014, Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt mức lợi nhuận 100 tỷ đồng, mức lãi đã khởi sắc hơn so với các giai đoạn trước đó nhưng theo giới chuyên gia, vẫn chưa tương xứng với quy mô doanh thu lẫn tiềm năng của ngành. Đơn cử, ROE năm 2013 của Vietnam Airlines chỉ đạt 1,47%.

Nhìn ở góc độ thị trường, trong vài năm gần đây, Vietnam Airlines bị cạnh tranh khá gay gắt. Thị phần nội địa của Vietnam Airlines đã giảm dần đều. Nếu như năm 2012, cứ 100 khách thì có đến 70 người lựa chọn Vietnam Airlines thì nay, trong kế hoạch năm 2014, Vietnam Airlines chỉ đặt mục tiêu giữ 55% thị trường nội địa... Trong khi thị phần của Vietjet Air liên tục tăng, từ 20% hồi tháng 8/2013, tăng lên 26,1% vào cuối năm 2013, đẩy Jetstar Pacific xuống vị trí thứ 3 với 15,2%.

Cơ hội ở tương lai

Bức tranh của Vietnam Airlines trước cổ phần hóa rõ ràng không mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, giới phân tích tin diện mạo Vietnam Airlines sau cổ phần hóa sẽ khác. Bởi Vietnam Airlines đang là hãng hàng không có nhiều lợi thế mà nếu biết tận dụng và phát triển, hãng hàng không này sẽ "bay xa" hơn.

Trước tiên, Vietnam Airlines đang chiếm thị phần chi phối trong ngành hàng không Việt Nam, với 51,8%. Trong đó, riêng thị trường nội địa, Vietnam Airlines cùng công ty con là JetStar Pacific Airlines (Vietnam Airlines nắm 67,8% vốn) đang chiếm giữ 70-72% thị phần. Với thị trường quốc tế, Vietnam Airlines cũng dẫn đầu, nắm 40,6% thị phần.

Trong 3 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và VietJet Air, Vietnam Airlines là đơn vị sở hữu mạng đường bay nội địa mạnh nhất, với 39 đường bay phủ khắp các vùng miền.

Vietnam Airlines cũng có lợi thế trong sở hữu 400 slot (thời gian đến và đi từ một sân bay dành cho 1 máy bay vào môt ngày giờ nhất định) tại các sân bay quốc tế như Bắc Kinh, Tokyo, Pháp, Hồng Kông...

Đây là những sân bay quốc tế có mật độ khai thác cao. Đối với các slot tại sân bay nội địa, Vietnam Airlines cũng có lợi thế trong đàm phán với các hãng khác khi có nhu cầu tăng tần suất bay hoặc mở chuyến bay mới.

Theo kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014-2018, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 83,8% dựa trên cơ sở doanh thu dự kiến tăng bình quân 16,7%/năm và biên lợi nhuận sẽ cải thiện từ 10,9% năm 2014 lên 14,13% năm 2018. Để đạt được bước đi này, Vietnam Airlines sẽ đổi mới đội bay hiện nay sang máy bay thân rộng thế hệ mới như A350-900, B787-9.

Các máy bay này vừa giúp nâng cấp chất lượng dịch vụ vừa tiết kiệm khoảng 25% nhiên liệu và các chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Công ty cũng sẽ tiếp tục đầu tư mua, thuê tài chính lẫn thuê khai thác để tăng số lượng máy bay, từ 83 chiếc hiện nay dự kiến tăng lên 116 chiếc vào năm 2018.

Để cạnh tranh, Công ty sẽ phát triển thêm nhiều đường bay mới, tăng tần suất bay đến các thị trường có lượng khách du lịch và kinh doanh với Việt Nam cao như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ...

Tất cả những kế hoạch, chiến lược này của Vietnam Airlines đều cần đến nguồn vốn đầu tư rất lớn. Dự kiến, ngoài phiên đấu giá IPO, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phiếu huy động 8.500 tỷ đồng cho 2 đợt diễn ra vào năm 2015-2016, qua đó sẽ giảm sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines từ 75% vốn sau cổ phần hóa xuống mức 65% vốn.

Với các khoản vay trung dài hạn ước khoảng 2,7 tỷ USD cho giai đoạn 2014 - 2018, Vietnam Airlines dự kiến dành 2,6 tỷ USD để mua máy bay.

NGỌC THỦY