DN vàng nữ trang gặp năm hạn

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:32, 28/11/2014

2013 - 2014 là "vận hạn" của doanh nghiệp (DN) vàng nữ trang Việt Nam khi cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều gặp khó.
DN vàng nữ trang gặp năm hạn

2013 - 2014 là "vận hạn" của doanh nghiệp (DN) vàng nữ trang Việt Nam khi cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều gặp khó.

Đọc E-paper

Vàng Trung Quốc áp đảo

Từ đầu năm đến nay, nhiều DN kinh doanh vàng nữ trang ở TP.HCM được chào vàng Trung Quốc (TQ) với giá rẻ hơn 40.000 - 50.000 đ/lượng so với nhập chính ngạch.

Vàng được đóng thành thỏi với trọng lượng khoảng 1kg. Không chỉ giá rẻ, vàng TQ còn được thương nhân nước này mang đến tận các cửa hàng chào bán với hình thức rất linh hoạt: cho gối đầu, nếu bán không được có thể trả lại mà không mất tiền công cũng không phải trả tiền hao hụt vàng (nếu có)...

Không chỉ có vàng thỏi, vàng nữ trang TQ cũng được chào bàn khắp nơi kể từ đầu năm 2013 đến nay. Thậm chí, nhiều thương nhân còn đặt hàng gia công nữ trang từ TQ sau đó dập thương hiệu lên sản phẩm và "hô biến" thành vàng "made in Vietnam".

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hiệp hội Kim hoàn - Đá qúy TP.HCM (SJA), hiện TQ sản xuất hai dòng nữ trang, dòng cao cấp xuất sang châu Âu và sản phẩm thấp cấp tiêu thụ ở châu Á. Và dòng sản phẩm thấp cấp ngày càng xâm nhập sâu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.

Các chuyên gia vàng cho rằng, có nhiều lý do để vàng TQ "có đất sống" nhưng quan trọng là do nội lực DN trong nước còn yếu. Trong lĩnh vực kinh doanh vàng, các DN Việt Nam đa phần là DN nhỏ, không đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua vàng miếng của SJC hoặc nguồn vàng phân kim, vàng cũ tái chế, vàng không rõ nguồn gốc... để sản xuất nữ trang.

Mua vàng miếng SJC để sản xuất thì giá thành sản phẩm đội lên cao, khó cạnh tranh, vì thế, vàng TQ với giá rẻ cộng với sự linh hoạt trong thanh toán được tiêu thụ mạnh.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết, hiện vàng TQ chiếm đến 10% thị trường phía Nam và gần 20% thị trường phía Bắc. Bằng mắt thường, người tiêu dùng và cả những người kinh doanh không thể phân biệt được sự khác nhau giữa vàng TQ và vàng trong nước.

Theo thống kê của SJA, hiện có hơn 70% trong số 3.500 DN kinh doanh vàng nữ trang tại TP.HCM phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.

Sự lấn át của vàng nhập khẩu từ các nước châu Á, đặt biệt là TQ sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi, hiện tại, số lượng DN nước ngoài tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng tăng. Ngay như tại Hội chợ quốc tế Trang sức Việt Nam (VIJF 2014) diễn ra đầu tháng 11, số lượng DN đến từ châu Á như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan... tham gia với số lượng lớn.

Những DN này, ngoài giới thiệu sản phẩm, công nghệ sản xuất còn tích cực tìm kiếm đối tác bán hàng. "Trước sự xâm nhập của vàng ngoại cộng với việc không được vay vốn ngân hàng, không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên DN trong nước phải nhường thị phần cho trang sức nhập khẩu. Điều này đã khiến cho DN vàng trang sức, mỹ nghệ gặp bế tắc, thậm chí phải ngưng hoạt động", ông Dưng cho biết.

Theo thống kê của SJA, hiện có hơn 70% trong số 3.500 DN kinh doanh vàng nữ trang tại TP.HCM phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.

Thêm rào cản thuế

Theo VGTA, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các DN vàng bạc - đá quý Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhiều DN đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại đồng thời với việc tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động.

Đơn cử như PNJ đầu tư xí nghiệp nữ trang trên diện tích 12.500m2 với hơn 1.000 thợ kim hoàn, đạt công suất 4 triệu sản phẩm/năm. SJC cũng đã đưa vào hoạt động xí nghiệp nữ trang ở Tân Thuận với công suất lên đến 350.000 - 500.000 sản phẩm/năm...

Theo các chuyên gia vàng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu. Các sản phẩm vàng nữ trang của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%), 22k (91,66%), thậm chí 24k... rất được ưa chuộng tại các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc...

Dù có nhiều tiềm năng và cũng đã đầu tư đáng kể để chuẩn bị cho xuất khẩu nhưng hướng ra này cũng gặp khó vì thuế suất. Cụ thể, vàng nữ trang xuất khẩu của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... được áp mức thuế 0% thì Việt Nam đang đề nghị áp thuế 2%.

Đó là chưa kể DN những nước này được nhập khẩu vàng nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn, đồng thời được hưởng chính sách ổn định để khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc - đá quý.

Ông Long cho rằng, nếu áp với mức thuế này, các DN vàng bạc - đá quý Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu được mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời gian tới.

Về phía DN, lãnh đạo một công ty sản xuất nữ trang lớn tại TP.HCM chia sẻ: "Về công nghệ sản xuất, ngành kim hoàn Việt Nam có thể sánh ngang với các nước trên thế giới nhưng thua về sự chuyên môn (quy mô nhỏ lẻ, phân tán). Nhưng điều khó khăn nhất là các chính sách vẫn chưa tạo điều kiện cho ngành phát triển, thậm chí còn quản rất chặt như xiết nguồn nguyên liệu, thắt chặt vốn vay ngân hàng".

Theo VGTA, việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động và tái tạo ngoại tệ từ nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích để tạo việc làm hàng vạn lao động ở các làng nghề.

Hơn nữa, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì ngành vàng bạc - đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nữa.

Do vậy, VGTA đã đề nghị Bộ Tài chính giữ thuế suất xuất khẩu 0% để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vượt qua khó khăn trước mắt, đồng thời góp phần củng cố lòng tin vào sự ổn định của chính sách để họ yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

HỒNG NGA