Ngành giáo dục khát nhân sự giỏi ngoại ngữ

Trong nước - Ngày đăng : 04:25, 28/11/2014

Có đến 70% các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục cho rằng nhu cầu nhân lực năm 2014 tăng nhiều hơn so với năm 2013. Riêng trong quý 4/2014, nhu cầu tuyển dụng không hề sụt giảm mà vẫn giữ nguyên hoặc tăng nhiều thêm.
Ngành giáo dục khát nhân sự giỏi ngoại ngữ

Giáo dục luôn là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam. Giáo dục ngoài công lập hiện diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi các trung tâm giáo dục, dạy nghề, các trường tư thục, trường quốc tế ngày càng phát triển, khiến nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo vẫn có xu hướng tăng.

Nhu cầu nhân sự cho thị trường giáo dục vì thế mà ngày càng cao. Theo khảo sát của JobStreet.com, không có công ty nào trong lĩnh vực giáo dục gặp khó khăn về tài chính hoặc giảm nhu cầu tuyển dụng trong năm 2014.

Có đến 70% các đơn vị trong lĩnh vực giáo dục cho rằng nhu cầu nhân lực năm 2014 tăng nhiều hơn so với năm 2013. Riêng trong quý 4/2014, nhu cầu tuyển dụng không hề sụt giảm mà vẫn giữ nguyên hoặc tăng nhiều thêm.

Phần lớn nhu cầu tập trung ở phân khúc nhân viên, chiếm 83% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bộ phận nhân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng, đặc biệt thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng cao biết sử dụng ngoại ngữ.

Theo hệ thống đánh giá trình độ tiếng Anh JELA của JobStreet.com tại khu vực Đông Nam Á, trình độ tiếng Anh của người lao động Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 4 trên 5 quốc gia trong bảng xếp hạng khu vực (thứ tự là Singapore, Malaysia, Phillipines, Indonesia, Việt Nam).

Với kết quả không mấy khả quan này, lao động Việt Nam dường như đang yếu thế hơn so với các nước khác trong thị trường lao động trong khu vực, khi mức lương các nhà tuyển dụng dành cho ứng viên lưu loát tiếng Anh thường cao hơn từ 11% – 20%.

Đặc biệt với phân khúc giáo dục ngoài công lập, yêu cầu về trình độ tiếng Anh đối với nhân sự thường rất cao do thị trường lao động mở cửa, thu hút số lượng lớn người nước ngoài vào Việt Nam (hơn 74.000 người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam năm 2012) dẫn đến tăng mạnh nhu cầu giáo dục dành cho con cái họ và sự bùng nổ của các trường quốc tế tại Việt Nam.

Do đó, yêu cầu về chất lượng nhân sự trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, đặc biệt tại các tổ chức giáo dục quốc tế luôn đặt nặng về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh khiến thị trường nhân sự ngành này có sự cạnh tranh khá mạnh giữa người lao động bản xứ và nước ngoài tại Việt Nam.

Dù đại diện tuyển dụng của Trung tâm Anh ngữ WallStreet English đánh giá “chất lượng nguồn nhân lực khá ổn, các bạn được đào tạo bài bản và đều có ý thức xem giáo dục như một giá trị nhân văn chứ không phải là một sản phẩm vô hình”, ngành giáo dục vẫn khan hiếm nguồn cung chất lượng tại phân khúc nhân sự cấp cao.

“Lao động ngành giáo dục vẫn còn thiếu trình độ chuyên môn để hội nhập ngay với môi trường giáo dục quốc tế nên VASS thường mất từ 6 – 9 tháng để đào tạo lại”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Bảo - Chủ tịch HĐQT hệ thống trường Việt Mỹ (VASS) cho biết. Điều này dẫn đến việc nhà trường phải sử dụng nguồn lao động non kinh nghiệm với hiệu suất thấp.

Khảo sát của JobStreet.com đối với ứng viên cũng đồng thời cho thấy sự thiếu tự tin về năng lực của lao động ngành Giáo dục – Đào tạo khi có đến 42% nhân sự cấp cao thừa nhận không đủ tự tin tìm được việc đúng chuyên ngành trong thời gian sắp tới, và có đến 13% ước lượng mất khoảng 6 tháng để tìm một công việc mới.

P.V (theo JOBSTREET)