Nga - EU đang đùa với lửa?
Quốc tế - Ngày đăng : 09:05, 01/12/2014
Căn nguyên sâu xa của mối quan hệ lúc nóng, lúc lạnh này là sự xung đột, đối đầu lợi ích giữa hai cực Đông - Tây hầu như không được nhà lãnh đạo nào nhắc tới như một phát ngôn thiện chí nhằm chấm dứt trò chơi kinh tế - chính trị nguy hiểm này.
Những biện pháp trừng phạt - trả đũa kinh tế nhuốm màu sắc chính trị giữa Nga và phương Tây hay thị trường kinh tế dầu mỏ đang bị điều khiển nhằm vẽ lại không gian địa chính trị toàn cầu… là những nguy cơ mà các nhà phân tích đưa ra khi dự báo về khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Bầu không khí lạnh giá của mùa đông châu Âu tiếp tục bao trùm mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bất chấp chuyến thăm Moscow đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6 của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland.
Trong lúc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, Moscow ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk và Chính phủ Ukraine cần thiết lập quan hệ với lực lượng đối lập được bầu chọn hôm mùng 2/11 vừa qua, đại diện châu Âu vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, cuộc bầu cử hôm mùng 2/11 vừa qua là bất hợp pháp và những người tổ chức cuộc bầu cử này đáng bị lên án.
Cách tiếp cận hồ sơ Ukraine của Nga và châu Âu vẫn khác nhau đến mức bất chấp thiệt hại gây ra cho nền kinh tế của chính mình, Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/11 vẫn quyết định mở rộng danh sách các biện pháp trừng phạt Nga.
Điều đáng nói là trước khi quyết định này được thông qua, ông Frank-Walter - Ngoại trưởng Đức, quốc gia đầu tàu của EU đã kêu gọi không nên áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Theo Ngoại trưởng Đức, một nước Nga bị cô lập về kinh tế về lâu dài có thể phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Nếu kịch bản này xảy ra, cuộc khủng hoảng tại Ukraine chưa chắc đã được cải thiện nhưng có thể sẽ gây nguy hiểm cho chính châu Âu.
Vậy điều gì đang khiến EU đặt cược cả sức mạnh về kinh tế, vốn đang thiệt hại khá nhiều sau các đòn trả đũa của Nga và cả uy tín về chính trị (có thể bị tổn hại khi Moscow kiện ra tòa thương mại quốc tế) để thực hiện bước đi liều lĩnh này?
Phải chăng để thu hút dư luận khỏi những tranh cãi về tiến trình hội nhập xuất hiện ngày càng gay gắt, thậm chí quốc gia muốn trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh không chỉ có Vương quốc Anh, EU sẵn sàng chấp nhận nguy cơ của một cuộc Chiến tranh lạnh.
Nguy cơ này từng xuất hiện cách đây hơn chục năm khi các tranh cãi giữa Nga và phương Tây lên đến đỉnh điểm bởi làn sóng mở rộng NATO. Và nay, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đã thừa nhận, sự xuất hiện Chiến tranh lạnh mới là một kịch bản hiện thực.
Tất nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine một lần nữa được đưa ra như là một biện pháp duy nhất để ngăn chặn sự tái diễn của bầu không khí lạnh giá trong quan hệ Nga - phương Tây.
Nhưng căn nguyên sâu xa của mối quan hệ lúc nóng, lúc lạnh này là sự xung đột, đối đầu lợi ích giữa hai cực Đông - Tây hầu như không được nhà lãnh đạo nào nhắc tới như một phát ngôn thiện chí nhằm chấm dứt trò chơi kinh tế - chính trị nguy hiểm này.
>Đốt nóng chiến tranh lạnh
>Chiến tranh Lạnh phiên bản 2?
>Chiến tranh lạnh 3.0
>Chiến tranh lạnh bao vây Nga và Trung Quốc