Bánh kẹo Kinh Đô - "đường dài" của đại gia ngoại

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:04, 03/12/2014

Tại hội nghị cổ đông bất thường ngày 1/12, các cổ đông Công ty CP Kinh Đô đã nhất trí thông qua phương án bán 80% cổ phần cho Tập đoàn Mondelez International.
Bánh kẹo Kinh Đô -

Tại hội nghị cổ đông bất thường ngày 1/12, các cổ đông Công ty CP Kinh Đô đã nhất trí thông qua phương án bán 80% cổ phần cho Tập đoàn Mondelez International.

Đọc E-paper

Dự kiến, đến quý II/2015, thương vụ này sẽ hoàn tất và như vậy, ngành bánh kẹo Việt Nam gần như rơi vào tay đối thủ ngoại khi hai thương hiệu đứng đầu thị trường là Kinh Đô và Bibica đều do cổ đông nước ngoài chi phối.

Kinh Đô làm gì với 370 triệu USD? 

Với sự thống nhất từ các cổ đông, 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô sẽ được bán cho đối tác Mỹ là Tập đoàn Mondelez International. Thương vụ này có giá 7.846 tỷ đồng (370 triệu USD).

Chia sẻ lý do bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại khi Công ty vẫn tăng trưởng, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh Đô, cho biết, dù đang dẫn đầu thị trường bánh kẹo trong nước nhưng ngành hàng này không còn nhiều cơ hội phát triển như những năm đầu. Chính vì vậy, Kinh Đô đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngành khác như cà phê, mì gói, dầu ăn...

"Chúng tôi nhắm đến thị trường 180.000 tỷ đồng của ngành thực phẩm thiết yếu đóng gói chứ không chỉ là thị trường bánh kẹo với 15.000 tỷ đồng. Mặc dù đứng đầu thị trường với 30% thị phần nhưng tăng trưởng của ngành này đang chững lại trong thời gian qua. Nếu tiếp tục theo đuổi ngành bánh kẹo, Kinh Đô vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng nhưng chỉ ở mức thấp, khoảng 5 - 10%/năm", ông Thành nói.

Phân tích rõ hơn vấn đề này, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho biết, từ năm 2008 đến nay, khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, tốc độ tăng trưởng của ngành chậm hẳn lại.

Trong nước, dòng vốn trên thị trường khựng lại, doanh nghiệp (DN) khó đẩy nhanh sản xuất, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và hướng đến các mặt hàng thiếu yếu khiến nhà sản xuất bánh kẹo thêm khó khăn. Năm 2011, doanh thu của Kinh Đô tăng 15 - 20% so với năm 2010. Đến năm 2012, doanh thu chỉ bằng năm 2011.

Trước thực tế đó, 3 năm qua, Công ty đã tái cơ cấu các danh mục sản phẩm, khai thác tối đa lợi thế quy mô, năng lực quản trị để kiểm soát chi phí. Thế nhưng, năm 2013, tăng trưởng doanh thu của Kinh Đô cũng chưa đạt mức 10%.

Thông tin từ phía Kinh Đô cho thấy, việc bán cổ phần cho Mondelez International nằm trong chiến lược tái cấu trúc hoạt động Công ty. Và việc phát triển sản phẩm thực phẩm thiết yếu đã được hiện thực hóa bằng sự ra mắt của mì Đại Gia Đình thương hiệu Kido cách đây hơn 1 tuần.

Kết quả là sau 5 ngày ra mắt, mì Kido đã có mặt ở hơn 86.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Với những thắng lợi bước đầu này, ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô cho rằng, việc xác định chỗ đứng trên thị trường của mì Kido sau một năm là hoàn toàn khả thi.

Được biết, số tiền thu về từ hợp tác với Mondelez International trong lĩnh vực bánh kẹo với lượng tiền có sẵn, lượng tiền mặt của Kinh Đô lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Dự kiến Kinh Đô sẽ đầu tư vào mì gói 325 tỷ đồng, Vocarimex khoảng 700 tỷ đồng, kem Kido 300 tỷ đồng.

Số tiền còn lại sẽ đầu tư vào các danh mục dự án đang thương thảo (hình thức đầu tư vào các dự án này cũng giống như Kinh Đô đã đầu tư vào Vocarimex).

Bước đi khôn ngoan của "ông lớn"

Ngược lại với Kinh Đô, ông Tim Cofer, Phó chủ tịch cấp cao của Mondelez International - DN mua 80% cổ phần bánh kẹo của Kinh Đô, khẳng định: "Khoản đầu tư quan trọng của chúng tôi vào Kinh Đô và Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại châu Á cũng như tăng trưởng mảng kinh doanh thức ăn nhẹ cốt lõi tại thị trường đang phát triển năng động này".

Việc lựa chọn mua cổ phần của Kinh Đô là bước đi khôn ngoan của Mondelez International khi nhà đầu tư này tính đến đường dài. Bởi theo báo cáo thị trường thực phẩm và đồ uống của Business Moniter International (BMI), trong giai đoạn 2010 - 2014, ngành bán kẹo Việt Nam có mức tăng trưởng từ 8- 10%.

Riêng tăng trưởng doanh thu ngành bánh kẹo đến quý II/2014 đạt 10,7%. Về dài hạn, triển vọng cho thị trường bánh kẹo Việt Nam là rất tích cực. Các yếu tố như mức tăng thu nhập, tỷ lệ nhân khẩu ở độ tuổi lao động trên 51% và tiêu thụ bánh kẹo sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Chưa dừng lại ở 80% cổ phần nhóm hàng bánh kẹo, Mondelez International còn đặt tham vọng cao hơn. Sau khi thương vụ hoàn tất vào quý II/2015, nhà đầu tư này sẽ tiếp tục đàm phán để sở hữu luôn 20% còn lại của Kinh Đô. Điều này cũng được ông Trần Quốc Việt xác nhận tại đại hội cổ đông bất thường ngày 1/12.

Theo ông Việt, 20% còn lại sẽ được bán cho Mondelez International sau một năm khi hai bên đã hoàn tất giao dịch trước đó và phía đối tác tuân thủ những cam kết về việc đưa thương hiệu Kinh Đô ra nước ngoài.

Với sự tham gia của Mondelez International, thị trường bánh kẹo Việt Nam sẽ thuộc về nước ngoài và mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Bởi, Mondelez International là tập đoàn thức ăn nhẹ lớn nhất thế giới với doanh thu thuần lên đến 35 tỷ USD trong năm 2013.

Sản phẩm của Mondelez International có mặt tại 165 nước và dẫn đầu trong lĩnh vực bánh kẹo, chocolate với các thương hiệu Oreo, Ritz, Chocolate Cadbury... Tại Việt Nam, các loại bánh quy Oreo, Ritz... được khá nhiều người tiêu dùng biết đến.

Trong khi các DN trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà... có mức tăng trưởng chỉ 8-10% thì tăng trưởng của các DN ngoại lên đến vài chục phần trăm. Cụ thể, năm 2013, doanh thu của Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị có tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 8,4%, 12,4%, 13,8% và 8,2% thì Orion Vina lên tới 31,7%.

Với lợi thế của một thương hiệu lớn, mảng kinh doanh bánh kẹo chắc chắn sẽ được Mondelez International khai thác triệt để. Và khi hai thương hiệu Kinh Đô và Bibica đã do nước ngoài chi phối thì DN trong nước chỉ còn những thương hiệu nhỏ như Hữu Nghị, Hải Hà...

Chắc chắn, trong thời gian tới, sẽ còn nữa những cái tên thuộc về nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, đây là ngành cạnh tranh khá khắc nghiệt nhưng có tỷ suất sinh lời tốt. Và việc các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính lớn thâu tóm, thậm chí đẩy DN Việt Nam vào khó khăn để kiếm cơ hội phát triển ngày càng diễn ra mạnh hơn.

HỒNG NGA