Siết công bố thông tin, tiến tới "nâng hạng" thị trường

Trong nước - Ngày đăng : 04:10, 09/12/2014

Siết công bố thông tin để minh bạch hơn nữa TTCK là nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan quản lý, nhằm tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Siết công bố thông tin, tiến tới

Siết công bố thông tin để minh bạch hơn nữa thị trường chứng khoán (TTCK) là nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan quản lý, nhằm tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Đọc E-paper

Tại buổi họp báo khởi động "Cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm 2015" do Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp 2 Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) tổ chức (5/12/2014), ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chia sẻ, sau gần 3 năm thực hiện (từ tháng 6/2012), các quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52/2012/TT-BTC đã góp phần giúp cho thị trường minh bạch, công khai hơn.

Tuy nhiên, trong Thông tư 52 cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển của thị trường và hướng tới chuẩn mực quốc tế. Vì thế, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 lần này tập trung vào các điểm bất hợp lý đó.

Theo đó, Dự thảo tách biệt nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) với nghĩa vụ thực hiện các báo cáo; làm rõ các khái niệm còn mập mờ, bổ sung những trường hợp tạm hoãn CBTT; quy định rõ các trường hợp phải CBTT bất thường; quy định miễn trừ CBTT đối với giao dịch chứng chỉ ETF và các công ty có nhiều đơn vị con; bổ sung tiêu chí phát triển bền vững (liên quan đến môi trường, cộng đồng) vào trong báo cáo thường niên (BCTN) của doanh nghiệp (DN).

Thực tế, mặc dù nội dung cũng có những quy định mang tính cởi trói như bỏ quy định giải trình giá cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tục... nhưng nhìn chung, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 nghiêng về siết chặt CBTT hơn. Đơn cử, Dự thảo yêu cầu "thông tin bất thường" phải được lưu trữ trên website ít nhất 2 năm và tất cả những "thông tin định kỳ” phải lưu trữ dưới dạng bản giấy và dữ liệu điện tử ít nhất 10 năm.

Hay doanh nghiệp phải công bố quyết định vay/phát hành trái phiếu dẫn tới khoản vay chiếm từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên trong khi quy định hiện tại không yêu cầu cộng gộp các khoản vay nên DN có thể chia nhỏ các khoản vay và né CBTT... Nếu Dự thảo sửa đổi Thông tư 52 được thông qua, nhiều quy định sẽ mang tính bắt buộc chứ không dừng ở mức độ kêu gọi tự giác tự nguyện như trước.

Nhìn lại chất lượng CBTT nói chung và BCTN nói riêng của DN, bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, các thông tin DN cung cấp tuy tuân thủ đúng luật nhưng vẫn còn yếu.

DN rất hạn chế nói về rủi ro và cách giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của mình. Nhiều DN không giải thích hay nêu rõ kế hoạch liên quan đến tình hình thực hiện dự án đầu tư. Các báo cáo của ban quản trị, ban điều hành, ban giám sát... vẫn còn chung chung, mang tính đối phó, chưa cho thấy hiệu quả làm việc...

Nhà nước cũng đang xem xét các biện pháp gia tăng chế tài nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn thừa nhận, vẫn còn tình trạng bên phải CBTT (vì có tham gia niêm yết) và bên không bị CBTT (chưa niêm yết) nên trong môi trường cạnh tranh, việc minh bạch thông tin có khi là thiệt thòi.

Đặc biệt, không như ở nước ngoài, DN Việt Nam không chịu sức ép phải lên sàn từ phía cổ đông nên nếu UBCKNN quá mạnh tay trong bắt buộc và xử phạt CBTT, có thể đưa tới hệ quả nhiều DN xin rút lui khỏi sàn để khỏi phải minh bạch thông tin.

NGỌC THỦY