Viện trợ của EU và minh bạch trong chi tiêu

Trong nước - Ngày đăng : 04:28, 10/12/2014

Liên minh Châu Âu (EU) sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu euro trong vòng 7 năm tới, với yêu cầu chi tiêu minh bạch và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Viện trợ của EU và minh bạch trong chi tiêu

Liên minh Châu Âu (EU) sẽ viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 400 triệu euro trong vòng 7 năm tới, với yêu cầu chi tiêu minh bạch và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Đọc E-paper

Số tiền viện trợ này nằm trong chương trình hợp tác phát triển tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020, tập trung cho hai lĩnh vực là phát triển ngành năng lượng và nâng cao năng lực quản trị công, pháp quyền. Trong tổng số 400 triệu euro, EU dành 85% số tiền hỗ trợ phát triển năng lượng và 15% còn lại cho hệ thống pháp lý của Việt Nam.

Việt Nam đang có nhiều đối tác hỗ trợ về năng lượng, ví dụ hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Do vậy, phía EU sẽ thảo luận với Chính phủ Việt Nam để lựa chọn lĩnh vực hỗ trợ phù hợp nhất như năng lượng. ViệtNam vẫn đang dùng rất nhiều than hóa thạch cho việc tăng trưởng, điều này tác động không tốt tới tình trạng ấm dần lên của trái đất.

EU sẽ hỗ trợ những nhà máy điện đang sử dụng than, nhưng tập trung vào việc sản xuất điện hiệu quả hơn. EU cũng sẽ tập trung vào việc sử dụng hỗn hợp các nguồn năng lượng và tăng hợp phần sử dụng năng lượng sạch, bởi Việt Nam có tiềm năng về gió, Mặt trời, sinh khối.

Liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ thứ hai, EU có những giá trị pháp quyền mà người dân tin tưởng. EU có kinh nghiệm lâu dài về điều này nhưng không ai có quyền phán quyết về chất lượng quản trị công và pháp quyền của một quốc gia.

Điều mà EU đang cố gắng hỗ trợ đó là cố gắng thuyết phục các đối tác không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên toàn cầu nâng cao chất lượng quản trị công. Các dịch vụ công do các cơ quan công quyền cung cấp cần nhận được những phản hồi của hệ thống khách hàng sử dụng hệ thống công quyền đó.

Nói cách khác, khi các cơ quan của nhà nước đưa ra dịch vụ phục vụ nhân dân, hãy tiếp nhận một cách minh bạch những phản hồi, khi không có phản hồi, dịch vụ có thể chệch hướng và điều đó rất nguy hiểm. EU sẽ làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo nâng cao tính minh bạch của những phản hồi.

Một điểm nữa, khi cấp ngân sách và triển khai ngân sách cũng cần có sự minh bạch. Sự minh bạch này không chỉ với các định chế của Chính phủ trong hệ thống nhà nước mà còn phải minh bạch với công chúng.

Không có lý do gì mà công chúng không được biết thông tin từ việc chi tiêu của các khoản tài chính công. Công chúng cần biết Chính phủ đã làm gì với số tiền đó, bởi nói cho cùng, số tiền của Nhà nước cũng từ người dân đóng góp.

EU được gây dựng dựa trên sự dân chủ, đã có những lúc có khó khăn nhất định, nhưng điều dễ nhận thấy là một khi có sự tham dự mạnh mẽ của nhân dân, của nghị viện, đặc biệt khi nghị viện được trao quyền giám sát chi tiêu ngân sách thì chính phủ cũng hoạt động với thái độ, cách thức mang tính trách nhiệm giải trình cao hơn, tính minh bạch cao hơn.

Kinh tế vĩ mô dần ổn định, Việt Nam đã áp dụng các chương trình cải cách khá tốt, đặc biệt là về kiềm chế lạm phát. Việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng với EU.

Song đã có những lĩnh vực hợp tác, tốc độ tiến triển không như mong đợi. Ví dụ, chúng tôi đã hy vọng Luật Ngân sách nhà nước được thông qua và áp dụng từ năm 2015, bởi nó có nghĩa là tính minh bạch của chi tiêu của Chính phủ đối với công chúng.

EU tự hào là đối tác đầu tiên công bố khoản viện trợ cho Việt Nam trong 7 năm tới. Khoản viện trợ của EU không gây ra bất cứ gánh nặng nào đối với khoản nợ công mà Việt Nam đang phải xử lý. Đây là viện trợ không hoàn lại nên sẽ không có bất cứ điều kiện nào liên quan đến lãi suất nhưng điều kiện kỹ thuật là có, đó là EU muốn Chính phủ Việt Nam phải ổn định được kinh tế vĩ mô.

EU muốn đảm bảo sự minh bạch trong việc chi tiêu khoản viện trợ phát triển, cũng như chi tiêu của Chính phủ Việt Nam nói chung. EU muốn Việt Nam khi chi tiêu phải thỏa mãn các tiêu chí về tài chính công mà EU đã đưa ra.

Khoản tiền 400 triệu euro nghe có vẻ nhỏ so với các khoản vay của các đối tác khác nhưng nếu được sử dụng một cách thông minh và hiệu quả, nó sẽ là khoản tiền như "những hạt giống" giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Phía EU hy vọng những khoản tiền này có thể "làm mồi" cho lĩnh vực đầu tư của khu vực tư nhân.

EU sẽ thảo luận và quyết định về việc khoản tiền sẽ được chuyển như thế nào cho phía Việt Nam. Nhưng điều quan trọng liên quan đến khoản nợ công thì Việt Nam cần phải xem xét mối tương quan giữa khoản thu và khoản chi của Chính phủ thật chi tiết. Tôi tin vào khả năng Chính phủ Việt Nam có những cân nhắc thận trọng cho việc này.

PIERRE AMILHAT - Tổng cục Hợp tác Phát triển - Ủy ban EU - HẢI VÂN ghi