Cổ đông ngân hàng ngóng cổ tức
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 09:03, 18/12/2014
Khi nhận thấy chi phí hoạt động của các ngân hàng (NH) đã được cân đối, nhiều cổ đông đã lên tiếng đòi quyền lợi, vốn đã bị "quên lãng" trong thời gian dài.
Hiện lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,8 - 7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8 - 7,5%/năm.
Đáng chú ý ở các NHTM quốc doanh, lãi suất kỳ hạn ngắn tại Vietinbank, Vietcombank, Agibank, BIDV chỉ còn từ 4% - 5%/năm, trong khi lãi suất cao nhất ở các nhà băng này khoảng 7%/năm.
Ở các NH quy mô khá nhỏ, lãi suất huy động tiết kiệm cũng về dưới 8%, cao nhất ở PGBank là 7,6%/năm, NamABank 7,8%/năm (nhưng phải gửi kỳ hạn đến 36 tháng); cá biệt vài trường hợp lãi suất vẫn trên 8% như BacABank 8,2%/năm với kỳ hạn dài.
Trong bối cảnh lãi suất giảm thấp, nhưng tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các NH đều cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, huy động vốn của các NH đều tăng rất mạnh 9 tháng đầu năm. NCB tăng xấp xỉ 32%, DongABank tăng 14%, Sacombank tăng 18,5%, PVcombank tăng 24%.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, đến ngày 24/10, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 11,88% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn VND tăng 13,17%. Theo số liệu NHNN, huy động vốn toàn ngành NH 10 tháng qua tăng gần 12%. Điều này chứng tỏ các NH đang sở hữu lượng vốn giá rẻ khổng lồ.
Ở đầu ra, bà Trương Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP.HCM cho hay, lãi suất cho doanh nghiệp vay chỉ còn 5 - 7%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng chỉ được Vietcombank áp dụng cho các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tốt như Vissan.
Còn mức lãi suất cho vay phổ biến vẫn là 9 - 10%/năm ngắn hạn. Riêng lãi suất cho vay trung, dài hạn, vẫn áp mức cao hơn 10 - 11%. Nhìn chung, chênh lệch lãi suất vào-ra tại các NH vẫn khá cao giúp lợi nhuận NH được cân đối ổn định.
Cùng lúc đó, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng cho biết, dự kiến cả năm, mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 11% so với mục tiêu đề ra là 12,14%.
Dù không đạt được kế hoạch đề ra song so với năm ngoái, tín dụng tại TP.HCM cũng đã có khởi sắc hơn con số 9% khi kết thúc năm 2013. Một chuyên gia tài chính cho rằng, theo báo cáo 9 tháng đầu năm, quy mô nguồn vốn và dư nợ cho vay của TP.HCM đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, dư nợ cho 5 nhóm ưu tiên đạt 578.000 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ, tăng 7,9% so với cuối năm 2013. Dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng dư nợ. Cuối tháng 9, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 49% tổng dư nợ.
Với quy mô dư nợ đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng thì 1% tăng trưởng cho vay tại TP.HCM rất lớn, tương ứng 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Hồi tháng 9, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 6,05%, nếu như đạt 11% vào cuối năm nay, có thể thấy, chỉ 3 tháng cuối năm, với mức tăng trưởng gần 5%, các NH đã bơm ra thị trường nguồn vốn đáng kể.
Nhận thấy xu hướng hoạt động của các NH đã đi vào quy củ và ổn định, nhiều cổ đông bắt đầu lên tiếng cho rằng ngành NH đến lúc phải thực hiện nghĩa vụ trả lợi tức, điều mà lâu nay các NH cố tình "lãng quên".
Cụ thể, thời gian qua, lợi nhuận thu về trong hoạt động sụt giảm đáng kể trong năm qua và dự báo hoạt động NH còn khó khăn năm nay, vì thế, cổ tức chi trả cho cổ đông của các NH cũng sụt giảm hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm (khoảng 2 - 3%).
Thậm chí, vài năm nay, một số NH đang giai đoạn tái cơ cấu mất luôn khả năng chi trả cổ tức, với lý do dùng mọi nguồn lực, kể cả lợi nhuận đạt được để phục vụ cho mục tiêu tái cấu trúc.
Cụ thể như báo cáo tài chính của Techcombank quý III/2014 cho thấy, tỷ lệ thu nhập ròng từ dịch vụ trên tổng thu nhập của NH này 9 tháng đầu năm 2014 đạt mức 17%, cao hơn tỷ lệ tăng 12% cùng kỳ năm trước. Nhưng NH này vẫn xài bài cũ "khất cổ tức".
Ngay như BIDV, chỉ tính lợi nhuận kiếm được từ kênh tín dụng cũng đã có lãi từ dịch vụ tăng 16,8% đạt 2.019 tỷ đồng nhưng vẫn chưa chia cổ tức cho cổ đông. Còn lại một số NH như MBB, lãi sau thuế tăng cao nhưng chỉ tạm ứng cổ tức bằng tiền cho cổ đông đợt 1/2014 với tỷ lệ 7%. LienVietPostBank chỉ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2014 ở mức 3%...
Với ý kiến trung lập, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu NH hiện không biết kỳ vọng gì ngoài cổ tức, trong khi NH khó đáp ứng được điều này. Lợi nhuận NH năm 2014 sẽ còn khó khăn, do nợ xấu tăng. Vì thế, kỳ vọng vào tỷ lệ cổ tức của các cổ đông cao hơn năm rồi là điều không dễ.
Tuy nhiên, có thể hiểu lợi nhuận thu về trước hết phải đáp ứng được điều kiện này trước khi chia cổ tức. Đó là việc mà NH phải cân đối chứ không thể bắt cổ đông phải hy sinh mãi. Có thể khi nền kinh tế quá khó khăn, các NH có thể nợ cổ tức, nhưng khi đã hoạt động có lãi, thì buộc phải công bằng với những người đã góp vốn.