Hàn Quốc xuất khẩu mô hình Saemaul

Bình luận - Ngày đăng : 09:04, 19/12/2014

Hàn Quốc đang xuất khẩu chương trình hiện đại hóa nông thôn từng mang lại sự phát triển thần kỳ của nước này cách đây ba thập niên.
Hàn Quốc xuất khẩu mô hình Saemaul

Hàn Quốc đang "xuất khẩu" chương trình hiện đại hóa nông thôn từng mang lại sự phát triển thần kỳ của nước này cách đây ba thập niên.

Đọc E-paper

Theo The Economist, Hàn Quốc đã có sự chuyển mình mạnh mẽ khi thay đổi từ một nước nhận viện trợ trở thành một nền kinh tế giàu có nhất châu Á. Năm 1961, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 91USD, tương đương với Bangladesh. Nhưng sau đó, tăng trưởng công nghiệp mạnh mẽ được ghi nhận là động lực lớn nhất đem lại sự thịnh vượng cho kinh tế Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang nhắc lại một động lực khác tạo nên sự phát triển thần kỳ của nước này xuất phát từ nông thôn. Bà đi nhiều nước để giới thiệu về mô hình hiện đại hóa nông thôn mà Hàn Quốc đã áp dụng thành công nhằm giúp các nước nghèo làm theo.

Chính phủ Hàn Quốc đã chi 26 tỷ won (23 triệu USD) vào năm 2014 về đẩy mạnh các mô hình ở các nước châu Phi và châu Á. Năm ngoái, Hàn Quốc thiết lập Quỹ Saemaul Toàn cầu để giám sát nỗ lực này. Mỹ Latin là khu vực mới cho Saemaul vào năm 2015.

Đề án phát triển nông thôn, được gọi là Saemaul, hoặc Nông thôn mới, được khởi xướng tại Hàn Quốc trong thời bùng nổ xuất khẩu những năm 70 của thế kỷ trước.

Nguồn gốc của Saemaul được kể lại ở Hàn Quốc gần như truyền thuyết. Năm 1971, Park Chung-hee, sau đó trở thành Tổng thống Hàn Quốc, đã tặng mỗi ngôi làng 335 bao xi-măng. Số xi-măng này được dân làng sử dụng để xây cầu, mở đường hoặc xây nhà.

Đổi lại dân làng chia một nửa tiền tiết kiệm vào ngân hàng địa phương. Mục đích là để thu thập các quỹ kiếm tiền cho các dự án như trồng sâm, ớt hoặc nuôi hàu. Lợi nhuận từ những dự án này lại được sử dụng để mua hạt giống hoặc máy móc tốt hơn.

Cần phải nhớ, trước khi có phong trào Saemaul, 85% dân số sống trong những mái nhà tranh rách nát; 80% dân số nông thôn không có điện, phải thắp đèn dầu. Thế nhưng, trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, Saemaul đã tạo ra một bước đột phá cho sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc.

Đây thực sự là một cuộc cải tổ về ý thức nhằm đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc đồng thời còn làm nền tảng vô cùng quan trọng, góp phần vào sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế công nghiệp Hàn Quốc trong những thập niên cuối thế kỷ XX.

Saemaul được quảng bá ở nước ngoài trước khi bà Park đã nhậm chức vào năm ngoái. Từ năm 2010, Hàn Quốc đã thành lập khoảng 25 Saemaul tại 6 quốc gia ở châu Phi và châu Á, bao gồm cả Rwanda và Uzbekistan.

Năm nay, Hàn Quốc đã cam kết viện trợ 8 triệu USD cho Campuchia với một trung tâm đào tạo Saemaul địa phương và 30 dự án. Ở Myanmar, số dự án Saemaul lên đến 100.

Trong khi đó, sinh viên năm cuối của các nước từ Nepal đến Papua New Guinea được nhận học bổng nghiên cứu Saemaul tại Trường Chính sách và Saemaul Park Chung-hee.

Tổng thống Park phục hồi mô hình Saemaul với ngân sách đã tăng gấp ba kể từ khi bà lên nắm quyền. Nhiều nhà bình luận cho rằng khơi lại phong trào Saemaul có động cơ chính trị, tạo cơ hội để bà Park đánh bóng di sản của người cha Park Chung-hee.

Phong trào này đã từng mang lại điều kỳ diệu cho nông thôn Hàn Quốc, nhưng ngay cả những người trung thành với mô hình cũng phải nhìn nhận rằng nó sẽ có tác động hạn chế ở những nơi khác.

Năm 1976, Hàn Quốc đã dành gần một phần mười ngân sách quốc gia cho các chương trình Saemaul. Vì vậy, sự nhiệt tình mô hình Saemaul ở các nước khác có thể sẽ lụi tàn nếu thiếu hỗ trợ từ chính phủ của họ.

HÀ CÚC