Công văn 7059 và độ vênh với thực tế

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 05:35, 30/12/2014

Sau 2 tháng áp dụng Công văn số 7059/NHNN-TTGSNH về việc ngừng cho vay tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng chính sách này chưa phù hợp với thực tế.
Công văn 7059 và độ vênh với thực tế

Sau 2 tháng áp dụng Công văn số 7059/NHNN-TTGSNH về việc ngừng cho vay tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng chính sách này chưa phù hợp với thực tế.

Vòng quay vốn suy giảm

Một lãnh đạo Ngân hàng (NH) Eximbank cho biết, gần đây, vòng quay tiền tại NH chậm lại vì tín dụng ở một số lĩnh vực tắc nghẽn, hàng hoá tồn kho, sức tiêu thụ đình trệ. Tính đến hết quý IV, chỉ số tồn kho vẫn tăng trên 20%, trong đó có một số mặt hàng tồn kho cao như ximăng, sắt thép...

Theo vị lãnh đạo này, bên cạnh nguyên nhân thị trường hàng hoá chậm lại nghiêm trọng, dòng tiền chậm lại còn do tình trạng nợ nần giữa DN với NH cũng như giữa DN với nhau. Đặc biệt, vòng quay vốn chậm lại còn có nguyên nhân do NHNN siết cho vay tuần hoàn đối với một số DN.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, thông thường, tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) để thỏa thuận về thời hạn cho vay.

Đối với các tổ chức Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động, còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với cá nhân nước ngoài, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép sinh sống, hoạt động tại Việt Nam.

Cuối tháng 9 vừa qua, NHNN đã ban hành Công văn số 7059/NHNN-TTGSNH với một số quy định hạn chế hoạt động cho vay tuần hoàn. Cụ thể, NHTM phải thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi khi hết thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay; đối với các trường hợp đã cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn, các TCTD phải thỏa thuận với khách hàng điều chỉnh hợp đồng tín dụng.

Đặc biệt, trường hợp khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn nhưng được đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

Toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ được phân loại vào các nhóm nợ thích hợp theo quy định về phân loại nợ của NHNN.

Nhiều TCTD cho rằng, quy định này làm cho dòng tiền chảy ra nền kinh tế khó khăn hơn, đặc biệt những DN vay với NH với mục đích tài trợ vốn lưu động, thay đổi liên tục trong năm. Một lãnh đạo NH khác nêu ví dụ trong điều kiện bình thường của nền kinh tế, vòng quay tiền cho vốn lưu động trung bình khoảng 2,5 lần thì nay giảm xuống chỉ còn 1 lần, thậm chí chỉ xấp xỉ 0,5 lần.

Điều đó cho thấy dòng vốn chảy vào DN đã khan hiếm nay lại còn thiếu vốn trầm trọng. Nhiều DN không có khả năng trả hết nợ gốc đúng thời hạn, không được vay mới trong khi đơn hàng có khiến việc sản xuất bị chậm lại.

Từ đây, nhiều TCTD thể hiện kỳ vọng NHNN sẽ xem xét lại một số điều khoản để các DN có lịch sử tín dụng tốt được áp dụng các kỳ hạn vay ngắn hạn cho mỗi khoản vay tạo thuận lợi cho DN lựa chọn được NH cho vay có lãi suất tốt nhất tại từng thời điểm.

Theo đó, NHNN nên cho phép việc tái tục, quay vòng khoản vay (dưới 1 năm) và đặc biệt, không coi việc cho vay tuần hoàn là hành vi gia hạn nợ hay một hành vi tiêu cực theo quy định về trích lập dự phòng. Trên mọi quan điểm, hoạt động này chắc chắn không làm tăng rủi ro tín dụng vì các NH sẽ phê duyệt kỳ hạn khoản vay dài hơn rất nhiều so với kỳ hạn rút vốn vay thực tế...

Minh bạch nợ

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, chia sẻ, có thể khi áp dụng Công văn số 7059 sẽ khiến một số NH gặp khó khăn đối với việc tăng trưởng tín dụng, DN cũng gặp phải khó khăn về vốn. Song, phải nhìn nhận công văn này đang làm rõ những dòng vốn không hiệu quả và minh bạch tỷ lệ nợ để hạn chế trường hợp đảo nợ.

Cụ thể, nếu căn cứ vào các quy định hiện tại của NHNN như Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng (Quyết định 1627) và Thông tư 02/2013/NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng, xử lý rủi ro (Thông tư 02), việc tái tục/quay vòng khoản vay tạo ra bức tranh tiêu cực không phù hợp về nợ xấu, có thể làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động của DN và NH.

Hơn nữa, chất lượng và tình hình tín dụng của các DN và khách hàng cũng không được phản ánh chính xác bằng cách áp dụng các quy định này. Về lâu dài, ông Minh cho rằng, Công văn 7059 có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả NH và DN.

Cũng đánh giá về vòng quay của dòng tiền, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, mỗi lần ban hành một chính sách, việc áp dụng vào thực tế sẽ gặp độ chênh nhất định.

Ở việc siết cho vay tuần hoàn cũng vậy, đối với DN đây là một rào cản cực kỳ lớn, chi phí DN sẽ tăng cao và NH cũng khó có thể đưa dòng vốn ra thị trường hiệu quả. Tuy nhiên, để giải quyết nợ xấu và minh bạch tỷ lệ nợ vay, đây là hình thức kiểm soát chặt chẽ.

Nhưng để chính sách đi vào thực tế, bên cạnh việc áp dụng Công văn 7059, NHNN cần phải tiếp tục giảm lãi suất tín dụng, để các DN giảm chi phí vốn, từ đó có điều kiện giảm giá thành, giảm giá bán, kích thích tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó, phải thay đổi cách thức phân phối vốn hiện nay khiến cho đồng vốn không đến được nơi cần, nơi nó có thể phát huy hiệu quả.

LINH CHI