Vẻ đẹp hiền hòa ở Minsk

Du lịch - Ngày đăng : 05:38, 02/01/2015

Từ Moscow, sau một đêm trên tàu chúng tôi đến với Minsk, thủ đô của Belarus. Chuyến tàu êm ái, tiện nghi, nhà ga ở trung tâm thành phố sạch sẽ tinh tươm khiến tinh thần của cả đoàn khá phấn chấn khi sắp được đi thăm đất nước mà người Việt mình vẫn quen gọi là “Bạch Nga”.
Vẻ đẹp hiền hòa ở Minsk

Từ Moscow, sau một đêm trên tàu chúng tôi đến với Minsk, thủ đô của Belarus. Chuyến tàu êm ái, tiện nghi, nhà ga ở trung tâm thành phố sạch sẽ tinh tươm khiến tinh thần của cả đoàn khá phấn chấn khi sắp được đi thăm đất nước mà người Việt mình vẫn quen gọi là “Bạch Nga”.

Đọc E-paper

Thủ đô yên tĩnh

Dù được thành lập cách đây cả ngàn năm nhưng những nét cổ xưa ở Minsk không còn nhiều. Hầu hết phố xá được xây dựng sau chiến tranh thế giới thứ Hai với kiến trúc vuông vắn, giản dị. Các tòa nhà rải đều trên những con đường đắp cao dọc theo sông Svisloch.

Gọi là sông thì hơi quá, dòng Svisloch uốn lượn dọc theo thành phố nhưng mảnh mai như một con kênh. Được cái nước sông trong vắt, hai bên bờ là bãi cỏ xanh mịn như nhung.

Bây giờ đang mùa hè nên dưới mấy cây liễu rũ phơ phất có một số thiếu nữ mặc áo tắm nằm phơi nắng. Phụ nữ trẻ xứ này thật xinh đẹp, mái tóc vàng và làn da trắng sữa cứ sáng bừng lên dưới ánh mặt trời. So với nhiều thủ đô châu Âu khác, Minsk yên tĩnh và trong lành.

Thành phố hai triệu dân nằm trải rộng trên một vùng đồi nhiều cây cối và sông hồ. Các đại lộ ở đây rộng thênh thang, đường nào cũng có ít nhất vài kiến trúc đáng để tham quan như các nhà thờ cổ, cung văn hóa thể thao, nhà hát Opera.

Chúng tôi bị giữ chân lâu nhất ở Scarina Avenue, con đường mua sắm lớn với nhiều cửa hàng đồ cổ và đồ lưu niệm. Người bán hàng khu này rất thân thiện, hàng hóa cũng không bị nói thách nhiều, chỉ có điều hơi phiền là họ chỉ nhận thanh toán bằng tiền rúp Belarus.

Đổi 100 USD chúng tôi được đưa một xấp tiền rúp với hơn chục loại mệnh giá, nhiều mệnh giá nhìn na ná giống nhau, ai mắt kém rất dễ nhầm. Hộp đựng trang sức bằng gỗ và búp bê bằng rơm là hai món được nhiều người chọn mua nhất.

Vật liệu tuy đơn giản nhưng độ tinh xảo và vẻ đẹp đặc sắc của hoa văn truyền thống không thể chê vào đâu được. Ngắm đôi búp bê nam nữ trong trang phục cổ truyền đậm tính mỹ thuật Belarus, chúng tôi thêm háo hức muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa dân gian của đất nước mười triệu dân này.

Tuy nhiên, trước khi tìm đến ngày xưa, các bạn chủ nhà muốn chúng tôi nhìn thấy những nét hiện đại nhất của Minsk trước. Dù đã hoàn thành gần chục năm, thư viện quốc gia Belarus vẫn đang là niềm tự hào lớn của nền kiến trúc nước này.

Được xếp hạng 25 trong số 50 tòa nhà độc đáo nhất thế giới, thư viện nhìn bên ngoài như một viên kim cương khổng lồ. Nói chính xác thì đây là một tòa nhà liên hợp bao quanh khối công trình trung tâm cao 22 tầng. Phần thư viện chính là hình khối đặc biệt đó với tám mặt tam giác và 18 mặt vuông.

Dưới sự kết hợp của hệ thống đèn led phủ kín bên ngoài, công trình khiến ai nhìn thấy nó một lần ban đêm đều không thể quên. Cứ mỗi phút “viên kim cương” vĩ đại này lại đổi màu một lần và cả một vùng không gian quanh thư viện trông thật mê hoặc.

Tất nhiên bên trong khối kim cương, các phòng đọc sách hay khu vực lưu trữ thông tin cũng hết sức hiện đại. Cổng vào thư viện được khắc rất nhiều ngôn ngữ và hoa văn khoa học, ước tính mỗi ngày có hơn hai ngàn người vào đấy đọc sách.

Những sắc màu đồng quê

Nơi có nhiều kiến trúc hoa mỹ nhất của Minsk có lẽ là khu ngoại ô Troitskoye Predmestyle. Nơi đây còn nhiều dãy nhà được xây vào thế kỷ XIX với phần mặt tiền nhiều màu sắc tươi tắn. Một số nhà thờ cổ kính và nhà hát xưa cũng được phục chế cẩn thận nên trông khá mới.

Nhà thờ chính thống giáo kiểu Nga với kiến trúc hình củ hành có rất nhiều trên đất nước Belarus, đặc biệt tập trung ở Misnk những công trình quý giá nhất như nhà thờ Thánh Peter và Paul, nhà thờ Maria Magdalena.

Tôi đặc biệt ấn tượng với nhà thờ Thánh Helena có màu đỏ thẫm từ trong ra ngoài, vươn lên từ thánh đường bề thế là ba ngọn tháp cực kỳ thanh lịch nhờ những chi tiết trang trí vừa duyên dáng vừa kiêu sa.

Bên trong các kiến trúc tôn giáo này là cả một kho tàng mỹ thuật, hội họa với nhiều bức tranh và điêu khắc làm rung động lòng người. Du khách có thể chụp tranh, tượng thoải mái nhưng tuyệt đối không được chụp chân dung mình, vì theo người dân ở đây hành động đó thể hiện sự bất kính.

Vùng ngoại thành rộng lớn còn tồn tại một số lâu đài cổ tuy có phần hoang phế nhưng được bao bọc bởi cây cối xanh tươi nên trông vẫn rất bắt mắt. Trên đường đi đến làng văn hóa Dudutka, xe chạy qua những cánh đồng bồ công anh nở vàng rực và những vườn táo bạt ngàn.

Giữa những tán cây xanh ngăn ngắt, mấy trái táo đỏ au, căng bóng treo lúc lỉu khiến nhiều người xuýt xoa. Trong làng có nhiều khu vườn trồng hoa tử đinh hương tím nhạt mùi thơm dìu dịu, rực rỡ hơn thì có vườn tulip hoặc thủy tiên có màu sắc và hình dáng cánh hoa đa dạng.

Đời sống nông thôn Belarus có vẻ khá hấp dẫn qua những gì mà ngôi làng này thể hiện. Chúng tôi được chứng kiến nghi thức làm bánh mì rất long trọng đúng theo truyền thống, được xem cách người dân xay bột mì bằng cối xay gió.

Lò rèn của làng vẫn rừng rực lửa và nhà nấu rượu vodka bằng lúa mạch vẫn ân cần mời khách những ly rượu nồng đến cháy cổ. Xem ra kvass, loại nước giải khát làm từ bánh mì xám hay bột lúa mạch ủ dù chua chua lạ miệng nhưng vẫn dễ uống hơn vodka nhiều.

Làng ở gần rừng nên chúng tôi tranh thủ xem thú vui hái nấm buổi trưa là như thế nào. Ngoài đường đang nắng khá gắt, vậy mà khi bước vào rừng, không khí bỗng thật mát dịu. Mùi đất, mùi cỏ trộn với mùi nhựa cây thơm hăng hắc làm ai nấy đều thấy sảng khoái.

Rừng ôn đới mùa hè nên thơ và không chút đe dọa. Trên những cành thông nằm sát mặt đất, hơi nước đọng thành chuỗi ngọc li ti cứ lấp lánh, lấp lánh mỗi khi có tia nắng trên cao rọi xuyên qua kẽ lá.

Lúc này chưa phải mùa nấm nên chúng tôi chỉ hái được vài cái, có nhiều nấm màu sặc sỡ rất đẹp nhưng hướng dẫn viên không cho ai hái vì đó là nấm độc.

Buổi chiều cuối cùng ở Minsk, thể theo yêu cầu của một thành viên trong đoàn từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Minsk chúng tôi đến ăn ở một quán nhỏ gần ký túc xá của trường trên đường Artilleristov.

Phần ăn của một người nhiều và ngon miệng với các món địa phương như mì ống ăn kèm thịt bò hầm, salad, xúp bắp cải đỏ phủ váng sữa, bánh mì đen.

Thêm tráng miệng bằng nước trái cây tươi nguyên chất và bánh ngọt phủ đầy nho khô mà một phần ăn vẫn chưa đến một trăm ngàn đồng Việt Nam.

Vừa ăn, chúng tôi vừa nghe người đồng nghiệp đã trải qua thời sinh viên ở Minsk kể lại thời tuổi trẻ tươi đẹp. Trong giọng kể hào hứng của chị có lẫn chút bùi ngùi, Minsk của chị không thay đổi quá nhiều sau bao biến cố.

Thành phố vẫn êm ả, người dân còn thân thiện, nhưng dường như có điều gì của thập niên 1980 mà chị không sao tìm thấy.

PHƯƠNG BÌNH/DNSGCT