3 giải pháp trước mắt để tránh phụ thuộc kinh tế Trung Quốc
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 01:14, 09/01/2015
![]() |
Năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc ước tính 28,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 21,8% so với năm trước. Việc điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu với Trung Quốc là bài toán đã được đặt ra lâu nay, với không ít chính sách đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn.
Với mục tiêu giải bài toán giảm nhập siêu - tránh phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (Trung tâm WTO) đã thực hiện “Báo cáo kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường tính chủ động của một số ngành kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc” trình Chính phủ.
Báo cáo là sự tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các hiệp hội doanh nghiệp trong các ngành kinh tế liên quan, nhằm xác định bức tranh hiện trạng từ đó đưa ra những đề xuất trình Chính phủ nhằm giải bài toán "phụ thuộc kinh tế Trung Quốc". Dưới đây là trích lược báo cáo.
Bức tranh hiện trạng
Thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục gia tăng và gia tăng ở mức độ mạnh trong 10 năm qua. Tính tổng thể, kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm 20% tổng thương mại của Việt Nam. Trung Quốc chiếm 25% kim ngạch nhập khẩu và 10% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo thống kê thì Trung Quốc chiếm tới 24% tổng thương mại của Hàn Quốc và 40% tổng thương mại của Đài Loan. Tuy nhiên, nguy cơ phụ thuộc đến không phải chỉ từ tỷ trọng thương mại mà còn ở năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, và do đó mức độ bị ảnh hưởng lớn hơn và khả năng thoát khỏi ảnh hưởng cũng thấp hơn tương ứng. Những biến động từ đối tác này, nếu có, sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tức thời tới thương mại Việt Nam, với mức độ lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc vào từng ngành kinh tế.
Việc điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu với Trung Quốc là bài toán đã được đặt ra lâu nay, với không ít chính sách đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Một phần là do những nguyên nhân cốt lõi chưa được xử lý rốt ráo, phần khác do các nỗ lực triển khai chưa thực sự quyết liệt, triệt để.
Về cơ cấu xuất nhập khẩu, Việt Nam nhập từ Trung Quốc phần lớn là các sản phẩm cơ bản để phục vụ sản xuất hàng hóa của mình, đặc biệt là nhóm hàng hóa sử dụng để xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa. Theo đó, sản xuất của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.
Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu thô và nông sản có giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó, nó có thể ảnh hưởng không tốt tới quỹ tài nguyên đang dần trở nên hạn hẹp của Việt Nam (đặc biệt là với nhóm nguyên liệu thô) hoặc khiến một bộ phận dân cư nhạy cảm bị phụ thuộc vào những biến động tại thị trường này (nhất là với nhóm nông sản).
Đặc biệt, tình trạng xuất nhập lậu đang ngày càng phổ biến, chất lượng hàng hóa nhập khẩu không được kiểm soát làm trầm trọng hơn bức tranh phụ thuộc.
Thực tế này khiến không chỉ Chính phủ thất thu nguồn thuế từ hàng hóa nhập khẩu mà còn làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách quản lý đối với các sản phẩm hạn chế, cấm xuất, nhập khẩu từ đó ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng quan trọng (môi trường, an ninh, tính mạng sức khỏe, hiệu quả sản xuất...). Đặc biệt, việc nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước sản xuất bị cạnh tranh bởi hàng nhập lậu, chất lượng thấp từ biên giới là nguyên nhân làm đổ vỡ sản xuất trong nước. Hơn nữa, đó còn là điều kiện nuôi dưỡng các phương thức kinh doanh chụp giật, không chuyên nghiệp, thiếu bền vững, thói quen coi thường pháp luật của một bộ phận thương nhân cũng như tạo điều kiện cho tham nhũng.
Giải pháp đề xuất
Trước mắt: Chống buôn lậu, kiểm soát chất lượng
Thứ nhất, siết chặt hoạt động kiểm soát tại biên giới để ngăn chặn tối đa hiện tượng buôn lậu. Giải pháp này bao gồm một chuỗi các giải pháp tổng hợp nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát các hoạt động thương mại tại biên giới Việt - Trung, bao gồm ít nhất các nội dung như: xây dựng khẩn cấp cơ chế kiểm soát buôn lậu hiệu quả; tăng cường lực lượng và nguồn lực cho việc kiểm soát tình trạng buôn lậu (cả xuất - nhập khẩu); cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đảm bảo thông quan nhanh chóng, thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu; xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm (cả của thương nhân và cán bộ nhà nước); các địa phương khu vực biên giới tạo điều kiện giải quyết việc làm cho một bộ phận cư dân biên giới hiện đang bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng để “buôn lậu” hợp pháp bằng việc sử dụng thẻ cư dân biên giới để vận chuyển hàng thuê qua biên giới.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua biên giới: xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với các sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và máy móc thiết bị, qua đó có căn cứ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam; xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng nhanh chóng, hiệu quả; mua sắm trang thiết bị kỹ thuật phục vụ việc kiểm soát chất lượng tại chỗ (tại biên giới); tăng cường lực lượng cho việc này; xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ quản lý để lọt các trường hợp hàng hóa chất lượng kém vào thị trường Việt Nam.
Thứ ba, triệt để cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó khuyến khích việc xuất nhập khẩu với các thị trường khác (chứ không chỉ tập trung ở thị trường Trung Quốc với cơ chế tiểu ngạch dễ dàng).
Lâu dài: Tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA
Báo cáo kiến nghị xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch, với việc điều chỉnh cơ chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch theo hướng hạn chế dần (thắt chặt các điều kiện được phép sử dụng cơ chế tiểu ngạch); tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế xuất nhập khẩu thông thường.
Đặc biệt cần tăng cường hiệu quả sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA.
Thông qua chiến lược đàm phán các FTA thế hệ mới với các đối tác thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới, Chính phủ đã và đang thực hiện công việc “mở đường”, tạo điều kiện đa dạng hóa, đa phương hóa các đối tác thương mại. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả thực tế như mong muốn, doanh nghiệp chưa tận dụng được các lợi ích từ các FTA đã ký, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan, và do đó chưa thể đa dạng hóa thị trường cung - cầu của mình (đặc biệt với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA).
Do đó, cần tính tới các giải pháp nhằm xử lý các bất cập liên quan tới việc này, với ít nhất các việc: quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước và thiết lập một hệ thống thông tin công khai, rõ ràng cho doanh nghiệp về các ưu đãi thuế quan và các điều kiện hưởng ưu đãi cũng như các thủ tục phải thực hiện; đơn giản hóa tối đa thủ tục xem xét cấp C/O ưu đãi cho các hàng hóa liên quan; tạo cạnh tranh trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công này.