Thị trường dược phẩm: Cuộc chiến trụ hạng

Quốc tế - Ngày đăng : 09:54, 17/01/2015

Thứ tự thị trường của các hãng dược lớn nhất thế giới có thể thay đổi khi nhiều dòng thuốc của các hãng này hết hạn bảo hộ sáng chế. Một làn sóng thuốc sinh học mới đang được tung vào thị trường để thay thế rủi ro này.
Thị trường dược phẩm: Cuộc chiến trụ hạng

Thứ tự thị trường của các hãng dược lớn nhất thế giới có thể thay đổi khi nhiều dòng thuốc của các hãng này hết hạn bảo hộ sáng chế. Một làn sóng thuốc sinh học mới đang được tung vào thị trường để thay thế rủi ro này.

Đọc E-paper

Theo EvaluatePharma, một công ty chuyên phân tích và đưa ra giải pháp cho ngành công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học, hãng dược Eli Lilly được dự báo sẽ tụt xuống vị trí 17 trong năm 2018.

Nguyên nhân chủ yếu là do hết hạn bảo hộ bằng sáng chế Zyprexa và Cymbalta dẫn đến sự suy giảm 4% doanh số bán hàng hằng năm. Thị phần toàn cầu của 20 công ty hàng đầu sẽ giảm từ 66% năm 2012 xuống còn 59,1% vào năm 2018.

Để cứu vãn tình thế, các công ty sản xuất dược phẩm nhanh chóng phát triển các dòng thuốc mới nhằm thay thế các loại thuốc có bằng sáng chế đã hết hạn.

Trong năm nay, một làn sóng mới của thuốc sinh học sẽ được các hãng dược giới thiệu sau thành công của thuốc Humira điều trị viêm khớp được cấp phép ở Mỹ vào năm 2002 do Công ty AbbVie (Mỹ) phát triển.

Humira đã trở thành loại thuốc theo toa hàng đầu thế giới, với doanh thu 11 tỷ USD trong năm 2013.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Damien Conover, thuốc chế phẩm sinh học tạo ra 22% doanh thu của các công ty dược phẩm lớn trong năm 2013, và sẽ tăng lên 32% vào năm 2023. Riêng tại thị trường Mỹ có hơn 900 dòng thuốc sinh học đang được phát triển.

Trong 5 năm tới, một thế hệ các loại thuốc sinh học sẽ sử dụng virus để cung cấp "liệu pháp gen" - thay thế gen bị lỗi trong các tế bào cơ thể của bệnh nhân. Trung Quốc từng áp dụng phương pháp này để điều trị một số loại ung thư kể từ năm 2003.

Tuy nhiên, vào năm 2015, liệu pháp gen đầu tiên của phương Tây, Glybera, điều trị cho một căn bệnh di truyền hiếm gặp, sẽ được bán tại Đức. Gói điều trị này dự kiến có giá 1,3 triệu USD.

Pfizer hiện là đối tác của công ty công nghệ sinh học Spark Therapeutics trong việc phát triển dòng thuốc sinh học điều trị bệnh đông máu.

EvaluatePharma, một công ty chuyên phân tích và đưa ra giải pháp cho ngành công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học vừa phát hành ấn phẩm mới nhất "World Preview 2013, Outlook to 2018".

Trong ấn phẩm lần thứ 6 này, EvaluatePharma đã nghiên cứu hơn 4.000 công ty dược phẩm và công nghệ sinh học hàng đầu để đưa ra những dự báo về tương lai thị trường dược phẩm thế giới vào năm 2018.

Theo đó, biệt dược Humira của Abbott giữ vị trí dẫn đầu, mặc dù mục tiêu của thuốc này hướng vào một số lượng bệnh nhân nhỏ hơn so với các thuốc "bom tấn" khác. Dự báo doanh số của Humira sẽ tăng 5% mỗi năm từ năm 2012 đến 2018.

Tổng doanh thu từ các thuốc Brand là 246 tỷ USD vào năm 2012, đến năm 2018 sẽ tăng lên 296,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình 3,2%. Theo dự báo của EvaluatePharma, Công ty Novartis sẽ vượt mặt Pfizer và vươn lên vị trí hàng đầu.

Trong khi đó Pfizer tụt hạng và xếp sau Sanofi đang ở vị trí thứ 2. Một sự vươn lên mạnh mẽ là của Công ty Gilead Sciences với dự báo về thuốc trị nhiễm HIV Sofosbuvir dự kiến sẽ đẩy Gilead Sciences lên vị trí 11.

Tuy nhiên, phát triển các loại thuốc sinh học mới cũng có nhiều rủi ro. Cổ phiếu của Roche, một công ty dược Thụy Sĩ, giảm mạnh vào ngày 19/12 khi hãng này công bố kết quả đáng thất vọng từ thử nghiệm kết hợp hai dòng thuốc sinh học Kadcyla và Perjeta điều trị ung thư.

Bốn tháng trước đó, Viện Y tế và Lâm sàng Anh đã quyết định không sử dụng thuốc Kadcyla trong các dịch vụ y tế quốc gia để điều trị bệnh ung thư vú.

Các dòng thuốc mới cũng có nhiều trở ngại về chi phí điều trị, ngay cả đối với các nước giàu. Chẳng hạn, thuốc sinh học điều trị bệnh viêm khớp có chi phí 12.000 USD mỗi năm.

Người ta cũng đang đặt vấn đề về sản xuất "bản sao" các dòng thuốc sinh học mới, được gọi là "biosimilar". Ước tính biosimilar có thể tiết kiệm cho hệ thống y tế của Mỹ tổng cộng 44 tỷ USD trong thập niên tới.

Trước mắt, biosimilar sẽ không đe dọa lợi nhuận của các hãng dược như các phiên bản generic (sản xuất theo phiên bản gốc các loại thuốc đã hết bảo hộ sáng chế). Bởi vì, biosimilar sản xuất rất tốn kém với công nghệ phức tạp.

Vì vậy, các hãng dược vẫn quyết tâm theo đuổi phát triển các dòng thuốc sinh học để bù đắp sự sụt giảm doanh thu.

LAM HỒNG