Đời hành ở Cù Lao Ré
Du lịch - Ngày đăng : 08:54, 18/01/2015
Nếu mấy vụ hành trước mang lại niềm vui bội thu cho bà con huyện đảo Lý Sơn, thì năm nay, nhiều gia đình đôn đáo lo "đổ nợ" vì cây hành bị úng ngập trong những tháng cận Tết...
Nằm cách đất liền gần 18 hải lý, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn được gọi là Cù lao Ré, một vùng đất nổi tiếng từ lâu với nghề trồng hành và tỏi. Người ta vẫn thường biết đến đặc sản tỏi của Lý Sơn, nhưng ít ai biết rằng nơi đây cũng là "vương quốc" của hành. Từ trên cao nhìn xuống, những ruộng hành và tỏi tạo nên những sắc màu đặc trưng của hòn đảo này.
Lý Sơn có khoảng 550ha đất nông nghiệp, mỗi năm trồng một vụ hành, một vụ tỏi, khoảng 310ha xen canh với các loại cây ngắn ngày khác. Tỏi trồng 1 vụ/năm từ tháng 10 đến tháng 2, hành được trồng 2 vụ/năm từ tháng 3 đến tháng 9.
Trong số 2 xã tại đảo lớn Lý Sơn, xã An Hải có diện tích trồng hành tỏi lớn nhất, do đất bằng phẳng, kéo dài tận sát bờ biển. Hằng năm, cây hành và cây tỏi đóng góp đến 20% GDP của huyện. Hành hiện là cây trồng mũi nhọn của Lý Sơn chỉ đứng sau cây tỏi. Vì thế, nếu tỏi được ví là "vàng trắng" thì cây hành cũng được ví là "ngọc tím" của huyện đảo.
Trồng hành trên đảo không dễ dàng như ở trong đất liền. Dưới thời tiết nắng nóng có lúc lên tới 39 độ C, bà con nông dân cần mẫn tưới nước cho những luống hành hai lần mỗi ngày. Nguồn nước dùng để phục vụ việc trồng trọt được lấy từ những giếng nước lợ sâu dưới lòng đất 9 - 10m.
Nhưng trời không phụ lòng người, cây hành chẳng kén đất, chẳng kén tay người trồng, cứ vươn lên tươi tốt trên đảo.
Khác với đất liền, hành tím trồng ở Lý Sơn được kết củ trên lớp đất cát nên thu hoạch rất dễ dàng, chỉ cần nhổ nhẹ bằng tay và khi nhổ lên hành đã sạch đất cát.
Bà Huyền gom những búi hành vừa thu hoạch từ dải cát đưa lên xe đẩy, nói: "Trên huyện đảo Lý Sơn này, bất cứ giống cây nào cũng được trồng trên ruộng cát. Lớp cát này được đem về từ mép biển, phủ lên bề mặt ruộng từ 2 - 3cm. Chính lớp cát này tạo nên đặc sản mà chỉ xứ đảo này mới có đấy.
Hành tím Lý Sơn có vị thơm ngọt đặc biệt, không hăng và cay nên có thể ăn sống". Thật ra, dưới lớp cát còn là lớp đất đỏ bazan giàu dinh dưỡng lấy từ chân núi. Cứ ba, bốn năm, lớp đất bazan được bà con thay thế một lần. Tuy nhiên, nghe bà con nói, lớp đất bazan quý giá này đang ngày càng trở nên khan hiếm và khó khai thác.
Mùa thu hoạch, trên đảo Lý Sơn đi đâu cũng bắt gặp sắc tím của hành tràn ngập ở khắp nơi. Hành tỏi của Lý Sơn đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Thông thường giá mỗi ký hành ngoài thị trường là dao động từ 35.000 - 40.000kg.
Với giá bán này, bà con nông dân ba xã trên huyện đảo thu về hơn 168 tỷ đồng năm ngoái. Do thời tiết từ đầu mùa đến gần khi thu hoạch thuận lợi, nắng ráo nên bà con nông dân trồng hành tin rằng vụ hành này sẽ trúng lớn.
Tuy nhiên, vì trời chuyển mưa dầm khiến hành bị thối rữa, đến thời điểm này đã coi như mất trắng 80%. Riêng hành ở đảo Bé (xã An Bình) sản lượng ước đạt của 23 ha là 150 tấn nhưng hiện giờ chỉ còn 38 tấn.
Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: "Năm nay điều kiện thời tiết đã khiến bà con nông dân thất thu vụ hành. nhiều gia đình đầu tư khá nhiều tiền và công sức nhưng đã bị mất trắng. Đây lại là thời điểm gần Tết nên bà con hết sức lo lắng vì không có tiền trang trải các khoản nợ".
Theo bà con nông dân đảo Bé, gặp mưa nhiều, hành hư mà thu hoạch về bán rẻ cũng chẳng ai mua. Hàng trăm hộ nông dân trên đảo Bé đang lo lắng cho cái Tết cận kề mà nguồn thu nhập chính bất ngờ bị đổ sông đổ biển...
>Những người ươm Xuân
>Tận thu rừng dược liệu
>Đời ghe lu
>Săn mật giữa rừng Pù Huống
>Đầu trần, chân đất ở "thủ phủ” Quỳ Hợp