TGĐ Samsung Việt Nam: Doanh nghiệp Việt hãy đi dần từng bước
Du lịch - Ngày đăng : 06:48, 26/01/2015
"Chúng tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam hãy đặt mục tiêu dần từng bước, trước hết hãy cố gắng trở thành nhà cung cấp cấp 3, sau đó khi năng lực được cải thiện thì sẽ dần trở thành nhà cung cấp cấp 2 và cấp 1".
Ông Han Myoung Sup - tân Tổng giám đốc (TGĐ) Tổ hợp Samsung Việt Nam đã nói như vậy khi trao đổi về việc làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
* Cuối năm ngoái, Samsung Việt Nam tiếp tục đầu tư thêm 3 tỷ USD xây nhà máy mới, mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Vậy theo ông, doanh nghiệp cần phải làm gì để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn?
Ông Han Myoung Sup - Tân TGĐ Tổ hợp Samsung Việt Nam |
- Theo tôi, các doanh nghiệp trong nước của Việt Nam cần quan tâm và nỗ lực hơn trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng ta nên phát triển theo mô hình từ từ chứ không nên nóng vội. Nói cách khác, hãy bắt đầu từ việc sản xuất những linh kiện đơn giản, nằm trong khả năng hiện có, chứ không phải những linh kiện quá khó. Dần dần, các doanh nghiệp này sẽ nắm được công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất và đáp ứng được nhu cầu của Samsung cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng như các doanh nhân phải nhận thức được tầm quan trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Để ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam cũng cần có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong nước chuyên về công nghiệp hỗ trợ, tạo cho họ một môi trường đầu tư, sản xuất phù hợp, thuận lợi để họ có thể tự mình tham gia vào chuỗi quy trình này.
* Trong cuộc làm việc mới đây giữa VCCI và Samsung, hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp triển khai chương trình thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Việc đầu tiên mà hai bên dự kiến sẽ thực hiện để triển khai chương trình trên là gì, thưa ông?
- Để triển khai chương trình thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, Samsung và VCCI sẽ cùng nhau lựa chọn các doanh nghiệp Việt làm đối tác cho Samsung trong việc sản xuất các linh kiện. Trước mắt, doanh nghiệp Việt có thể lựa chọn là nhà sản xuất cho các linh kiện cấp 2/cấp 3 cho Samsung. Khi đã quen với việc này thì sẽ tiến hành hợp tác lên phân khúc cao hơn. Trong quá trình như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ có thể học hỏi được các kinh nghiệp sản xuất, lựa chọn đối tác của Samsung, từ đó có thể nâng cao trình độ của mình.
* Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung cấp của Samsung?
- Chúng tôi đã công bố các tiêu chí để trở thành nhà cung cấp của Samsung tại Hội thảo công nghiệp hỗ trợ hồi tháng 9 năm ngoái. Các doanh nghiệp Việt Nam đều phải đạt được các tiêu chí này nếu muốn là nhà cung cấp của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng để đạt được điều này cũng cần phải có thời gian.
>>Cung ứng cho Samsung: "Cửa hẹp" cho doanh nghiệp Việt
Hiện nay, chúng tôi có hệ thống các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Chúng tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam hãy đặt mục tiêu dần từng bước, trước hết hãy cố gắng trở thành nhà cung cấp cấp 3, sau đó khi năng lực được cải thiện thì sẽ dần trở thành nhà cung cấp cấp 2 và cấp 1.
* Hiện Samsung đang có sự thay đổi về chiến lược trong toàn cầu, nhất là trong việc điều chỉnh về cơ cấu. Vậy sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến việc đầu tư tại Việt Nam?
- Hiện nay, Samsung đã và đang mở rộng các nhà máy tại Việt Nam. Bên cạnh lĩnh vực điện thoại di động thì Samsung đang tiến hành mở thêm những nhà máy sản xuất đồ gia dụng điện tử tại TP.HCM. Việc thay đổi chiến lược toàn cầu, đặc biệt là việc tái cấu trúc của Samsung gần đây không ảnh hưởng tới việc đầu tư của Samsung tại Việt Nam. Trong thời gian tới Samsung vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất điện thoại tại Việt Nam.
* Xin cảm ơn ông!
>>Phát triển công nghiệp phụ trợ: Bây giờ hoặc không bao giờ