Làn sóng khởi nghiệp 1: Dịch chuyển khỏi dotcom
Du lịch - Ngày đăng : 03:31, 02/02/2015
David Butler - Phó chủ tịch mảng sáng tạo của Coca-cola, trong cuốn sách mới có tên Thiết kế để vươn lên: Cách Coca-Cola kết hợp quy mô và sự nhạy bén (và bạn cũng có thể) (đồng tác giả cùng Linda Tischler), đã khám phá mối quan hệ giữa thiết kế, khởi nghiệp và phát triển tổ chức, đồng thời, chỉ ra điều gì cần thiết để nắm bắt làn sóng khởi nghiệp kế tiếp.
Là người có tuổi thơ gắn bó với môn lướt sóng, David Butler cho rằng, nếu như chú ý, chúng ta có thể nhận ra người lướt sóng và doanh nhân khởi nghiệp có rất nhiều điểm chung. Họ đều phải không ngừng tìm kiếm những con sóng lớn đang sắp đến gần.
Nếu như kỹ năng sống còn của người lướt sóng chính là quan sát những đợt sóng được hình thành như thế nào, từ đó “định vị” bản thân mình vào đúng vị trí, thì kỹ năng quan sát và định vị cũng là điều không thể thiếu đối với một doanh nhân khi khởi sự một công việc kinh doanh hay mở rộng doanh nghiệp mình đang vận hành.
David Butler cho rằng, làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo kế tiếp đang đến rất gần. Tuy nhiên, giống như người lướt sóng, chúng ta – dù là cá nhân hay doanh nghiệp – đều phải định vị mình vào đúng vị trí nếu muốn “bắt kịp” làn sóng khởi nghiệp mới đang được hình thành này.
David Butler - Phó giám đốc sáng tạo Coca Cola. Ảnh: Nicholas Calcott/Fastcompany |
Chúng ta hãy cùng David nhìn vào tương lai của khởi nghiệp, bắt đầu từ thời kỳ dotcom (công ty internet).
Năm 1988, David Butler và vợ đã chuyển tới New York – một tâm điểm của sự bùng nổ dotcom thời bấy giờ.
David nhớ lại, thời điểm đó, các công ty lớn đều muốn nhanh chóng phát triển hoạt động thương mại điện tử. Khi đó, chỉ đơn giản thêm tiền tố “e” hoặc hậu tố “.com” vào tên công ty là có thể làm tăng giá cổ phiếu của công ty một cách đáng kể, và mọi công ty đều muốn như vậy.
Một loạt những công ty mới tinh, trên nền tảng internet, mọc lên như nấm sau cơn mưa xuân. Những công ty kiểu này sau đó gần như “bị tai tiếng” vì sự phát triển quá “nóng” cũng như sự tan vỡ nhanh một cách chóng mặt.
Mô hình kinh doanh dựa trên “ảo tưởng” và sự thịnh vượng bất thường của thị trường đã tạo ra bong bóng kinh tế khổng lồ dễ dàng vỡ xẹp, mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế đầu thập niên 2000 của Hoa Kỳ.
Một trong những trường hợp đổ vỡ lớn nhất phải kế đến công ty Boo.com, theo David Butler.
Boo.com chính là một trong những công ty đầu tiên áp dụng mô hình kinh doanh 100% trên nền tảng thương mại điện tử và chỉ bán sản phẩm của các thương hiệu thời trang lớn trực tuyến. Công ty này đã chi ra 135 triệu USD để đầu tư mạo hiểm trong vòng 18 tháng, trước khi ra mắt sản phẩm đầu tiên. Ra mắt vào mùa Thu năm1999, công ty này nhanh chóng phá sản vào giữa tháng 5 năm 2000.
Vào năm 2001, ánh sáng của trào lưu dotcom bắt đầu mờ nhạt. Startup.com đã thống kê và ghi lại thực tế điên rồ của thời kỳ này. Vào năm 2002, kỷ nguyên dotcom chính thức chấm hết.
Sau đó, cũng vào khoảng thời gian tương tự, Steve Blank bắt đầu giảng dạy về cách tiếp cận mới đối với việc khởi nghiệp tại Đại học UC Berkeley. Ông đã viết lại cách tiếp cận này trong một cuốn sách của của mình.
Thay vì đổ vào thật nhiều tiền hay đầu tư dòng vốn khổng lồ, tác giả này ủng hộ phương pháp tiếp cận mới đối với các công ty mới khởi nghiệp. Ông định nghĩa một công ty khởi nghiệp là “một tổ chức tạm thời tìm kiếm một mô hình kinh doanh có thể lặp lại”.
Phương pháp tiếp cận của Blank nhấn mạnh việc tập trung vào phát triển khách hàng và phát triển sản phẩm một cách nhanh lẹ trong khi vẫn tập trung vào mô hình kinh doanh từ những ngày đầu.
Phương pháp này sau đó đã được ủng hộ và nhấn mạnh bởi Eric Reis trong một cuốn sách khác. Và phương pháp trên nhanh chóng trở thành “bản thảo chuẩn mực” cho hầu hết các doanh nhân bắt đầu khởi nghiệp trên toàn cầu.
Ngày nay, những người sáng lập các doanh nghiệp không còn là những người chúi mũi vào chiếc máy tính trong những gara chật chội nhỏ bé. Mark Zuckerberg, Jack Dorsey, và Elon Musk nay đã là những người nổi tiếng của thế giới.
Techstar, từng chỉ là một công ty khởi nghiệp nhỏ, nay đã trở thành công ty nổi tiếng về cố vấn khởi nghiệp, sở hữu show truyền hình thực tế riêng. Và cả những chương trình khác như, StartUps, Startup Junkies, Startupland, Dragon’s Den, và Shark Tank, đều khiến cho việc xây dựng một doanh nghiệp xuất hiện trên truyền hình như một điều hấp dẫn khó cưỡng, tới mức hầu như tất cả mọi người đều có thể mơ về việc thành lập một công ty riêng.
Khởi nghiệp nay đang trở thành xu hướng. Chưa bao giờ việc bắt đầu một công việc kinh doanh lại dễ dàng như hiện nay. Rất nhiều công cụ mới sẵn có khiến cho quy trình khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn, Startup Weekend, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Seattle với chi nhánh tại 100 quốc gia, đã giúp những người muốn khởi nghiệp học cách nào để đi từ ý tưởng đến khởi nghiệp thực sự.
Nếu như bạn không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể học chỉ trong 54 giờ, chỉ với 100 đô, ở hầu hết mọi thành phố trên thế giới.
Startup Weekend hiện cũng đã hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhưng thậm chí cũng không cần tới Startup Weekend, bạn có thể tải những ứng dụng miễn phí hoặc những cuốn sách miễn phí về phân tích, về cách tạo ra phác thảo mô hình kinh doanh. Có hàng nghìn tổ chức khắp thế giới giúp bạn liên hệ với các cộng đồng khởi khiệp ở địa phương.
Bạn cũng sẽ không cần có một người thân giàu có hoặc một quỹ đầu tư mạo hiểm để tài trợ cho công việc kinh doanh của mình. Rất nhiều doanh nghiệp và các trường đại học có các tổ chức ươm mầm hoặc các chương trình giúp bạn tìm kiếm quỹ và người cố vấn cho những gì bạn đang cần. Hoặc bạn có thể chỉ cần đăng tải ý tưởng của mình vào một kênh crowdfunding như Kickstarter.
Những công cụ mới, những cộng đồng hay những hình thức mới để tiếp cận nguồn tài chính này đều đóng góp vào hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay. Đó chính là làn sóng khởi nghiệp thứ hai – làn sóng chúng ta đã và đang thấy trong thập kỷ vừa qua.
>>Làn sóng khởi nghiệp 2: Bắt đầu và gia tăng quy mô
>>Làn sóng khởi nghiệp 3: Hành động là cốt lõi