Internet: Tưởng dễ mà khó
Start up - Ngày đăng : 06:28, 14/02/2015
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa TP.HCM, lăn lộn làm thêm cho nhiều công ty phần mềm để vừa kiếm tiền ăn học trước khi thành lập Công ty Mắt Bão, chuyên cung cấp dịch vụ trực tuyến trên mạng. Những ngày đầu, Bình vừa làm giám đốc, vừa làm sale, vừa làm lập trình viên, kiêm kế toán... nhưng nay, Mắt Bão đã là DN cung cấp dịch vụ hosting hàng đầu Việt Nam.
Năm 2002, chuẩn bị tốt nghiệp đại học, tôi quyết định khởi nghiệp bằng cách cung cấp các dịch vụ liên quan đến website, cùng với một người bạn. Khó khăn, thử thách những ngày chân ướt chân ráo không kể sao cho hết nhưng đến năm tôi 30 tuổi, Mắt Bão đã bước chân vào top đầu trong các công ty hosting ở Việt Nam.
13 năm “chiến đấu”, từ 5 người vận hành toàn bộ Mắt Bão thì nay đã hơn 1.000 người. Nhiều người bảo rằng, như vậy là tôi đã khởi nghiệp thành công nhưng bản thân tôi thì lại không thấy vậy. Thực tế, khởi nghiệp thành công hay không rất khó nói, bởi khái niệm thành công khó mà cân đo để có kết quả chung.
Trong bối cảnh internet phát triển tại Việt Nam, bắt đầu kinh doanh với internet được xem là dễ nhất. Tuy nhiên, môi trường tưởng dễ ấy lại vô cùng khắc nghiệt.
Sau 6 tháng, hay cao lắm là 3 năm, nhìn lại, đã không thấy bóng dáng DN ấy đâu trên thương trường. Với những người khởi nghiệp ít vốn, loay hoay đã thấy DN mình không còn trụ được.
Vài năm trước tôi cũng loay hoay, cũng dồn sức nhưng vẫn “chết” với những dự án thiếu tầm nhìn. Như dự án về một website tìm kiếm việc làm của tôi chẳng hạn.
Rút kinh nghiệm, khi bắt tay vào một dự án khác, tôi cũng tự nhắc mình, phải tìm hiểu thị trường, biết được chiến lược công ty, tìm vốn... Vậy mà vẫn “chết”!
Trong những ngày đối diện với thất bại, tôi có dịp trò chuyện với các doanh nhân Nhật Bản và phát hiện ra, mình và nhiều người khởi nghiệp khác đang đi ngược. Các doanh nhân Nhật Bản làm rất khác.
Khi bắt đầu khởi nghiệp, thay vì tìm chiến lược, họ tự hỏi có bao nhiêu tiền, nội lực đến đâu... Với những con số ấy, “đứa con” của mình sẽ nuôi được lớn đến đâu? Đến khi nào thì con mình tự nuôi mình?
Không chỉ vậy, hàng loạt câu hỏi khác dành cho giấc mơ khởi nghiệp cũng phải được đưa ra trong suốt quá trình “nuôi con”, từ khi sinh đến khi dứt sữa thì có bao nhiêu rủi ro? Liệt kê hết ra những khó khăn này cũng đủ để “đổ mồ hôi hột: nhân sự thế nào, đối thủ cạnh tranh ra sao...
Để rồi trả lời, với vốn của mình, liệu đứa con ấy có thể vượt qua các rủi ro đó? Cuối cùng, họ mới tính đến chiến lược. Trong khi đó, thói quen của những người khởi nghiệp ở Việt Nam luôn là tìm chiến lược trước.
Bước đi ngược này thật ra cũng giống như vẽ một chiếc bánh thật đẹp, thật hấp dẫn trong khi chưa có sự chuẩn bị nào về bột hay đường. Tôi đã có 8 năm đầu kinh doanh “sứt đầu mẻ trán” trước khi biết được con đường chính của mình.
Hy vọng, bài học từ những doanh nhân của đất nước mặt trời mọc sẽ phần nào giúp các bạn trẻ có thể tự vẽ lại con đường khởi nghiệp...