Ca sĩ Tạ Quang Thắng: Tôi của ngày ấy và bây giờ
Đời thường - Ngày đăng : 06:11, 16/02/2015
Là một trong số rất ít nhạc sĩ, ca sĩ chọn theo đuổi thể loại Country Rock, Tạ Quang Thắng đã gặp không ít những khó khăn và thử thách. Những ngày đầu xuân, chàng ca sĩ trẻ, cá tính chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê của mình.
Cho đến giờ, country rock vẫn là thể loại có ít, nếu không muốn nói là rất ít ca sĩ theo đuổi. Vì thế hoàn toàn dễ hiểu cái thời tôi chập chững tìm hiểu và bắt đầu đam mê nó, mọi thứ khó khăn và hiếm hoi thế nào. Không có người sáng tác, tôi phải tự học. Ngày đó tôi thích hát nên mới thi vào Khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội, chứ không phải Khoa Sáng tác.
Để học sáng tác, tôi tham khảo sách của các bạn ở Khoa Sáng tác và đặc biệt là học hỏi từ các anh em trong ê-kíp. Dần dần tôi tiếp cận nhiều hơn tư liệu của các trường nhạc nước ngoài. Tôi rất hâm mộ John Mayer. Biết anh ấy học ở Berklee College of Music của Mỹ, tôi đã mua rất nhiều sách và đăng ký học một khóa online của trường nhạc này. Ngoài ra, YouTube cũng là một nguồn cung cấp tài liệu rất hữu ích. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, tôi không gặp khó khăn gì trong việc tiếp cận những kiến thức cần có.
Thật ra tôi sáng tác vì không có ai viết nhạc thể loại country rock mà tôi yêu thích. Đến giờ tôi vẫn chỉ sáng tác cho mình hát, nhưng không xem mình là nhạc sĩ. Học nhạc và chơi nhạc nên tôi hiểu âm nhạc là môn rất khó theo đuổi và thành danh, không phải cứ viết được vài ca khúc là nghiễm nhiên trở thành nhạc sĩ. Tôi không hề khắt khe, mà sự thật đúng là như vậy.
Songwriter khác hẳn composer và hoàn toàn khác với arranger, producer. Trước giờ tôi chỉ viết hai ca khúc được đặt hàng. Một là cho chương trình MTV EXIT năm 2012, bài “Sống với nụ cười”. Hai là bài “Sống như những đóa hoa” cho chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt. Đó là hai chương trình lớn, tôi trực tiếp hát các ca khúc đó nên mới nhận lời viết.
Thời điểm tung ra “Lá cờ”, có nhiều ý kiến cho rằng ca khúc mang màu sắc tuyên truyền, như kiểu bài hát cổ động, không hợp với thị hiếu của giới trẻ và đang đắm chìm vào những câu chuyện tình yêu hơn là hoài niệm về một giai đoạn của đất nước hay những câu chuyện của đời sống xã hội. Đã nhiều lần tôi chia sẻ rằng tôi chẳng tuyên truyền gì cả, bài “Lá cờ” chỉ kể lại câu chuyện của bố mẹ tôi ngày xưa. Kể về những thứ tôi biết và lớn lên theo những câu chuyện bố mẹ kể lại về một giai đoạn mà ông bà cũng như mọi người dân đã trải qua, và tôi ghi lại cảm xúc đó. Tôi không thấy bài hát có câu nào tuyên truyền cả, hoàn toàn là cảm xúc rất cá nhân mà thôi.
Đến đại từ nhân xưng tôi cũng dùng là “tôi”. Còn việc có hợp thị hiếu của giới trẻ hay không thì chỉ cần lên Google hay YouTube tìm hiểu sẽ thấy có hàng trăm bản “Lá cờ” được toàn các bạn trẻ “cover” (trình bày theo phong cách khác). Nếu cứ mặc định thị hiếu của giới trẻ là những gì dễ dãi và không có gì hay ho là coi thường giới trẻ đấy.
Tôi không học sử dụng nhạc cụ để khoe rằng tôi chơi được 4 loại nhạc cụ, mà là để có thể chơi nhạc theo ý muốn, tự thu âm cùng ban nhạc để đạt được hiệu quả cao nhất. Tôi cũng không viết nhạc chỉ để mọi người gọi tôi là nghệ sĩ đa năng theo hình mẫu singer/songwriter, mà là để mình có thể được hát thể loại nhạc yêu thích, hát về những suy nghĩ, tâm tư của mình.
Album đầu tiên tôi đóng vai là một người trải nghiệm cuộc sống rồi kể lại bằng âm nhạc. Kế đến là “Một tôi rất mới”, đó là “một tôi” mới về tất cả mọi thứ. Âm nhạc trong album này là thể loại country rock mang nhiều màu sắc hơn, tư duy về cuộc sống của tôi cũng mới hơn, đề tài rộng hơn. Tôi và anh em trong ê-kíp luôn mong muốn âm nhạc của mình phải tiệm cận với sự phát triển của âm nhạc thế giới nhưng vẫn luôn phảng phất cái hồn của Việt Nam.
Chúng tôi cũng bắt kịp xu hướng nhạc country đương đại của thế giới bằng những hình thức như kết hợp các nhạc cụ âm thanh thật với các loop nhạc điện tử... Nhưng ở từng nốt nhạc luôn có âm hưởng của ngũ cung và những thang âm của âm nhạc Việt Nam. Để màu sắc country đậm nét hơn, tôi đã mua banjo, lapsteel, những nhạc cụ đặc trưng của nhạc country để tập và thu âm.
Trong album này, âm nhạc của tôi mang nhiều tính tự sự hơn, có các ca khúc về tình yêu, gia đình, sở thích và triết lý. Trong cách hát, tôi đã tiết chế nhiều hơn, xử lý khéo léo hơn. Hình ảnh của tôi cũng rất khác, giảm từ 84kg xuống còn 73kg.
Bạn hẳn sẽ thắc mắc tại sao nội dung các ca khúc mang nhiều đề tài với những hơi thở về đời sống, những quan sát từ thực tế cuộc sống chứ không phải thuần là những câu chuyện yêu đương? Vì chúng tôi xây dựng như một chân dung toàn diện về tôi, có nhiều góc cạnh khác nhau để biết tôi yêu country rock, yêu bóng đá, tư duy về hạnh phúc, gia đình, cuộc sống... như thế nào.
Nếu chỉ có yêu đương thì sao khắc họa đầy đủ chân dung đó? Với những người chưa bao giờ biết đến tôi hay chưa nghe nhạc của tôi, chắc chắn tôi sẽ rất mới đối với họ. Tôi không thay đổi xu hướng và phong cách cũng như thể loại, vì một nghệ sĩ khi đã quyết định theo đuổi một dòng nhạc thì ngay từ đầu đã tự khoanh vùng đối tượng khán giả nhất định và phải xác định mình sẽ đủ kiên định để đi đến cùng con đường đã chọn.
Tôi tự tin có một lượng công chúng nhất định yêu nhạc của mình, họ là những người có thẩm mỹ âm nhạc tốt và tâm hồn đẹp. Hơn nữa, làm mới mình trên nền tảng những gì sẵn có thực sự khó hơn rất nhiều.
>Nhạc sĩ Hà Okio: "Cớ gì sáng tác cứ phải cao siêu?"
>Xu hướng sáng tác và xuất bản mới sẽ lan rộng ở Việt Nam
>Sáng tác bài rap 'Bản sắc Việt Nam' vì yêu Hà Nội
>Sự đứt gãy giữa các thế hệ trong âm nhạc