Để người trẻ mê chèo
Du lịch - Ngày đăng : 07:54, 16/02/2015
Biểu diễn chèo giữa sân đình, những người trẻ đã hóa trang thành Thị Mầu, mẹ Đốp, xã trưởng... Họ đang tìm về một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông - nơi còn cất giữ bao suy tư thời cuộc trong sự ví von đa thanh, đa nghĩa.
Chèo đến với giới trẻ bắt đầu từ... một cô sinh viên khệnh khạng bụng bầu bước ra sân khấu. Mõ Gióng lên mấy hồi, rao rằng: “Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ Tây Đông/ Con gái phú ông/ Tên là Mầu Thị/ Tư tình ngoại ý/ Mãn nguyệt có thai/ Già trẻ gái trai/ Ra đình mà ăn khoán...”.
Mẹ Đốp được sinh viên Thanh Hà vào vai, trong thế tương phùng đối đáp với anh xã trưởng do Giáp Trọng Đức (sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật Trung ương) đảm nhiệm. Nét sắc sảo, thông minh, hóm hỉnh của mẹ Đốp được Thanh Hà lột tả tới 70%, trong khi xã trưởng do Trọng Đức thủ vai còn hơi chếnh choáng giữa một bên là sự nghịch ngợm của một cậu sinh viên và một bên là vẻ hợm hĩnh của quan làng dốt nát, dê dẩm. Tiếng cười của khán giả vì thế mà cũng thêm phần vui vẻ.
Bao nhiêu ngày tập để có một đêm diễn chèo như thế, các sinh viên ở Hà Nội hiểu thêm một điều: Chèo đã không mai một giữa thời nay, chèo có duyên của nó và có lý do để quyến rũ hơn cả một Thị Mầu lẳng lơ, nổi loạn. Giáp Trọng Đức nói rằng: “Khi tập điệu cười hách dịch của xã trưởng, em bị nhập tâm đến mức nhiều lần trên đường về phòng trọ, em và các bạn nói chuyện rồi em cười nguyên cái điệu cười của xã trưởng. Nhiều người đi cùng xe buýt tưởng bọn em bị... điên. Thú vị lắm!”.
Còn Nguyễn Thị Thu Trà (sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn: “Đối với những bạn sinh viên sống ở Hà Nội, lại lớn lên trong thời đại nhạc trẻ, nhạc Hàn Quốc... chiếm lĩnh thị trường âm nhạc thì việc tiếp cận với chèo dường như quá xa vời. Em cũng hay nói với bố rằng: “Con không thể nghe được chèo hay các thể loại nhạc dân gian khác. Nhưng khi nghe thầy Lê Tuấn Cường giảng dạy về chèo và xem các bạn tập trích đoạn “Xã trưởng, mẹ Đốp” con đã thích chèo luôn rồi”.
Không còn “kháng cự” trước chèo, cũng như những sinh viên khác, Thu Trà đã xem và tập diễn các trích đoạn nổi tiếng của chèo cổ. Cô sinh viên năm thứ ba này phát hiện ra rất nhiều làn điệu chèo đòi hỏi sự tinh tế, luyến láy đến mức điêu luyện mới có thể lột tả hết tính cách từng nhân vật đã làm nên bản sắc sân khấu chèo Việt Nam.
“Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là dự án âm nhạc phi lợi nhuận được sáng lập bởi một nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của “Tôi 20” (tổ chức phi lợi nhuận của sinh viên) cùng với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn phát huy âm nhạc dân tộc và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững. Đây là dự án đầu tiên của giới trẻ về nghệ thuật chèo dân gian với mong muốn góp phần hỗ trợ các bạn trẻ có cơ hội được trải nghiệm, tiếp xúc nhiều hơn với nghệ thuật chèo... |
Một dự án như “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” đã khơi nguồn cảm hứng tìm về với nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ. Kết cấu của dự án gồm hai phần: Chèo khám phá và Chèo trải nghiệm.
Gần như giới trẻ thích thú hơn khi vừa được học các làn điệu chèo nổi tiếng, vừa được trải nghiệm ở một làng quê có chèo là loại hình nghệ thuật chính. Nguồn cội của chèo là nông thôn, tinh túy của chèo nằm ở tư duy và triết lý sống của nông dân. Có chăng, để mê chèo thực sự, giới trẻ cần có thêm nhiều chuyến đi để khám phá chèo ở nơi mà chèo phát tích. Nguồn cội là điểm tựa vững chắc nhất cho mọi sáng tạo trong bối cảnh tiếp kiến văn hóa từng ngày.
Có những mảnh hồn làng gắn với chèo như làng chèo Khuốc (Thái Bình), làng chèo Đặng Xá (Nam Định), làng chèo Thiết Trụ (Hưng Yên), chiếu chèo làng Then (Bắc Giang), làng chèo Cổ Phong (Hà Nội), chiếu chèo làng Ngò (Hà Nam)... Có thể, khi tìm về với làng, chiếu chèo đã khép tự mấy năm rồi, nhưng trầm tích chèo vẫn còn trong trí nhớ của dân làng. Trong hành trình gần như một chuyến khảo cổ ấy, giới trẻ phải tự khám phá!
Không quá tham vọng khi đánh giá “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là một dự án có thể thay đổi hoàn toàn cách nhìn về nghệ thuật truyền thống, trước hết là chèo. Cách mà người trẻ đang làm là tìm một hướng tiếp cận mới đối với chèo trong nhiều sự tương tác của nền văn hóa hội nhập. Hẳn nhiên, phải khơi gợi được niềm đam mê trong sáng, khả năng thẩm định tính bản địa văn hóa của người trẻ.
Giới trẻ đang hứng thú chinh phục chèo, nhưng cần sự cộng hưởng rộng rãi hơn từ nhiều yếu tố khác nữa. Ngấm ý tứ từ lời rao, tiếng mõ của mẹ Đốp, hay vểnh được bộ râu tỉa tót của xã trưởng mới chỉ là sự rung cảm ban đầu.
Còn để tạo được dòng chảy hướng về những nơi thẳm sâu của các làn điệu chèo, bài bản trong cách khai phá giá trị di sản này của cha ông thì e rằng giới trẻ chưa làm được. Nhưng, biết yêu chèo trong rất nhiều sự lựa chọn loại hình nghệ thuật hiện thời là quý lắm rồi!
Có mùa Xuân, cô gái mong ngóng chèo bằng một tấm lòng trắng trong như lụa trắng: Bữa ấy mưa Xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay (Mưa Xuân, Nguyễn Bính). Ngẫm rằng, khi các cô gái và các chàng trai đều đã “giăng tơ một mối tình” dành cho chèo thì đó là một tín hiệu đáng mừng.
>Khi người trẻ vẽ Sài Gòn xưa
>Người trẻ lan tỏa văn hóa
>Những người trẻ kết nối với lịch sử
>Người trẻ kể chuyện lịch sử
>Sân khấu của những người trẻ