Kinh tế sửa đổi, doanh nhân sửa mình

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 08:22, 18/02/2015

Chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, chuyển sang một thể chế trọng dụng nhân tài, có năng lực kịp thời tự phát hiện những yếu kém, lạc hậu và chấp nhận cải cách, luôn luôn đón chào sự sáng tạo có lợi cho dân, cho nước.
Kinh tế sửa đổi, doanh nhân sửa mình

Mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã chạm đến giới hạn tự nhiên của tài nguyên, đất đai, lao động. Để tiếp tục phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế phải tái cơ cấu, chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, vận dụng khoa học - công nghệ.

Tái cơ cấu nền kinh tế

Năm 2014, kinh tế thế giới có nhiều biến động và rủi ro cao, rất khó dự báo. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, kinh tế Việt Nam có những biểu hiện cải thiện nhất định, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát giảm, chỉ số giá giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Trong khi trân trọng những tiến bộ và thành tựu đã đạt được, song chúng ta không thể không nhìn thẳng vào sự thật là sự mất cân đối và yếu kém cơ bản của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục: nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên không tái sinh, để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2014, nước ta đã phải khai thác vượt kế hoạch dầu thô và than đá để xuất khẩu trong khi giá dầu giảm sút mạnh; xuất khẩu tuy tăng cao, song 68% tổng kim ngạch xuất khẩu do các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài đóng góp, trong đó phần giá trị gia tăng của nước ta rất thấp, chỉ khoảng 10%.

Dệt may, da giày, lắp ráp điện tử vẫn chủ yếu là gia công trong khi nông, lâm, thủy sản xuất thô, tỷ lệ sản phẩm được chế biến để tăng thêm giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động rất thấp. Sức hấp dẫn từ đầu tư nước ngoài chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ nhưng năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Tuy có cải thiện trong năm 2014, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar và nguy cơ tụt hậu xa hơn ngày càng rõ nét.

Trong khi trên thế giới, khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, thì nước ta thay đổi các sản phẩm quá chậm và phần lớn các thay đổi đều dựa vào DN đầu tư nước ngoài và công nghệ nước ngoài.

Samsung đã quyết định đầu tư 11 tỷ USD vào Việt Nam để sản xuất điện thoại di động thông minh nhưng giá trị gia tăng của Việt Nam chỉ khoảng 8 - 10%. Khi họ đề nghị cung ứng 170 sản phẩm phụ trợ cho điện thoại, trong 1.000 DN tham gia chỉ chọn được 12 DN và mỗi DN đó phải đầu tư thêm 10 - 12 triệu USD mới đáp ứng được yêu cầu của họ.

Mô hình tăng trưởng của nước ta lạc hậu, là mô hình tăng trưởng “nâu” tàn phá môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, không bền vững cả về môi trường tự nhiên và cũng không công bằng về mặt xã hội. Trong khi thế giới đã chuyển sang tăng trưởng “xanh” và bền vững.

Đã xuất hiện những tỷ phú đôla người Việt và năm 2014 ghi nhận có 210 triệu phú người Việt có tài sản trên 30 triệu USD trở lên. Nhưng không một ai trong họ giàu lên nhờ vào bí quyết khoa học - công nghệ, không một ai có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Nhiều “đại gia” đã phất lên rất nhanh nhờ chiếm được những miếng đất vàng, ăn chênh lệch giá, đốn gỗ, phá rừng, khai thác đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản. Sự chênh lệch giàu - nghèo bất công được phơi bày hằng ngày không chỉ ở những thành phố lớn mà ngay cả ở những tỉnh nghèo như Hà Giang, Sơn La. Rõ ràng, mô hình tăng trưởng này chưa đem lại công bằng xã hội và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người.

Năm 2015 sẽ là năm của hội nhập quốc tế, dự kiến Hiệp định Thương Mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU), sẽ được ký kết trong nửa đầu năm 2015; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước cũng hy vọng được kết thúc trong năm 2015; và cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực, mở ra những cơ hội và thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta.

Từ khi gia nhập Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ năm 2001 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, nước ta đã có bước phát triển rõ rệt về nhiều mặt, song phần lớn các DN vẫn chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trừ những sản phẩm gia công như dệt-may, da-giày hay lắp ráp điện thoại làm theo thiết kế và đơn đặt hàng của bên nhập khẩu. Nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, sản xuất chưa theo hợp đồng giao sau dài hạn. Mặc dầu là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, cà phê, gạo thuộc loại hàng đầu thế giới nhưng các sản phẩm chưa có thương hiệu, vẫn bị ép giá.

Hơn thế nữa, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo công nghệ truyền thống đang là trở ngại lớn để áp dụng giống cây, con mới, áp dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất xanh, sạch, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì.

Nếu không thay đổi kịp thời, cơ hội to lớn từ hội nhập sẽ không tận dụng được mà thách thức sẽ rất lớn. Hàng hóa từ các nước ASEAN với thuế suất bằng 0% sẽ tràn vào thị trường nước ta, các siêu thị do Thái Lan và Malaysia kiểm soát như Metro và Parkson ưu tiên bán hàng của họ, sẽ đẩy cả công nghiệp và nông nghiệp nước ta trước những thách thức rất lớn ngay trên sân nhà. Viễn cảnh người Việt Nam sẽ trở thành người làm thuê chính trên mảnh đất quê hương của mình đang có nguy cơ trở thành sự thật.

Cả nền kinh tế đang phải tái cơ cấu, chuyển sang tăng trưởng bền vững, dựa trên hiệu quả, năng suất lao động và khoa học - công nghệ, chuyển sang mô hình tăng trưởng bao dung và công bằng, tạo ra cơ hội phát triển tự do và bình đẳng cho tất cả các thành viên trong xã hội. Quá trình đó đòi hỏi phải tái cơ cấu đầu tư, tài chính - ngân hàng, tái cơ cấu DN nhà nước, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và trước hết là cải cách bộ máy nhà nước.

Chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ tư duy, chuyển sang một thể chế trọng dụng nhân tài, có năng lực kịp thời tự phát hiện những yếu kém, lạc hậu và chấp nhận cải cách, luôn luôn đón chào sự sáng tạo có lợi cho dân, cho nước.

kinh tế Việt Nam phát triển  doanhnhansaigon

Doanh nghiệp tự đổi mới

Trong quá trình tái cơ cấu đó, DN phải đóng vai trò trung tâm vì DN sản xuất ra của cải, tạo ra việc làm, đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước. Để trở nên hùng cường, Việt Nam phải có những DN dân tộc của nước Việt Nam chứ không thể chỉ dựa vào DN nước ngoài với thương hiệu nước ngoài.
Đây là thời điểm các DN Việt Nam phải tự nhìn lại mình và tự đổi mới.

Trong khi vui mừng và tự hào về sự lớn mạnh và tiến bộ của khu vực DN dân doanh nói chung, chúng ta cũng phải thấy phần lớn các DN thành lập và hoạt động trong thời gian qua còn nhỏ bé, chưa có cơ sở công nghệ hiện đại, chưa có thương hiệu có uy tín quốc tế, chưa được chuẩn bị đầy đủ về vốn, nghiên cứu thị trường nên chủ yếu đầu tư vào thương mại, dịch vụ có tính truyền thống, không đòi hỏi kỹ năng cao.

Những DN có chiến lược lâu dài, có thương hiệu, cạnh tranh thành công bằng chất lượng và bằng đầu tư vào khoa học - công nghệ như Vinamilk, gốm sứ Minh Long 1 hay Thép Pomina, Tôn Hoa Sen, Bóng đèn phích nước Rạng Đông còn quá ít.

Họa phúc không phải là việc của một ngày, nỗi buồn này có nguyên nhân và nguồn gốc của nó. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, thay vì đầu tư vào khoa học - công nghệ, áp dụng quản trị hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh thì ở nước ta đã nổ ra phong trào đầu cơ chứng khoán và đầu cơ bất động sản rầm rộ, làm giàu cho một số rất ít người nhưng để lại những hậu quả nặng nề đến nay vẫn chưa khắc phục hết. Một hệ động lực sai lệch đã hình thành lôi cuốn các DN chạy theo những mục tiêu trục lợi ngắn hạn, không bền vững.

Trong số 630.000 DN đã đăng ký, đã có hơn 200.000 DN đã phải đóng cửa hay làm thủ tục phá sản, chỉ còn khoảng 430.000 DN còn hoạt động. Trong số đó, cả nước mới chỉ có 200 DN được công nhận là DN khoa học - công nghệ, tức là DN có đăng ký bằng phát minh sáng chế và có sản phẩm mới, một tỷ lệ thấp đáng lo ngại.

Đã đến lúc phải đổi mới tư duy, đoạn tuyệt với mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên và trục lợi ngắn hạn, phải thay đổi động lực phát triển, đánh thuế thích đáng vào việc khai thác tài nguyên, kiểm soát tỷ suất lợi nhuận bất chính của đầu cơ bất động sản, đồng thời phải tăng hiệu quả của các động lực khuyến khích khoa học - công nghệ như quỹ đầu tư khoa học - công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, tăng cường liên kết giữa DN - viện nghiên cứu, trường đại học.

Nhận thức rõ yếu kém, cơ hội và thách thức đang xuất hiện, Nhà nước cần cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và mỗi DN cũng phải tự tái cơ cấu sản xuất - kinh doanh của chính mình. Xây dựng chiến lược dựa trên năng lực cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt so với đối thủ bằng tiến bộ công nghệ, bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. DN cần chủ động đề xuất những thay đổi chính sách của Nhà nước để tạo ra động lực thuận lợi để DN thực hiện các chuyển biến này. 

>“Tôi tin doanh nghiệp”
>Doanh nghiệp “tung chiêu”
>Quan trọng nhất là tầm nhìn và quyết tâm của chủ doanh nghiệp
>Doanh nghiệp thuỷ sản: Thay đổi để tồn tại

LÊ ĐĂNG DOANH