Sức ép trên lưng...

Du lịch - Ngày đăng : 06:45, 26/02/2015

CÔCC (con ông cháu cha) thường được hiểu theo nghĩa xấu, kiểu như “con vua rồi lại làm vua...”. Nhưng thật ra nó còn một ý tích cực khác...
Sức ép trên lưng...

CÔCC (con ông cháu cha) thường được hiểu theo nghĩa xấu, kiểu như “con vua rồi lại làm vua...”. Nhưng thật ra nó còn một ý tích cực khác. Trong cuộc sống quanh ta, nhan nhản những người nối nghiệp cha, mẹ mình, cho một sự nghiệp gia đình ngày càng phát triển. Họ có thuận lợi là có... gen bẩm sinh từ trong huyết quản, được truyền kinh nghiệm, bí kíp làm nghề, được sống trong những hoạt động của nghề ngay từ những ngày còn thơ ấu... Nhưng ngược lại, họ cũng phải chịu một sức ép tinh thần: Cái bóng quá lớn của “Người tiền nhiệm”...

Ngoài oxy, không khí trong nhà tôi còn có chất gì?

Tôi nghĩ chắc là chất văn chương.

Ngay từ sáng sớm, khi vài anh chị em trong nhà còn ngủ, đã có thể nghe tiếng đầu bút Bic của mẹ tôi chạy loạt soạt trên trang giấy. Âm thanh đó sẽ còn trở lại trong đêm, khi mấy đứa con đã say ngủ. Một loại âm thanh tôi nghĩ trên đời không có nhiều người được nghe.

Chỉ có thể có trong một sự yên tĩnh tuyệt đối, với một loại lao động cô độc đến nao lòng. Có khi rất nhanh, hối hả, tưởng như sợ không kịp với những ý tưởng đang tuôn ra trong đầu. Nhưng cũng có khi ngập ngừng, thậm chí dừng lại rất lâu, đến mức tôi gần như nín thở chờ nghe nó lướt tiếp...

Có thể nói mẹ là người dậy sớm nhất và thức khuya nhất (trừ những mùa thi anh em tôi phải mỗi người một góc ngồi, nằm tụng bài). Và mẹ đã viết như thế trong hơn 30 năm!

Chất văn chương còn có trong tiếng ngâm thơ sang sảng của cha tôi (Cha mẹ của nhà văn Nguyễn Đông Thức là nhà báo - nhà thơ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và nhà báo - nhà văn Tùng Long). Làm xong hoặc dịch xong một bài thơ, ông thường đắc ý đọc đi đọc lại nhiều lần, mà mẹ con tôi bao giờ cũng là những “nạn nhân” đầu tiên. Nó tràn ngập trong những lúc cha tôi có các thi hữu tới nhà, đọc thơ và bình thơ hết chục ấm trà chưa thôi!

Chất văn chương có trong tiếng cha tôi gõ máy đánh chữ khi viết báo, viết văn, dịch sách (khác với mẹ tôi, chữ ông rất xấu nên thợ xếp chữ chê, buộc phải đánh máy nếu không muốn bài in ra sai tè le!), rồi tới anh tôi, rồi tới tôi gõ tiếp, với ông ngồi một bên vừa dịch vừa đọc từng câu của Liêu trai chí dị, Hỏa thiêu Hồng Liên tự, Phương Thế Ngọc...

Cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ đã theo tôi từ hồi 13 - 14 tuổi! Trong khi gõ chữ, vì làm biếng tôi hay liều mạng biên tập luôn cho ngắn gọn để đỡ mất công, có khi được thầy khen nhưng cũng có khi bị la là ngu! Đó cũng là một cách học...

Chất văn chương có trong những ngày mùng Một Tết, khi cha tôi gọi từng đứa con lên chúc Tết cha mẹ bằng... thơ (con gái có thể được tha, nhưng con trai thì bắt buộc!). Tôi không bao giờ quên cảnh những tối 30 cả đám anh chị em ngồi bóp trán nghĩ ra những câu thơ thể hiện tình yêu của mình dành cho cha mẹ.

Ai làm thơ hay sẽ được giám khảo cha lì xì nhiều. Đó chính là những bài thơ đầu tiên vụng dại của anh em tôi, và trong bốn anh em trai thì thơ tôi luôn bị phê là dở nhất và nịnh thô thiển nhất... Chính xác thì đến giờ ba ông anh tôi vẫn làm thơ hay, còn tôi thì giải nghệ! Nhưng dùng văn chương để nịnh gái thì tôi lại là số 1 trong nhà!

Chất văn chương còn nằm trong vần điệu của những câu thơ ba chữ trong cuốn sách dạy làm người cổ nhất của Tàu (Tam tự kinh) mà cha tôi gò anh em tôi viết từng chữ (giờ tôi chỉ còn nhớ bậy “Nhân chi sơ tay rờ vú mẹ/Tánh bổn thiện cái miệng đòi ăn...” - vụ thêm thắt bậy bạ là anh em tôi tán thôi, không phải ông dạy); nằm trong những bài báo tôi phải đọc cho cha nghe mỗi sáng và bị chỉnh mỗi khi ngắt câu sai; nằm trong từng khổ báo đăng feuilleton (truyện nhiều kỳ) của mẹ tôi mà tôi được giao nhiệm vụ cắt lưu và sửa những chữ in sai để còn in sách khi kết thúc...

Văn cha tôi là lối văn cổ, biền ngẫu, nhiều thành ngữ, điển tích. Văn mẹ tôi là văn mới, Tây học. Mẹ không dạy gì nhiều, chỉ khuyến khích tôi đọc sách, bất cứ sách gì cũng có điều bổ ích. Khi tôi đã đọc hết tủ sách vài trăm cuốn của ông ngoại để lại, chủ yếu là truyện Tàu, tháng nào mẹ cũng dắt tôi ra nhà sách để mua sách (Khai Trí, Tự Lực, Văn Nghệ, Liên Châu...).

Mẹ mua Livre de poche (sách truyện Pháp khổ bỏ túi), còn tôi là Vô gia đình, Trong gia đình, Những người khốn khổ, Bá tước Monte Cristo, Lucky Luke, Spirou, Buck Danny... Hình như trong các anh em chỉ có tôi được mẹ dắt đi mua sách nhiều vậy!

Trong chín anh chị em, tôi đọc sách thuộc loại dữ, nhưng thiên kinh vạn quyển thì phải nói là anh Lập, và trí nhớ của anh là siêu đẳng. Tôi đọc xong thường quên rất nhanh vì nuốt sách quá lẹ, mẹ hay chê tôi vụ này nhưng cha tôi lại cười, nói không cần nhớ tên người, chỉ cần nhớ ý là được rồi. Y như sư thúc tổ Phan Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung, chỉ cần kiếm ý mà không cần nhớ chiêu thức.

Mẹ cũng giao tôi công việc đi giao truyện feuilleton của bà cho các tòa soạn, đọc sơ chọn thư bạn đọc gởi về nhờ “Gỡ rối tơ lòng” (nhiều quá bà đọc không xuể). Những trường hợp ly kỳ, hấp dẫn, mẹ đều để vào hồ sơ riêng để dành làm đề tài viết tiểu thuyết về sau (giờ tôi bắt chước bà chuyên đi góp nhặt những câu chuyện trên báo hoặc hóng từ bạn bè).

Đi giao truyện của mẹ (mỗi lần khoảng 3 - 4 trang viết tay), tôi thường được chỉ thẳng vào chỗ xếp chữ, nơi từng trang bản thảo bị xé thành 4 - 5 mảnh giao cho mỗi người thợ, họ bốc từng mẫu tự bằng chì ghép lại thành cột chữ rồi in vỗ ra bản bông đưa thầy cò sửa. Nhờ vậy tôi đã học được nghề sửa morasse ngay từ năm 16 - 17 tuổi!

Cứ thế mà chúng tôi lớn lên... Mấy đứa con trai thì có 3 làm thơ, 2 viết văn-làm báo (có một ông anh viết văn - làm thơ - viết báo)... Có thể nói cha mẹ chính là hai người thầy dạy văn chương cho chúng tôi từ thuở ấu thơ.

Nếu bạn hỏi làm CÔCC trong nghề có sướng không? Dạ thưa không! Cái bóng cha mẹ đè lên lưng tôi rất nặng, nhất là mẹ. Tổng kết lúc ngừng viết ở tuổi 50, mẹ tôi đã có khoảng 60 cuốn tiểu thuyết, 400 truyện ngắn, bên cạnh việc trả lời hàng ngàn bài “Gỡ rối tơ lòng”, đi dạy Việt văn, Pháp văn và làm thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai... Còn tôi?

Cho tới tận giờ này, đi các tỉnh ở miền Nam, gặp người tương đối lớn tuổi, khi tôi được giới thiệu với họ, họ đều không biết tôi là ai, nhưng khi thòng thêm câu, “con của bà Tùng Long”, thì ai nấy đều “À!” lên. Vậy đó! Quê không? Quê chứ! Phải làm sao để xứng đáng là người kế tục?

Những năm gần đây, nhất là từ khi ngồi làm cuốn Hồi ký cho mẹ, hiểu được hết sự vất vả và cố gắng không ngừng của mẹ, tôi làm việc nhiều hơn trước, chính là vì vậy. Tôi nghĩ nếu ai là CÔCC cũng thấy nhột mà luôn tự hỏi mình câu đó, mà luôn cố gắng hơn trong từng công việc hằng ngày, thì đất nước đầy CÔCC này sao không khá được?

***
Hai người thầy đầu tiên của tôi giờ đều đã khuất. Cứ mỗi lần Tết đến, tôi và anh chị em lại nhớ về cha mẹ với lòng thương tiếc khôn nguôi! Nhớ những ngày ngồi còng lưng viết ba mớ chữ Tàu: Nhân chi sơ, Tính bổn thiện, Tính tương cận, Tập tương viễn, Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên, Giáo chi đạo, Quý dĩ chuyên... với ông thầy tận tâm sửa từng nét chữ (mà giờ tôi đã quên tuốt!).

Mới đó mà đã 56 năm!

NGUYỄN ĐÔNG THỨC