Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyền được biết

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:31, 04/04/2015

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng việc cổ phần hóa hay chuyển giao quyền khai thác cho DN tư nhân là chủ trương đúng đắn hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Quyền được biết

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng việc cổ phần hóa hay chuyển giao quyền khai thác cho DN tư nhân là chủ trương đúng đắn hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Mục đích của việc này nhằm chuyển nguồn lực từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, giúp Nhà nước thu lại vốn đã đầu tư để tập trung vào các lĩnh vực khác ưu tiên hơn.

Đọc E-paper

Tuy nhiên, không phải vô cớ mà dư luận lo ngại về cuộc chạy đua sở hữu quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài, đến cảng hàng không Phú Quốc, từ các cảng biển đến đường cao tốc... Người ta lo ngại là vì trong cuộc chạy đua này, sẽ có không ít DN tìm cách chạy vạy để có được lợi thế.

Thực tế cho thấy, vào những năm sơ khai của nền kinh tế thị trường, lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng trong việc quản lý công sản, không ít đơn vị được Nhà nước giao quyền quản lý công sở, nhà xưởng, mặt bằng đã tự ý cho thuê, hay chuyển một phần diện tích sang làm nhà hoặc bỏ hoang, gây lãng phí trong thời gian dài.

Lợi dụng chủ trương hóa giá, biết bao nhiêu kho bãi, nhà xưởng của các công ty quốc doanh được "phát mãi" với giá thấp đến mức bất ngờ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước và làm giàu cho những kẻ cơ hội.

Kinh tế thị trường đòi hỏi chủ trương cổ phần hóa phải được đẩy mạnh để "toàn dân làm kinh tế”, từ việc cổ phần hóa các DN, tập đoàn nhà nước đến chủ trương chuyển giao quyền khai thác cơ sở hạ tầng do nhà nước đầu tư cho DN.

Mới đây, trong cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhằm đánh giá tình hình tái cơ cấu DNNN trong quý I/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cổ phần hóa là một nội dung hết sức quan trọng trong đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế của Việt Nam. Có 143 DNNN được cổ phần hóa trong năm 2014 và 289 DN còn lại phải hoàn thành cổ phần hoá trước cuối năm nay.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu: "Phải đạt được mục tiêu trong 2015 nhưng không được bán tháo, bán rẻ làm thất thoát vốn nhà nước!". Đi liền với cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là đổi mới quản trị, làm thế nào sau khi cổ phần hóa, DN sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.

Lời cảnh báo của người đứng đầu Chỉnh phủ không thừa khi ngày càng nhiều nhóm lợi ích tìm cách "hợp thức hóa" công sản sang tư hữu một số tài sản khổng lồ của toàn dân.

Trước đó, giới chuyên gia cũng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn đối với việc ép tiến độ trong quá trình cổ phần hóa, nhất là các DN trong những lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, hầm mỏ cho tới những cơ sở DNNN được đầu tư, có lợi thế về cơ sở hạ tầng và mạng lưới hạ tầng lớn.

Áp lực chạy theo tiến độ có thể khiến cổ phần các DNNN bị bán với giá rẻ, trong khi chất lượng quản trị lẫn tính minh bạch đều không được cải thiện. Yêu cầu đối với DNNN sau cổ phần hóa là thay đổi cơ bản hệ thống quản trị, tăng cường tính minh bạch và tăng khả năng giám sát của Nhà nước, của xã hội.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các tập đoàn kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt, chi phối thị trường, họ có thể có nhiều quyền lực đến độ có thể tạo ra ảnh hưởng cho những chính sách. Không phải tất cả các nhóm lợi ích đều được nhìn dưới lăng kính màu xám, bởi trong thực tế có những nhóm lợi ích phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng dân cư và đất nước.

Nhóm lợi ích chỉ xấu đi khi quyền lợi chung hoàn toàn bị thúc thủ trước quyền lợi của phe nhóm. Ngăn chặn tình trạng này, chỉ dùng công cụ quản lý, tức luật pháp, là chưa đủ. Theo các chuyên gia, vấn đề cốt tử ở đây là yếu tố con người trong bộ máy công quyền và tính minh bạch trong tất cả các chính sách để tạo ra cơ chế, môi trường cạnh tranh công bằng giữa các DN.

Minh bạch có nghĩa là các quy định phải được công bố một cách rất công khai, bởi vì đây là bán một phần tải sản của toàn dân, cho nên toàn dân phải có quyền được biết.

>2015, các ngân hàng đang tốt cũng phải tái cơ cấu
>Thủ tướng: Dứt khoát hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay
>Tái cơ cấu DNNN: Vẫn theo kiểu "cơ học"
>Tái cơ cấu nhân lực: Giảm số người ăn lương ngân sách

PHẠM SÔNG THU