Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thay đổi sâu rộng kinh tế thế giới

Quốc tế - Ngày đăng : 08:42, 09/04/2015

Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tại châu Á không chỉ quyết định tương lai châu lục này mà còn gây ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.
Tầng lớp trung lưu châu Á sẽ thay đổi sâu rộng kinh tế thế giới

Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu tại châu Á không chỉ quyết định tương lai châu lục này mà còn gây ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu.

Mặc dù kinh tế thế giới bất ổn nhưng tầng lớp trung lưu châu Á vẫn đang phát triển nhanh chóng. Trong những thập niên tới, nhóm dân số này sẽ là một yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế và chính trị trong khu vực, với những tác động đáng kể đối với phần còn lại của thế giới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính tầng lớp trung lưu toàn cầu (được định nghĩa là những hộ có chi tiêu hằng ngày từ 10-100 USD mỗi người (theo sức mua tương đương) sẽ tăng lên đến 4,9 tỷ người vào năm 2030, từ con số 1,8 tỷ trong năm 2009. Hai phần ba số này cư trú tại khu vực châu Á, tăng từ 28% trong năm 2009, trong đó Trung Quốc chiếm đông nhất. Nếu Trung Quốc theo đuổi cải cách kinh tế hiệu quả hơn, tầng lớp trung lưu của quốc gia đông dân nhất này sẽ vượt quá một tỷ người vào năm 2030, tăng từ 157 triệu người trong năm 2009.

Sự xuất hiện nhanh chóng của tầng lớp trung lưu châu Á sẽ mang đến những thay đổi sâu rộng về kinh tế, tạo ra các cơ hội thị trường mới cho các công ty trong nước và quốc tế. Hiện tại, nhu cầu tiêu dùng đã tăng lên trong khu vực khi Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất thế giới cho ô tô và điện thoại di động. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống lớn cho thị trường hàng hóa sang trọng và các sản phẩm công nghệ, khi sức mua của tầng lớp trung lưu tại đây bắt kịp các nước phát triển.

4,9 tỷ người

Ước tính tầng lớp trung lưu toàn cầu (được định nghĩa là những hộ có chi tiêu hằng ngày từ 10-100 USD mỗi người (theo sức mua tương đương) sẽ tăng lên đến 4,9 tỷ người vào năm 2030, từ con số 1,8 tỷ trong năm 2009. (OECD)

Nói về "Kỷ nguyên của người tiêu dùng châu Á", Ngân hàng Phát triển Đông Á (ADB) dự báo rằng châu Á sẽ tăng gấp đôi mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP toàn cầu, từ 27% của năm 2010 lên 51% vào năm 2050.

Thu nhập bình quân đầu người của khu vực này có thể tăng gấp 6 lần, lên ngang bằng với mức trung bình của thế giới, cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người dân châu Á. Hội tụ này sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, với các nền kinh tế châu Á tái cân bằng hướng về tiêu thụ nội địa, trở nên ít bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài.

Qua đó, châu Á cũng góp phần nâng cao tính bền vững của tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Tầng lớp trung lưu đang phát triển của châu Á sẽ biến đổi một khu vực được gọi là một trung tâm sản xuất toàn cầu thành một cỗ máy tiêu thụ. Khi nhu cầu tăng lên, nhiều việc làm sẽ được tạo ra không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu, theo chuỗi cung cấp và qua các mạng lưới sản xuất. Trong đó, sản xuất không rời khỏi châu Á mà chuyển sang dạng thức dựa vào người tiêu dùng và chú trọng khu vực dịch vụ.

Theo Giáo sư Lee Jong-Wha, Đại học Hàn Quốc, được trang bị với giáo dục chất lượng cao, tầng lớp trung lưu đang lên của châu Á sẽ đòi hỏi các dịch vụ công cộng có chất lượng cao hơn. Cùng với tăng cường nhận thức của người dân, các quy định của pháp luật cũng phải thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Sẽ có nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ học tập và làm việc, dẫn đến bình đẳng giới cao hơn.

Quan trọng nhất, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu có thể đi kèm với tăng trưởng nhu cầu về đời sống chính trị. Khảo sát ở một số quốc gia, từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI, cho thấy, tầng lớp trung lưu phát triển sẽ đòi hỏi nhiều hơn về các lợi ích chính trị, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đồng thời, sự phát triển của các tổ chức cá nhân có liên quan với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu ngăn chặn các tổ chức nhà nước độc quyền từ các nguồn tài nguyên chính trị.

Chẳng hạn, ở châu Á, Hàn Quốc đã trải qua một tiến trình tương tự, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thúc đẩy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, thúc đẩy các thay đổi mô hình chính trị trong những năm 1980. Lịch sử có thể lặp lại ở Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra học thuyết chính trị "Tứ toàn": Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý đảng nghiêm ngặt toàn diện.

Trong đó nhấn mạnh tầng lớp trung lưu ngày càng có tiếng nói giá trị, trở thành một lực lượng quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội. Bài báo này khẳng định xã hội mà không có tầng lớp trung lưu, chẳng hạn như Trung Đông và Mỹ Latinh, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị và sự hỗn loạn. 

>Giới trung lưu Mỹ mất ưu thế trên trường quốc tế
>Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng mạnh
>Mắc kẹt trong "chiếc áo trung lưu"
>Cuộc sống trung lưu ở New York: Ngột ngạt!

HÀ CÚC