Lực đẩy xuất khẩu từ thương mại điện tử

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:40, 09/04/2015

Dù cơ hội từ các hiệp định thương mại đang mở ra nhưng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SMEs) vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu. Vì vậy, bán hàng qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là lối thoát cho các DN SMEs.
Lực đẩy xuất khẩu từ thương mại điện tử

Dù cơ hội từ các hiệp định thương mại đang mở ra nhưng các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SMEs) vẫn gặp khó khăn trong xuất khẩu. Vì vậy, bán hàng qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) sẽ là lối thoát cho các DN SMEs.

Đọc E-paper

Chia sẻ tại "Ngày hội khách hàng lần thứ 4 - Supplier Day", dành cho các DN SMEs do sàn TMĐT Alibaba.com tổ chức vào cuối tuần qua, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, năm 2015, các DN trong nước sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn.

Trong đó, giá điện, xăng dầu, phí môi trường, sự biến động tỷ giá... tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, gây bất lợi cho xuất khẩu. Khó khăn bủa vây nhưng điều đáng lo là số lượng DN SMEs của Việt Nam quá lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DN SMEs chiếm tới 97% tổng số DN tại Việt Nam, với 51% lực lượng lao động và chiếm tới hơn 40% GDP.

Tuy gặp khó khăn nhưng các DN SMEs vẫn có cơ hội nếu biết tận dụng được lợi thế. Theo TS. Lê Đăng Doanh, muốn cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hóa, các DN trong nước nhất thiết phải đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Và một trong những hướng cạnh tranh mới là tiếp cận qua kênh TMĐT bởi đây là sân chơi lớn cho sự sáng tạo, năng động, luôn đổi mới và không có giới hạn về địa lý, về số lượng khách hàng, chi phí thấp.

Với vai trò là "người môi giới" DN Việt Nam đến với kênh TMĐT Alibaba.com, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và công nghệ OSC, cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu của Việt Nam không ngừng tăng trưởng và đóng góp vào thành công này là kênh TMĐT.

"Không quá khi nói TMĐT là công cụ đắc lực hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN SMEs tìm kiếm và mở rộng thị trường đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời điểm khó khăn". Thông qua Alibaba.com, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận thành công nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới.

Chẳng hạn như Hapro, không chỉ là thương hiệu mạnh trong nước khi sở hữu chuỗi siêu thị Hapro ở phía Bắc mà còn là một trong những DN thành công khi đưa hàng hóa Việt Nam ra nhiều nước trên thế giới. Mỗi năm, thông qua Alibaba.com, Hapro đã xuất khẩu đến 70 nước với doanh số hơn 9.000 tỷ đồng.

Không mạnh như Hapro nhưng nhờ ứng dụng TMĐT mà Công ty TNHH Minh Nhân (thương hiệu Q-Café và Q-Cereal) cũng đã xuất khẩu đến 10 quốc gia chỉ sau hơn 1 năm tham gia kênh bán hàng này.

Đại diện Công ty Minh Nhân cho biết, cà phê Việt Nam được định vị ở phân khúc thấp với chất lượng kém và giá thành rẻ, vì thế, tìm kiếm được khách hàng xuất khẩu không phải là điều dễ dàng.

Thế nhưng, từ khi tiếp cận Alibaba.com, Q-Café của Minh Nhân đã được nhiều khách hàng quốc tế biết đến, đặc biệt sản phẩm đã có mặt trong kênh bán lẻ của 10 nước mà Minh Nhân xuất khẩu.

Cũng cho rằng DN trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng ông Timothy Leung, trưởng bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu Alibaba.com, cho rằng, các DN SME, vẫn còn cơ hội để phát triển. Hiện nay, số lượng DN Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin này càng nhiều.

Hiện, số lượng thành viên Việt Nam đăng ký trên sàn alibaba.com ngày một nhiều hơn, và qua Alibaba.com các DN đã xuất khẩu sản phẩm tới nhiều quốc gia trong đó có cả Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Không chỉ có cơ hội khai thác xuất khẩu qua TMĐT, các DN SMEs của Việt Nam nhờ ứng dụng kênh bán hàng này đã khai thác nhiều hơn thế. Bà Goretti Lee, Trưởng Phòng Marketing, Alibaba, cho biết: "Việt Nam đang chuyển dịch dần từ một thị trường cung cấp thành một thị trường mua hàng. Chúng tôi nhận thấy có một số lượng lớn người mua và hỏi hàng trên Alibaba.com đến từ Việt Nam và hiện nay nhu cầu về sản phẩm của Việt Nam trên thế giới cũng tăng nhanh chóng".

Trước nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, Alibaba.com phải liên tục cập nhật những ứng dụng mới. Chẳng hạn như gần đây là các công cụ như AliSourcePro (hỗ trợ nhà cung cấp tìm kiếm người mua hiệu quả hơn), Alibaba Biz Circle (giúp nhà cung cấp và người mua hiểu nhau hơn, tìm kiếm được cơ hội kinh doanh tốt hơn)...

Cũng theo ông Timothy Leung, với một thị trường lớn như Hoa Kỳ, DN Việt Nam sẽ còn rất nhiều cơ hội để khai thác. Hoa Kỳ là một quốc gia ứng dụng TMĐT lớn nhất thế giới. Và với thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn như quốc gia này thì TMĐT là một kênh đặc biệt quan trọng.

Hiện, các nước phát triển chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch TMĐT toàn cầu, trong đó, riêng phần Bắc Mỹ và châu Âu đã lên tới 80%. "Phương thức B2B đang và sẽ chiếm ưu thế nổi trội so với B2C trong các giao dịch toàn cầu. Song khoảng cách ứng dụng TMĐT giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn còn rất lớn.

Trong khi nhu cầu từ các nước nhập khẩu sử dụng TMĐT là rất lớn thì các nước xuất khẩu (đa phần là các nước đang phát triển) lại chưa theo kịp. Vì vậy, vấn đề quan trọng hơn là các DN SMEs Việt Nam phải biết đầu tư và tận dụng cơ hội này", ông Timothy Leung tư vấn.

>Amazon tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc thông qua Alibaba 
>Quan điểm quản trị của Jack Ma - ông chủ Alibaba 
>Để doanh nghiệp SME làm thương mại điện tử hiệu quả
>Facebook khó thao túng thương mại điện tử Việt Nam

MINH HÀO