Một xã hội cần được truyền cảm hứng
Du lịch - Ngày đăng : 06:35, 11/04/2015
Tháng 3 năm nay, Công ty CP VCCorp công bố chương trình "We Choice Awards", trong đó đưa ra danh sách 24 người có sức mạnh truyền cảm hứng nhất trong năm 2014.
Có thể đây là lần đầu "Người truyền cảm hứng" được nói đến một cách chính thức, và câu trả lời sẽ đến từ phía người tham gia. Chưa biết cuộc bình chọn này sẽ thu hút đến đâu, nhưng nó cho chúng ta thấy, trong cuộc sống, ai cũng cần phải có cảm hứng để sống tích cực hơn.
Trên đường lập nghiệp, thật may mắn nếu có ai đó truyền cho ta động lực, nghị lực để đứng dậy khi vấp ngã, hoặc tiến lên phía trước con đường chúng ta đã lựa chọn với nhiều chông gai.
"We Choice Awards", với thông điệp "Khác biệt để thành công", chắc sẽ chỉ phù hợp với một bộ phận xã hội. Vì chỉ là một sân chơi riêng, nên chúng ta không quá quan trọng đánh giá 10 gương mặt đó có phải là thước đo tâm thế xã hội hay không, nhưng chương trình vẫn phản ảnh một bộ phận đang khao khát được truyền lửa giữa cuộc sống còn nhiều thử thách.
Vấn đề quan trọng hơn là đó có thực sự là cảm hứng hay không, hay chỉ là khao khát, ngưỡng mộ thành công của người khác, khao khát cái thành công bề ngoài hơn là cảm thấy sự thôi thúc tiến lên từ bên trong.
Thực tế bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ khi nhìn vào những câu lạc bộ "fan hâm mộ” của những thanh thiếu niên dành cho những ngôi sao Kpop nào đó. Qua đó mới càng cảm thấy sự nghèo nàn, mất phương hướng trong đời sống tinh thần của người trẻ.
Nhưng dẫu sao việc xuất hiện những nhân vật được nhiều người lựa chọn là đã "truyền cảm hứng" như giáo sư Văn Như Cương, như tác giả game "Flappy Bird" Nguyễn Hà Đông cũng cho chúng ta thấy một xã hội đang khao khát có được một nền tảng giáo dục vững chãi, có được sự đột phá trong hành trình tìm kiếm những điều mới mẻ.
Trong những lần giao lưu với sinh viên đại học, những doanh nhân thành đạt thường ít tập trung vào truyền lửa, mà thiên về truyền đạt kỹ năng. Sinh viên chỉ muốn tìm hiểu, bàn chuyện làm thế nào để ra mắt nhà tuyển dụng ở các tập đoàn lớn thay vì lắng nghe và thu nhận cảm hứng thật sự.
Chúng ta lắng nghe các bài diễn văn ở khắp nơi và cố gắng tìm kiếm thông tin từ đó, nhưng ít khi bạn gặp được những bài diễn văn đủ sức mạnh truyền cảm hứng, điều mà bất cứ lãnh đạo ở cấp nào cũng mong muốn làm được.
Ít cảm hứng là điều đáng lo trong xã hội. Và không biết cách truyền cảm hứng, thậm chí thấy không cần thiết truyền cảm hứng cũng là điều đáng buồn cho một xã hội mà lực lượng lao động trẻ chiếm đa số.
Gần đây, dư luận đã rất chú ý theo dõi, sau khi ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng mất vì bạo bệnh, hàng ngũ cán bộ lãnh đạo tại thành phố kế tục ra sao.
Họ cũng nhận thấy rõ ràng ông Nguyễn Bá Thanh là một người truyền cảm hứng rất tốt về mục tiêu phát triển thành phố, đã để lại một phong cách làm việc mẫu mực ở các cán bộ kế cận.
Những vụ việc nổi cộm vẫn được những người lãnh đạo mới xem xét rất nhanh, tập trung giải quyết rốt ráo, phong cách gần dân, lắng nghe dư luận bằng các kênh thông tin, kể cả email lãnh đạo được công khai.
Đó là kết quả của việc nhận được cảm hứng và đẩy lên thành khát vọng xây dựng thành phố, chứ không phải bằng thứ cảm hứng "nhiệm kỳ”, nên kết quả rất rõ ràng. Nhìn từ đó, chúng ta sẽ càng khao khát tìm kiếm những người đủ thực tài và thành tựu của họ đủ sức truyền cảm hứng cho một bộ phận xã hội.
>40 phụ nữ truyền cảm hứng nhất thế giới
>7 phim tài liệu truyền cảm hứng cho doanh nhân trẻ