Mỗi người phải tự lo cho cơn khát của mình!
Du lịch - Ngày đăng : 06:59, 12/04/2015
Hôm qua, tôi tình cờ đọc một dòng tâm sự của một nữ sinh viên đang du học ở Mỹ.
Em viết: "Bỗng nhiên mình thấy mệt mỏi, hay là bỏ hết ước mơ sự nghiệp để về làm cô giáo đi dạy bọn nhỏ, ngày ngày trồng rau trong vườn thanh thản. Mình sợ cứ đi hết con đường, leo núi, vượt thác hoài rồi bỗng kêu lên tôi khát, nhìn qua bên mình nhưng không có ai đủ sức nắn một dòng sông và nhận ra mỗi người phải tự lo cho cơn khát của mình. Chết vì khát thì người đời sẽ khóc. Nhưng sống mà để bị khát thì sẽ bị cười chê!".
Chỉ vài dòng tâm sự cũng đủ hiểu cô gái trẻ khao khát vươn lên thực hiện những giá trị sống cho mình, nhưng còn biết bao băn khoăn khi hiểu rằng "mỗi người phải tự lo cho cơn khát của mình", giống như mỗi người phải tự chọn những giá trị sống, chứ không thể để mặc cho cuộc đời đem lại giá trị ấy!
Cô gái trẻ này từng cùng hai bạn gái Việt Nam đi xuyên nước Mỹ trong mùa Đông, đương đầu với những cơn bão tuyết trên hành trình vạn dặm để trải nghiệm cuộc sống và thiên nhiên cũng như hoàn thiện kỹ năng sống. Sau đó, ba cô gái đã viết một cuốn sách và in tại Việt Nam để chia sẻ chuyến đi cũng như những giá trị sống mà họ cảm nhận và theo đuổi.
Sinh viên này còn tham gia một vài tổ chức văn hóa để quảng bá văn hóa nghệ thuật cổ điển thế giới trong giới trẻ. Tôi nghĩ rằng em đã đi đúng đường, đã rất gần với những giá trị sống căn bản như biết chọn lọc, thừa kế và góp phần phát triển, nhưng sao tâm trạng em đôi lúc vẫn bộc lộ sự mệt mỏi, hoang mang?
Và chợt nghĩ, nếu vậy thì sự hoang mang về con đường phải đi, về giá trị sống muốn hướng tới vẫn luôn đè nặng trên vai tuổi trẻ. Rồi bỗng lo những bài học công dân và đạo đức khô cứng của sách giáo khoa liệu có tạo ra một nền tảng để tuổi trẻ mạnh dạn và chủ động tìm kiếm giá trị sống cho bản thân, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh, thay vì mơ mộng về những lý tưởng cao đẹp để luôn đối diện tâm trạng lo lắng hoặc thất vọng, hoặc là bỏ mặc cuộc sống đưa đẩy như phần lớn người trẻ hôm nay?
Chúng ta vẫn thấy những doanh nhân thành công luôn ao ước mỗi ngày có 48 giờ để thực hiện tất cả những việc muốn làm, nhưng rồi thỉnh thoảng lại giật mình tự hỏi: "Làm thế nào để kiếm được 1 triệu đô la mà vẫn lên thiên đường?".
Ở đây phải hiểu "thiên đường" là biểu tượng của những giá trị nhân văn mà người kinh doanh muốn tiếp cận, chứ không phải là sự tiếp tục hưởng thụ sau khi đã bôn ba vất vả. Những người xuất sắc, trí tuệ như vậy mà vẫn còn băn khoăn về ý nghĩa sống trong cuộc đời, thì người trẻ còn nhiều băn khoăn, hoặc buồn hơn là chẳng băn khoăn gì hết.
Những người nổi tiếng trong xã hội, các nhà đạo đức học, nhà văn hóa, thậm chí các lãnh đạo tôn giáo và tinh thần đều nói về giá trị sống như một nền tảng nhân văn đảm bảo cho xã hội vận hành đúng hướng, những quyền con người được đảm bảo, mọi mối quan hệ hướng về đức tin duy nhất là hướng thiện và lòng tốt.
Nói đến đây tôi bỗng nhớ tới vợ chồng một doanh nhân xuất thân là những người thợ. Khi thị trường mở cửa, với trí tuệ cũng như nghị lực, họ đã lập doanh nghiệp và là chủ nhân của nhiều doanh nghiệp với cả nghìn công nhân. Nhưng đôi khi anh chị cũng tâm sự về những mệt mỏi từ áp lực cuộc sống, các con đã có sự nghiệp riêng và chúng từ chối con đường kinh doanh mà họ đã bày sẵn.
Nhưng họ không thể buông tay tận hưởng thành quả lao động một đời, chỉ vì niềm kiêu hãnh với sự nghiệp riêng và cả nghìn gia đình đang sống trong tầm ảnh hưởng của sự nghiệp đó.
"Mình đành phải chấp nhận giá trị sống của riêng đời mình là cống hiến và bây giờ thêm phần trách nhiệm!", người chồng tâm sự. Rồi anh tự phân tích thêm: "Tôi có thể bán doanh nghiệp vì đang có một thương hiệu tốt, rồi lên đường tận hưởng những tháng ngày thanh thản, tự do. Nhưng tôi đã lỡ tạo dựng nên một ngôi nhà đầy ắp tình người cho công nhân, họ đã đến và làm việc ở đó cả chục năm và không muốn rời đi. Nếu bán doanh nghiệp chẳng khác nào tôi đã chà đạp niềm tin của họ”.
Vậy thôi, biết vui và hiểu từng giá trị sống không phải ai cũng có thể! Chính vì thế mà con người ít cảm thấy hạnh phúc đích thực.
>Trải nghiệm "xách ba lô"
>Sống chung với... khác biệt!
>Mọi chuyện đều…“easy”