Làm thuê hay làm chủ đều cần đam mê
Start up - Ngày đăng : 00:43, 15/04/2015
Hơn 150 sinh viên Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM đã tham gia buổi giao lưu cùng các diễn giả - doanh nhân với chủ đề "Sinh viên trước thách thức hội nhập" hôm 8/4.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức.
Thách thức và lợi thế sân nhà
Chia sẻ tại buổi giao lưu, các doanh nhân đều có cùng quan điểm rằng sinh viên sẽ có nhiều cơ hội lẫn thách thức khi đất nước hội nhập. Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, nhấn mạnh: "Các bạn không cần phải ra biển lớn vì biển lớn đang ở ngay dưới chân các bạn rồi. Ngay trên sân nhà, các bạn sẽ phải cạnh tranh công bằng với nhân sự đến từ các nước ASEAN lẫn thế giới".
Ông Phạm Phú Trường, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Trường Lộc, cho rằng, một trong những thách thức mà các sinh viên Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hội nhập là nguồn nhân lực trẻ từ các nước trong khu vực sẽ tham gia thị trường Việt Nam với một nền tảng kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếng Anh cao hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty CP Vinacafé Biên Hòa, chia sẻ: "Khi hội nhập, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nhân lực chất lượng cao của các nước. Vì thế, sinh viên Việt Nam cũng đứng trước thách thức sẽ thua ngay trên sân nhà nếu không chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để nắm bắt cơ hội".
Hơn 150 sinh viên tham gia giao lưu với các doanh nhân |
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc điều hành Zalora Việt Nam, cho rằng, cơ hội trong hội nhập của sinh viên Việt Nam chính là "lợi thế sân nhà”. Bà chia sẻ: "Zalora là công ty đa quốc gia, nhưng khi vào Việt Nam, Zalora chỉ có 5 nhân viên người nước ngoài. Chúng tôi ưu tiên chọn người Việt bởi chính các bạn mới là người am hiểu sâu sắc nền văn hóa, thị trường cũng như con người Việt Nam". "Sinh viên Việt Nam có lợi thế sân nhà nhưng rất cần trang bị kiến thức, kỹ năng tốt để đón đầu cơ hội làm việc thụ hưởng kinh nghiệm, kiến thức của những tập đoàn lớn đã thành công", bà Phương Anh nhấn mạnh. Bà cũng nhắc nhở thêm: "Tính nhút nhát và thiếu tư duy phản biện cũng lấy đi nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp của các bạn trẻ”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Giản Tư Trung lưu ý giới trẻ, nếu muốn hội nhập thành công thì phải tìm hiểu về văn hóa, con người của các nước trên thế giới, mà trước hết là các quốc gia ASEAN.
Tinh thần doanh nhânSinh viên bày tỏ thắc mắc với các diễn giả - doanh nhân
"Có nên khởi nghiệp sớm? Sau khi ra trường nên làm ông chủ nhỏ hay một người làm thuê cho công ty lớn?". Giải đáp thắc mắc thú vị này của sinh viên, các doanh nhân đều đồng quan điểm rằng sinh viên không nên vội vàng khởi nghiệp, hãy bắt đầu làm những công việc có xuất phát điểm cũng như lương thấp.
Bà Nguyễn Phương Anh khuyên: "Các bạn trẻ mới ra trường nên vào một công ty làm việc để xem cách thức vận hành một công ty như thế nào, học hỏi kiến thức về kinh tế, tài chính, quản lý nhân sự. Từ đó, các bạn sẽ có hành trang, nền tảng vững chắc hơn để xây dựng doanh nghiệp cho riêng mình với cơ hội thành công cao hơn".
Từ những trải nghiệm cá nhân, ông Nguyễn Tân Kỷ nhấn mạnh: "Các bạn hãy trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng và một tinh thần doanh nhân chứ không phải tinh thần làm chủ”. Ông giải thích, tinh thần doanh nhân chính là niềm đam mê, hăng say làm việc. Nghĩa là ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cần tập trung vào học và đọc, khi ra trường không nên từ chối những công việc có lương và xuất phát điểm thấp.
"Các bạn hãy học, hãy làm, hãy hiểu, hãy đam mê và đừng để tiền lương là rào cản đầu tiên đưa bạn đến thành công", ông Tân Kỷ nói, "Nếu không có dòng máu đam mê chảy trong người các bạn khi làm thuê, nghĩa là bạn cũng không đủ đam mê để khởi nghiệp và làm chủ”.
Các sinh viên tích cực giao lưu được nhận học bổng trị giá 5 triệu đồng tham gia các khóa học kỹ năng quản lý, bán hàng, marketing của Công ty CP Quốc tế BMG |
Ông Phạm Phú Trường làm rõ thêm: "Dù làm chủ hay làm thuê, điều quan trọng nhất chính là phải lao động thật nghiêm túc mới thành công". Trước băn khoăn liệu có thể khởi nghiệp thành công với "hai bàn tay trắng", mượn câu nói nổi tiếng "Think big, start smart", ông Phú Trường "trấn an": "Trí tuệ” và "tinh thần ham học hỏi" chính là tài sản lớn nhất của sinh viên hiện nay. Các bạn không hề bắt đầu từ con số 0 mà đã có sẵn những điều kiện tốt nhất cho tiến trình hội nhập và cạnh tranh với các quốc gia khác. Riêng với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp thành công thì hãy tìm cho mình niềm đam mê, và hãy biết đam mê đến tận cùng".
Tại chương trình, sau được nghe giới thiệu về cuộc thi GTTNLVC 2015 và người thầy của giới doanh nhân - danh nhân Lương Văn Can với tư tưởng và đạo làm giàu trung thực và hiếu nghĩa, nhiều sinh viên đã bày tỏ sự băn khoăn về tính trung thực trong kinh doanh ngày nay, khi thực tế có nhiều doanh nghiệp đang kiếm lợi nhuận bằng sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ông Phạm Phú Trường, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi GTTNLVC 2015, từ góc nhìn và trải nghiệm của một doanh nhân, đã chia sẻ: "Việc giữ đạo nghĩa trong kinh doanh là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến sự tồn tại lâu dài của một doanh nghiệp. Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể đưa lại món lợi trước mắt, nhưng về lâu dài, sự thiếu trung thực sẽ bị đào thải, không thể tồn tại bền vững. Và đó chính là mục tiêu hướng tới của GTTNLVC - cổ súy và góp phần hình thành lớp doanh nhân chân chính, biết làm giàu, trung thực và có trách nhiệm với cộng đồng". |