Sản xuất ethanol "giải cứu" cây cacao
Start up - Ngày đăng : 04:02, 15/04/2015
Với diện tích ca cao gần 17.000 ha, trồng chủ yếu tại Tây Nguyên và khu vực ĐBSCL, và sản lượng trái trung bình hơn một tấn/ha, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tận dụng vỏ loại trái này để ứng dụng sản xuất ethanol sinh học. Đây cũng là hướng đề cập trong dự án "Nghiên cứu khả năng thủy phân vỏ trái cacao trong sản xuất ethanol sinh học" của Đại học Cần Thơ. Dự án này không chỉ định hướng tìm đến nguồn năng lượng mới mà còn mở thêm hướng cho việc trồng ca cao tại Việt Nam vốn gặp nhiều bế tắc trong nhiều năm qua.
Phạm Thiếu Quân, người thực hiện nghiên cứu này cho biết: "Việc thải ra một lượng lớn khí CO2 dẫn đến hiệu ứng nhà kính và vấn đề an ninh năng lượng khi quá phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ đã hình thành nên những định hướng về sử dụng năng lượng ethanol.
Tuy nhiên Ethanol hay nhiên liệu sinh học là một loại nhiên liệu khá mới ngay cả với những nước tiên tiến đi đầu trong công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học, mà tiêu biểu là Brazil và Hoa Kỳ. Bởi sản xuất bioethanol đòi hỏi khắt khe về yêu cầu kỹ thuật cũng như nguồn nguyên liệu đầu vào.
Tại Việt Nam, trước đây từng có dự án nghiên cứu sản xuất ethanol từ rơm rạ, khoai mì dựa trên cơ sở sử dụng các phương pháp vật lý và hóa học để xử lý nguyên liệu thô giàu cellulose. Petrolimex đã chính thức đưa vào sử dụng loại xăng sinh học E5 (xăng không chì được pha với 5% ethanol tinh khiết).
Tuy nhiên, để đảm bảo được giá thành sản xuất ổn định và có tính cạnh tranh, các nhà sản xuất xăng sinh học ở Việt Nam đang tìm kiếm và khuyến khích việc sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn và phong phú, đa dạng hơn.
Và sử dụng nguyên liệu giàu cellulose hoặc nguyên liệu rẻ tiền chứa nhiều carbohydrate là một giải pháp đang được hướng đến để tránh việc cạnh tranh với nguồn lương thực của con người.
Theo dự án này, sản xuất ethanol từ vỏ ca cao có rất nhiều lợi điểm. Với thành phần chứa hơn 40% là cellulose, vỏ trái ca cao là nguồn nguyên liệu thích hợp cho quá trình thủy phân để thu được dung dịch có chứa glucose, một nguồn carbon thích hợp cho quá trình lên men ethanol. Vì lý do đó, nghiên cứu được đề xuất nhằm đánh giá khả năng lên men ethanol từ nguồn dịch thủy phân này.
Kết quả dự án này cho thấy quá trình lên men bằng chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae VVĐ3 đạt kết quả tốt trong điều kiện: mật số giống chủng đạt 106 tế bào/mL, nhiệt độ 30oC, 7% glucose ban đầu, pH 5,5; thời gian lên men 7 ngày, nồng độ ethanol thu được là 5,14%, hiệu suất tiêu thụ glucose đạt 97,6%. Điều này cho thấy tiềm năng trong việc sản xuất ethanol sinh học từ một nguồn phế phẩm nông nghiệp là vỏ trái ca cao.
>Nhân giống cây nắp ấm
>Làm mới không gian cầu vượt
>Những khu vườn trong phố