Mùa Xuân đổi mới
Trong nước - Ngày đăng : 06:48, 22/04/2015
Bốn mươi năm qua, Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm và đã tiến lên. Từ mức thu nhập dưới 100 USD/người những ngày thống nhất, trong cơ chế bao cấp kiểu thời chiến, đất nước đã không thay đổi được mức thu nhập bình quân này sau 15 năm (1975 - 1990): GDP bình quân đầu người năm 1990 chỉ là 98USD.
Công cuộc đổi mới đã "cởi trói" người dân và doanh nghiệp khỏi cơ chế quản lý cũ, chuyển dần sang cơ chế thị trường. GDP bình quân năm 2000 đạt 400 USD/người, năm 2010 đã vượt 1.200 USD/người và năm 2015 có thể đạt khoảng 2.200 USD/người.
Muốn vượt lên cùng thời đại, đương đầu với khó khăn, thách thức mới, tận dụng thành công cơ hội mới thì Việt Nam đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong toàn xã hội.
Đổi mới sẽ không chỉ thay đổi mô hình tăng trưởng, mà phải thay đổi cả phương thức quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp và quản trị từng cộng đồng... để người dân thực sự là người chủ của đất nước. Chẳng hạn, muốn phát triển đất nước phải coi trọng thị trường nội địa, lại cũng cần coi trọng xuất khẩu. Như vậy, vai trò của doanh nghiệp vô cùng quan trọng.
Đầu tư cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng, nhưng cần phải giữ ở mức thích hợp với khả năng tích lũy nội bộ nền kinh tế, giảm bớt vay nợ nước ngoài và nợ công nói chung để các thành quả của phát triển sẽ được phản ánh trong đời sống của mọi người dân.
Hơn nữa, chẳng hạn muốn đẩy mạnh xuất khẩu mà cứ làm như cũ thì trong điều kiện cơ cấu kinh tế cũ, có khi đẩy mạnh xuất khẩu một số lĩnh vực lại kéo theo nhập khẩu thêm nhiều, làm tăng nhập siêu. Nếu biết lựa chọn ngành nghề, phát triển công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ mới thì có thể tăng được phần giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Ngay với nông nghiệp cũng cần ứng dụng các tiến bộ mới về công nghệ (như tiết kiệm nước, dùng công nghệ cao...), cải tiến tổ chức sản xuất nông nghiệp, gắn với doanh nghiệp để đưa nông nghiệp gắn chặt với thị trường quốc tế thì mọi nhà đều có thể có lợi.
Không làm như vậy mà cứ "quảng canh" thì vừa lãng phí sức lực, vừa bị sức ép hội nhập làm ta mất sức, thậm chí làm ăn "lụn bại". Đổi mới mô hình tăng trưởng chỉ là một việc cần làm, chưa phải là tất cả!
Hiện nay, trước áp lực hội nhập và khó khăn của nền kinh tế, một lần nữa buộc phải đổi mới, trong đó, đổi mới thể chế là việc quan trọng bậc nhất. Việt Nam đang tích cực, chủ động và sáng tạo trong việc tham gia hội nhập ở mọi cấp độ (khu vực, tiểu vùng, liên lục địa và toàn cầu), "dấn thân" vào cuộc cạnh tranh khốc liệt ở tầm toàn cầu, nâng cao mạnh mẽ vị thế của quốc gia, công ty đến từng hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt.
Chỉ riêng tham gia Cộng đồng ASEAN từ 2016 sẽ có hàng loạt các quy chế mới mẻ với các doanh nghiệp Việt và nước ngoài. Nếu không tận dụng được thời cơ, thị trường trong nước sẽ bị lấn sân. Nếu tổ chức tốt, doanh nghiệp Việt có thể có vị trí xứng đang trong thị trường 600 triệu dân.
"Những cải cách là cần, song để nền kinh tế "cất cánh", vấn đề con người là yếu tố quyết định. Cần biết lựa chọn và sử dụng người tài từ cấp thấp nhất đến cao nhất. Đồng tâm, nhất trí, cả dân tộc ta hoàn toàn có thể tự tổ chức để vươn lên cùng thời đại". |
Cải cách thể chế và thực hiện đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa là con đường duy nhất đưa đất nước ta thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, thực hiện hội nhập thành công.
Tuy nhiên, rất nhiều việc đã đề ra nhưng thực hiện quá chậm trễ. Nhưng các cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo Nghị quyết 19-NQ/CP (3/2014 và 3/2015) đã tạo nên một sự chuyển biến bước đầu rất đáng khích lệ, vượt qua mức trung bình ASEAN, vươn lên mức trung bình ASEAN-6, rồi năm 2016 vươn tới trung bình ASEAN-4 là những mục tiêu rất cao nhưng hiện thực.
Tin ở sức sáng tạo của toàn dân tộc, sức bật của con người Việt Nam và doanh nghiệp Việt, nước ta nhất định có bước tiến vượt bậc. Chần chừ, chậm bước sẽ làm tuột thời cơ vàng của cả dân tộc với hơn 90 triệu cư dân đang sống ở quốc nội và gần 5 triệu người đang cư ngụ ở nước ngoài.
Để tạo nguồn lực phát triển, một cuộc "giải phóng" khác về tư duy phát triển kinh tế đang là đòi hỏi mạnh mẽ. Để có cuộc đổi mới đủ tầm mức, chúng ta phải thoát khỏi sức ỳ của tư duy cũ. Nền kinh tế Việt Nam cần thay da đổi thịt khi có được nền kinh tế thị trường đích thực, nền kinh tế hiện đại và hội nhập, làm ăn sòng phẳng với mọi quốc gia và tổ chức quốc tế.
Bám sát thực tiễn sinh động của đất nước và thời đại, nhìn thẳng vào các yếu kém và sai sót thời gian qua không phải để than trách, mà để có thêm quyết tâm đoạn tuyệt với yếu kém của đất nước, vươn tới khát vọng đưa Việt Nam đứng trong nhóm nước có thu nhập cao vào dịp 100 năm (1945 - 2045).
Các dự báo của các tổ chức quốc tế như IMF hay HSBC gần đây đều đánh giá bước tiến nhanh của Việt Nam trong tương quan với thế giới. Vấn đề là cần biết cách tổ chức để tận dụng thời cơ mới.
Những gì đã diễn ra trong năm 2014 cho thấy sức đoàn kết của toàn dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực sự đã làm "thức tỉnh dân tộc" vì đại nghĩa quốc gia và cũng làm cho người nước ngoài phải kiêng nể ý thức tự cường của dân tộc
"Đại Cồ Việt" vẻ vang, dân tộc đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông 700 năm trước và cũng là dân tộc có các trang sử oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh. Dân tộc đó có thể làm nên các kỳ tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các tư duy phát triển mới, phù hợp với thời đại mới.
>Kinh nghiệm đổi mới từ Malaysia và Thái Lan
>Đổi mới - Công trình sáng tạo của Đảng nâng vị thế đất nước
>Đổi mới phải toàn diện