NSNN: Nên "khoán" thay vì "phân bổ"?
Du lịch - Ngày đăng : 01:03, 22/04/2015
Thay vì ngân sách nhà nước (NSNN) cấp tài chính theo danh mục các dịch vụ và nhiệm vụ chi hàng năm, Ủy ban ngân sách Quốc hội có thể khoán chi theo mục tiêu và giao trách nhiệm quản lý tài chính cho các ngành, các cấp thực hiện.
Đó là đề xuất của TS. Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM về dự thảo sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước sắp tới đây.
“Đội sổ” trong ASEAN
Tham gia Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 trong hai ngày 21 và 22/4 ở thành phố Vinh, ông Trần Văn trong bản tham luận của mình đã nêu một số điểm cần quan tâm trong chính sách tài khóa.
Đó là tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước, trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững
Là cơ cấu chi ngân sách còn chưa hợp lý, với tỷ trọng chi thường xuyên những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh.
Là những rủi ro của ngân sách Nhà nước/chủ sở hữu là Nhà nước, rủi ro của tài chính quốc gia từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tiềm ẩn do tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp khu vực này quá khó khăn.
Và đó còn là tình trạng lãng phí trong khu vực công vẫn diễn ra với nhiều công trình, dự án, hội nghị, lễ hội hoành tráng quá mức cần thiết…, trong khi cân đối ngân sách còn rất khó khăn và một bộ phận người dân còn nghèo khó.
Không quá kỳ vọng vào sự thay đổi “một sớm, một chiều” trong điều hành ngân sách Nhà nước, song tác giả tham luận cho rằng chắc chắn sẽ phải có những chuyển biến tích cực sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trước tình hình thực tế đáng báo động trong sử dụng tài chính công và tình trạng “đội sổ” trong ASEAN về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.
“Cần đổi mới quản lý tài chính công”
Cũng là khách mời quen thuộc của diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Học viện Cán bộ Tp.HCM mang đến một góc nhìn mới về cơ chế quản lý tài chính công - vấn đề đang được bàn thảo rất sôi nổi khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo ông Trình, cách quản lý theo dòng tiền - nghĩa là quản lý việc phân bổ ngân sách theo kế hoạch tài chính được xây dựng bởi các cấp tài chính từ Trung ương đến địa phương và theo các danh mục chi đã được định sẵn hàng năm - có ưu điểm là cơ quan quản lý ngân sách chủ động do nắm nguồn thu, chi tài chính và cân đối được ngân sách.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý này cũng có nhược điểm là khó kiểm soát được chất lượng thu, chi và từ đó dễ dẫn đến thất thoát, lãng phí và không hiệu quả trong sử dụng ngân sách Nhà nước.
Từ cơ sở những ưu và nhược đó, Giám đốc Trình cho rằng trong thời gian tới, việc quản lý tài chính công cần được đổi mới theo hướng chuyển từ “quản lý theo dòng tiền” sang “quản lý chất lượng và số lượng đầu ra” của dòng tiền.
Nghĩa là: không cấp tài chính theo danh mục các dịch vụ và nhiệm vụ chi hàng năm, mà khoán chi theo mục tiêu và giao trách nhiệm quản lý tài chính cho các ngành, các cấp thực hiện.
Nếu đơn vị nào tiết kiệm được tài chính mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra thì được hưởng khoản tiết kiệm đó. Nếu chi vượt thì không được cấp bù mà phải tự trang trãi khoản chi vượt đó. Khi đó, người đứng đầu các cấp bộ, ngành, địa phương, đơn vị sẽ bị sa thải và được thay bằng người quản lý khác.
Các cấp bộ, ngành, địa phương, đơn vị cũng được tự chủ trong việc quyết định nhân sự của bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình miễn sao thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong khoản ngân sách đã được thông qua.
Theo quan điểm của tác giả tham luận thì cơ quan thực hiện quản lý tài chính công là Ủy ban Ngân sách của Quốc hội. Ủy ban này có thẩm quyền triệu tập tất cả các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách trong cả nước để trình kế hoạch ngân sách của mình trước Ủy ban và có quyền chất vấn các cơ quan này trong việc xây dựng kế hoạch ngân sách.
Ủy ban sẽ kiểm soát ngân sách Nhà nước dựa trên chiến lược trung và dài hạn của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua.
Quy trình xây dựng ngân sách theo cơ chế này được ông Trình miêu tả như sau:
Đầu tiên, Ủy ban Ngân sách của Quốc hội triệu tập các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trình bày kế hoạch ngân sách của mình cho Ủy ban xem xét xem có đi chệch mục tiêu trung và dài hạn của Chính phủ không. Sau đó các đơn vị dự toán sẽ điều chỉnh cho phù hợp mục tiêu và chuẩn bị bảo vệ trước Ủy ban;
Sau đó, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách phải bảo vệ kế hoạch ngân sách trước Ủy ban. Các mục tiêu của bộ, ngành, địa phương phải phù hợp mục tiêu chung của Chính phủ và phải là mục tiêu trung hạn (3 năm) và dài hạn.
Chưa rõ quan điểm của TS. Nguyễn Văn Trình sẽ nhận được sự đồng tình đến mức nào, song nếu so với những đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước đã và đang được bàn thảo ở nghị trường, thì khá khác biệt và mới mẻ.
>Tái cơ cấu nhân lực: Giảm số người ăn lương ngân sách
>Thu ngân sách đạt hơn 830 tỷ đồng
>Bỏ kiến nghị dành ngân sách xử lý nợ xấu của DNNN
>Lãng phí ngân sách Nhà nước phải bồi thường