Ấm ức cổ tức
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:30, 23/04/2015
Một số ngân hàng (NH) tiếp tục nói không với cổ tức hoặc chỉ chi trả ở mức bọt bèo khiến các cổ đông không thể bức xúc hơn.
Hạn chế chi trả
Tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Nam A Bank diễn ra ngày 17/4, cổ đông NH này chất vấn chuyện lợi nhuận cao, cổ tức thấp. Nhiều cổ đông cho rằng, năm qua, lợi nhuận Nam A Bank tăng cao nhưng chia cổ tức chỉ 4%, thấp hơn nhiều so với các năm trước là chưa thoả đáng.
Một cổ đông thắc mắc tại sao mức cổ tức năm nay lại chia có 4%, quá thấp so với các năm trước (mức chia là 7 - 9%). Cổ đông này cho rằng, khi đầu tư vào NH là mong cuối năm lĩnh cổ tức nhưng mức lợi nhuận 4% không bằng lãi suất tiết kiệm.
Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên thành viên HĐQT Nam A Bank cho biết, lúc đầu Ban lãnh đạo muốn chia cổ tức 9% cho cổ đông nhỏ lẻ và 4% cho cổ đông lớn, nhưng sau khi trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì chỉ được duyệt mức chia cổ tức thống nhất ở 4%.
Còn việc căn cứ vào đâu NHNN lại duyệt mức cổ tức chỉ 4%, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan Giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng đưa ra 3 lý do khống chế cổ tức.
Theo điều 59 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) ghi nhận cổ đông có quyền quyết định tỷ lệ cổ tức, nhưng cũng theo luật này, NHNN có thể áp dụng một số biện pháp liên quan đến việc chia cổ tức để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Đề án tài cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng thông qua, trong đó có quy định phải đảm bảo tái cơ cấu, năng lực tài chính, lợi nhuận để lại cũng là hình thức tăng vốn, nâng cao năng lực quản trị, điều hành.
Năm 2014, Nam A Bank đạt 243 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 30% chỉ tiêu đưa ra, nhưng tỷ lệ chia cho cổ tức ở mức 4%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (7%).
Nhưng ông Dũng cho rằng, dựa trên tổng thể lợi ích hài hòa mối quan hệ kinh tế, năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn và năm 2015 là năm then chốt để hoàn thành tái cơ cấu nên cần phải đảm bảo năng lực tài chính, tăng trích dự phòng rủi ro nên khó kỳ vọng cổ tức cao. Chuyện Nam A Bank chi trả cổ tức 4% cũng là mức khá cao trong ngành.
Cùng một vấn đề, dù chấp nhận tỷ lệ cổ tức thấp hơn so với kế hoạch đưa ra ban đầu, nhưng cổ đông HDBank chỉ muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt. Cụ thể, về phương án phân phối lợi nhuận năm 2014, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của HDBank là hơn 427 tỷ đồng, trong đó lãi chia cổ tức là 405 tỷ đồng. NH sẽ chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ đông của HDBank cho rằng, với quy mô hiện tại, HDBank chưa cần thiết phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn mà nên chia sẻ với các cổ đông đã gắn bó với NH từ trước tới nay. Vì thế, cổ đông kiến nghị thay đổi chia cổ tức bằng cổ phiếu bằng tiền và ủy quyền cho HDQT trình lên NHNN phê duyệt điều này.
Trong 19 NH có trụ sở tại TP.HCM, mới có 5 NH được duyệt chia cổ tức, gồm: ACB 7%, Nam A Bank 4%, Saigonbank, HDBank và Bản Việt lần lượt là 3,5%, 5% và 1,5%. Còn trên phạm vi cả nước, hiện có rất ít NH được NHNN chấp thuận cho chia cổ tức ở mức 8 - 9%. Trước đó, tại ĐHCĐ của các NH như VIB, LienVietPostBank, lãnh đạo các NH này cũng cho biết có việc NHNN hạn chế chi trả cổ tức ở mức 9%.
Lờ cổ tức 2015
Cùng với việc áp "khung cổ tức" không quá 9% cho năm 2014, nhiều cổ đông còn bức xúc vì một số NH đã tận dụng cơ hội này để lờ chỉ tiêu cổ tức 2015. Thực tế, cổ tức NH thời gian qua đã giảm xa so với trần tiết kiệm 5,5%, song có những NH một đồng chia cổ tức vẫn không có.
MaritimeBank là một trong những NH không thực hiện chính sách cổ tức cho cổ đông trong 2 năm qua, cho dù lợi nhuận của NH này vẫn đạt mức 400 tỷ đồng trước thuế năm 2013 và hơn 164 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của năm 2014.
Thế nhưng, MaritimeBank đã nói "không" với cổ tức 2014 mà cả với năm trước đó và khả năng cả 2015. Lý do là vì nợ xấu của MaritimeBank tăng mạnh trong thời gian qua đòi hỏi trích dự phòng lớn.
Được biết, năm 2013, khoản dự phòng của MaritimeBank đã "ngốn" hết gần 400 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng nên NH này quyết không chia cổ tức năm 2013 ở mức 7% như dự kiến.
Năm 2014, nợ xấu của MaritimeBank phần nào được khống chế, nhưng khoản dự phòng vẫn lên đến gần 900 tỷ đồng, cho dù tín dụng NH này âm trên 14,2%. Vì thế, lợi nhuận trước thuế (sau dự phòng) còn lại chỉ ở mức 162 tỷ đồng, giảm hơn phân nữa so với năm 2013, chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu năm 2014.
Kể từ năm 2013, khi lợi nhuận của DongA Bank sa sút, NH này đã giảm mức cổ tức xuống còn 4%, Rồi DongA Bank không còn khả năng chi trả cổ tức, dù chỉ còn 5%. Lý giải được đưa ra từ HĐQT DongA Bank, do tình hình hoạt động khó khăn và NH xét thấy phải tập trung mọi nguồn lực để trích dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.
Năm qua, nợ xấu của DongA Bank tăng đáng kể khi vượt ngưỡng an toàn 3% và phải bán một lượng lớn nợ xấu trên 2.000 tỷ đồng cho VAMC. Vì thế, khoản dự phòng rủi ro DongA Bank phải trích không nhỏ.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến cổ đông NH này không nhận được cổ tức. Như vậy, với kế hoạch cổ tức 5% năm 2014 cổ đông của DongA Bank cũng khó kỳ vọng và kể cả 2015 khi NH này đang phải đối mặt với việc sáp nhập vào NH khác.
Trong tài liệu ĐHCĐ 2015 vừa được công bố, ACB và Eximbank cũng chưa cho biết chỉ tiêu cổ tức của năm 2015. Theo một lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Eximbank, chủ trương của NH trong năm 2015 là tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu và trích dự phòng rủi ro nên kế hoạch cổ tức 4,8% chỉ mới là dự kiến. Còn việc có thực hiện được hay không vẫn chờ vào kết quả kinh doanh.
Một sự thật đáng buồn là cho đến thời điểm này, nhiều NH vẫn chưa cho tạm ứng cổ tức năm 2014 và cho biết, chưa muốn chia cổ tức cho cổ đông mà dành mọi nguồn lực để trích dự phòng rủi ro. Vì vậy, chỉ tiêu cổ tức của 2015 cũng là vấn đề khó nói với cổ đông trong kỳ ĐHCĐ thường niên lần này.
>Vì sao NHNN kiểm soát mức chia cổ tức ngân hàng?
>Cổ tức khủng chưa phải là thực chất
>Mùa canh cổ tức
>Ngân hàng Nhà nước ấn định chỉ tiêu chia cổ tức