Cầu vồng không sắc: "Đau" hơn, "tình" hơn
Sách hay - Ngày đăng : 05:50, 28/04/2015
Phim là sự giãi bày nhiều nỗi đau: Cái nhọc nhằn nhất của con người chính là cơn bão trong sâu thẳm tâm hồn.
Đồng tính và sự cảm thông với tình yêu của người đồng giới là một đề tài không mới so với phim nước ngoài hay phim nội. Yếu tố nhân văn được đưa lên phim cho thấy sự khao khát tình yêu của người đồng tính cũng như mong muốn có cuộc sống hạnh phúc của họ là hoàn toàn chính đáng.
Những nhân vật theo kiểu pê đê, õng ẹo, chọc cười một thời từng chiếm lĩnh màn ảnh và sân khấu sẽ trở thành phản cảm nếu như bây giờ xuất hiện trở lại. Điều đó đã cho thấy xã hội đã nhìn nhận đúng hơn về mối tình người đồng giới.
Cầu vồng không sắc không phải là bộ phim tiên phong của Việt Nam về đề tài này nhưng có lẽ là một tác phẩm mà người xem cảm thấy vẻ đẹp, những cảm xúc lãng mạn khá trọn vẹn tình yêu giữa hai người đồng giới.
Diễn viên nam đẹp là sự hấp dẫn đầu tiên của Cầu vồng không sắc. Hoàng (Thanh Tú thực hiện) và Hùng (Vũ Tuấn Việt đóng) là một cặp đôi khá hoàn hảo. Hình thể và phong cách thời thượng của họ chuẩn như người mẫu.
Thế giới của nhân vật xuất thân cũng hoàn hảo. Hoàng là con trai và Hùng là con nuôi trong một gia đình sang trọng, phong lưu. Bối cảnh là một ngôi nhà giữa rừng thông Đà Lạt.
Hoàng là người có giọng hát trời phú, tâm hồn nhạy cảm, còn Hùng là họa sĩ. Tất cả những yếu tố đẩy đưa trong phim khiến khán giả chiêm ngưỡng hình ảnh một cách mơ màng, lãng mạn như đang xem và nghe một MV tình yêu.
Sự chuyển đổi tâm lý của cặp đôi từ tình thân thương anh em trong một nhà sang tình yêu đồng giới khá ngọt và cũng hợp lý. Các nhà làm phim không câu khách hoặc cố tình gây tò mò cho khán giả về những cảnh nóng của người đồng giới, mà đi vào thế giới tâm hồn của họ.
Ở đó có sự đồng điệu của tình cảm, của nghệ thuật và khát vọng về một tương lai, nơi họ tin chỉ cần mọi người đồng thuận là đôi bạn sẽ có hạnh phúc.
Nỗi đau và bi kịch trong phim lại bùng phát từ người mẹ (Kim Khánh đóng). Người mẹ nào chả muốn con mình có được hạnh phúc như bao gia đình bình thường khác.
Cái nhìn thiếu thiện cảm về đồng giới như một thứ bệnh tật, quả báo vì kiếp trước gây tội, một bất hạnh khốn khổ nhất của con người từ lâu đã gần như thành một định kiến xã hội.
Trên màn ảnh, nếu hình ảnh của đôi nhân tình đồng giới nhẹ nhàng thì trường đoạn người mẹ cùng nỗi đau tột cùng của bà lại rất khốc liệt. Khi nhận thấy hai đứa con tay trong tay giữa đại nhạc hội những người đồng giới, người mẹ ấy hận con.
Nỗi ám ảnh đeo dai dẳng trong tâm can bà vì chính mình đã bao bọc, nuôi dưỡng Hùng để rồi nó mang đại họa cho Hoàng. Đây là trường cảnh dài và xúc động nhất của phim.
Kim Khánh trong vai bà mẹ đã tạo nên những đợt gió lốc khốc liệt. Bà giành giật, tách hai đứa con trong tuyệt vọng. Kết thúc bi kịch mà bà mẹ phải gánh chịu là Hùng chết, Hoàng bị tâm thần, bỏ nhà đi đã tạo nên cao trào kịch tính dữ dội nhất.
Những nhân vật đó, những con người đó không còn cuộc sống bình thường cho dù đó là ước nguyện chính đáng của họ.
Phim là sự giãi bày nhiều chiều của nỗi đau, giúp người xem chiêm nghiệm một điều: Cái nhọc nhằn nhất mà con người khó có thể trải qua chính là những cơn bão trong tâm hồn, trong nhận thức.
Thanh Tú trong vai Hoàng đã mang lại sự trong lành, mạnh mẽ của một lớp trẻ bằng thái độ dám thách thức, dám đương đầu với những định kiến bảo thủ trong xã hội. Anh đại diện cho một lớp trẻ tin và sống bằng những điều mà mình tự nhận thấy là đúng và đẹp.
Tình yêu đồng giới đâu phải là sự quá bất thường của đời sống, nhưng chính do quan niệm và cách hành xử của người đời mà nó trở thành quá bất thường.
Thế giới hôm nay so với thế giới hôm qua đã khác, tình yêu của những người đồng giới cũng là tình yêu giữa người với người. Phim hóa giải được ẩn khúc, nhưng cái kết phim như vẫn đặt ra câu hỏi: “Phải chăng tình yêu đồng giới chỉ có màu xanh khi bản thân những người trong cuộc có khát vọng hoàn thiện?”.
Sự hoàn thiện ấy có lẽ không ở riêng phần thân xác, mà phải trong toàn diện nhân cách thì mới đầy đủ. Khi hướng tới tự hoàn thiện nhân cách, người ta sẽ hóa giải được bi kịch và cuộc đời sẽ an lành hơn.
Cầu vồng không sắc ít nhân vật, không có pha nóng, nhưng chính thế giới nội tâm của từng nhân vật làm cho phim có tình hơn.
Nếu tìm hạn chế thì có chăng chính sự bóng bẩy của nhân vật và hoàn cảnh đời sống nhân vật đã tạo cho người xem cảm giác phim vẫn chỉ là sự nhè nhẹ, tươi mát cho một đề tài vốn không nhẹ.
>Đồng tính đã được đồng tình?
>Chuyện của một người đồng tính
>Tim Cook "tự hào là người đồng tính"
>Làm du lịch với cộng đồng LGBT