Việt Nam sau 40 năm thống nhất: Lớn và mạnh

Chính sách mới - Ngày đăng : 00:36, 30/04/2015

Sau 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam sau 40 năm thống nhất: Lớn và mạnh

Sáng nay, ngày 30/4/2015, trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và chào mừng Ngày quốc tế lao động 1/5, hơn 6.000 người thuộc các lực lượng quân đội, công an, nhân dân, sinh viên, học sinh, các đoàn thể ... đã tham gia mít tinh, diễu binh, diễu hành trước Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng Đại diện các nước như Lào, Campuchia, Cuba... Đọc diễn văn khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhấn mạnh, đại thắng mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa lịch sử hết sức trọng đại với dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn khai mạc lễ mít tinh - Ảnh: Hải Âu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. GDP tăng gần 7 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 200 lần.

Xã hội phát triển văn minh và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, phúc lợi xã hội được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Đã có hơn 98% hộ gia đình được sử dụng mạng lưới điện quốc gia.

Theo đó, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Ngoài ra, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả nhất định. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hiện Việt Nam có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 256 tỷ USD. Vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Theo đó, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế.

Công tác xây dựng đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống chính trị được đẩy mạnh, dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy, khối Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường.

Trong những năm qua, trước tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong 40 năm qua đã tạo cơ sở và tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong giai đoạn mới.

Lực lượng Doanh nhân tham gia diễu hành, mít tinh tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Hải Âu

Bên cạnh những thành tựu, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nghiêm túc nhìn nhận kinh tế xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chất lượng tăng trưởng, môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế xã hội.

Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu... Hệ thống chính trị đổi mới chưa đồng bộ, năng lực và hiệu quả hoạt động chưa ngang tầm nhiệm vụ.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ Đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xã hội chủ nghĩa của Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức.

Trong giai đoạn phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đặt ra rất nặng nề, đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, phát huy tinh thần đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện bằng được mong ước của bác Hồ kính yêu xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàn hơn, to đẹp hơn.

Một nước Việt Nam thống nhất, xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng bào, và các anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

>10 giải pháp xây dựng TP.HCM văn minh
>40 năm kinh tế Việt Nam - góc nhìn quốc tế
>
Các trụ cột phát triển bền vững TP.HCM nhìn từ lợi thế và thách thức


DUY KHUÊ - HẢI ÂU ghi nhận