Ca sĩ Thanh Thúy: Tự hào vì "chất lính" trong nghệ thuật
Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 09:06, 06/05/2015
Một nghệ sĩ ưu tú, một diễn viên, một thiếu tá, Phó Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7... đó chính là Thanh Thúy.
Ca sĩ Thanh Thúy bắt đầu được chú ý khi giành giải nhất tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình 1994, khi chỉ mới 17 tuổi, với bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu.
Ca khúc này cũng mở đường cho Thanh Thúy đến với lĩnh vực diễn xuất qua vai diễn chị Sáu trong bộ phim truyền hình Người con gái Đất Đỏ. Sau vai diễn đầu tiên này, chị được mời tham gia nhiều bộ phim, nổi bật nhất là bộ phim Đất khách.
Sở hữu giọng hát đẹp và ngoại hình quyến rũ, Thanh Thúy có cơ hội thành công trong nhiều dòng nhạc đại chúng khác, nhưng chị đã chọn dòng nhạc cách mạng và gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, song hành con đường binh nghiệp và sự nghiệp nghệ sĩ.
Trong 20 năm ca hát, chị đã phát hành nhiều album nhạc xưa, nhạc tiền chiến... nhưng thành công nhất với chị vẫn là những ca khúc "nhạc đỏ” - dòng nhạc đã làm nên "thương hiệu" của Thanh Thúy.
Ngày 2/5 vừa qua, Thanh Thúy đã có một đêm trình diễn để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả trong live show Dấu ấn.
Hòa trong không khí cả nước kỷ niệm 40 năm ngày Thống nhất đất nước, rất nhiều chương trình ca nhạc đã được dàn dựng để tái hiện không khí hào hùng của nhưng ngày lịch sử ấy. Điều gì khiến chị vẫn quyết định làm thêm một live show nhạc cách mạng?
Từ khi làm nghề đến nay, thú thật là tôi không có kỹ năng đánh bóng tên tuổi nhưng nhiệt tình đóng góp cho nghề thì có thừa. Vì điều này mà tôi không ngại đi đến những vùng sâu, vùng xa để đem lời ca tiếng hát đến với khán giả.
Tôi nghĩ, live show lần này là cơ hội để mình gần với khán giả đại chúng một đêm. Làm nghệ thuật, nếu không sáng tạo sẽ bị hòa lẫn nên lần này, tôi sẽ cùng ê kíp mang những sáng tạo mới cho dòng nhạc cách mạng.
Đừng nghĩ rằng nhạc cách mạng chỉ là hào hùng, là kêu gọi... Tôi muốn khán giả cảm nhận được nhạc cách mạng rất đời và cũng tràn đầy xúc cảm. Đã có những dấu lặng được thể hiện trong chương trình để khán giả hiểu và yêu hơn dòng nhạc mà tôi vẫn đang theo đuổi.
Đến bây giờ, nhiều người trong nghề vẫn tiếc, vẫn cho rằng nếu Thanh Thúy rời môi trường quân đội để đến với công chúng, có lẽ, chị sẽ thành "sao"?
Tôi lại nghĩ ngược lại, môi trường quân đội giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều, ý chí cao hơn để có thể đối mặt với những thử thách. Tôi mừng vì vẫn giữ được chất lính trong người và tự hào khi mọi người gọi mình là ca sĩ của dòng nhạc đỏ.
Thực sự, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 cho phép tôi đến những vùng sâu, vùng xa, các hải đảo... để hát cho những người lính đang làm nhiệm vụ.
Họ là những khán giả khát khao tiếng hát từ nghệ sĩ hơn cả. Tôi đã từng đến những vùng biên, sân khấu là bãi tập, khán giả chỉ vài chục người và hát dưới ánh đèn lờ mờ.
Những chuyến đi như thế cho tôi biết rằng, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều và mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Nó rèn cho tôi cách sống kiên định, không e ngại khó khăn.
Ngoài thành công lớn với dòng nhạc cách mạng, Thanh Thúy còn gây ấn tượng ở dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình và đã phát hành một số album như Cỏ hồng (tình khúc Phạm Duy) hay Tình khúc xưa...
Đó là sự say mê của tôi với âm nhạc. Tuy nhiên, dù hát ở thể loại nhạc nào, tôi vẫn tuân theo một tôn chỉ: hát được phải rèn luyện, phải cảm nhận, yêu thương và nhận thức được những tâm tư gửi gắm trong bài hát.
Cảm ơn chị!
>Ca sĩ Quang Đại: Đi để được hát
>Ca sĩ Bảo Yến: Hát như lần cuối cùng
>Ca sĩ Khánh Linh – “Vì tôi thích như thế”
>Ca sĩ Tạ Quang Thắng: Tôi của ngày ấy và bây giờ