Giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu lúa gạo

Du lịch - Ngày đăng : 06:45, 12/05/2015

Sau một thời gian dài tận dụng lợi thế cạnh tranh cũng như dựa vào một vài thị trường chủ lực, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức báo động.
Giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu lúa gạo

Sau một thời gian dài tận dụng lợi thế cạnh tranh cũng như dựa vào một vài thị trường chủ lực, hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam đang ở mức báo động.

Số liệu do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp cho thấy giá chào bán gạo xuất khẩu của chúng ta hiện chỉ còn từ 355 đến 365 USD/tấn với loại gạo 5% tấm.

Mức giá này thấp hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, 25 USD/tấn so với gạo Pakistan và 40 USD/tấn so với gạo của Thái Lan. Đây cũng là mức giá bán thấp nhất trong vòng năm năm qua của gạo Việt Nam.

Dù giá thấp như vậy nhưng vẫn rất ít giao dịch được thực hiện trong thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp đã tồn kho khá lớn do mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) theo chủ trương của Chính phủ, chưa kể đến lượng gạo doanh nghiệp tự mua để kinh doanh.

Theo dự kiến, vài tháng tới áp lực tiêu thụ gạo vào thời điểm cuối năm càng thêm khó khăn.

Mất dần thị trường

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết áp lực về bán hàng hiện nay là rất lớn vì các doanh nghiệp thiếu những hợp đồng xuất khẩu. Dù giá gạo toàn cầu đang suy giảm đáng kể do cung đã vượt cầu, nhưng việc giá gạo của chúng ta giảm mạnh và xuống mức thấp nhất thế giới là điều rất đáng lo.

Xuất khẩu gạo của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường chính, nay các thị trường này thay đổi cách thức nhập khẩu gạo hay giảm nhập khẩu là gạo Việt Nam có vấn đề. Trong tình hình như vậy thì hoạt động tiếp thị của chúng ta quá kém.

Từ vài ba năm trở lại đây, Việt Nam chủ yếu bán gạo cho các thị trường châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, trong khi việc mở rộng thị trường mới diễn ra rất chậm. Trong khi Trung Quốc – thị trường tiêu thụ 40 – 50% tổng lượng gạo xuất khẩu năm vừa qua của chúng ta – chưa mở cửa cho gạo Việt Nam thì khó khăn lại chồng chất.

Không những vậy, trước đây Việt Nam có thị phần lớn ở châu Phi thường tiêu thụ gạo chất lượng thấp, vậy mà nay chúng ta cũng không cạnh tranh nổi với gạo cùng chủng loại của Ấn Độ và Pakistan.

Theo VFA, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2015, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được 1.144 triệu tấn gạo các loại với giá trị 472,8 triệu USD, thấp nhất trong sáu nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á và cũng là mức xuất khẩu thấp nhất của gạo Việt Nam trong cùng khoảng thời gian tính từ năm 2008 đến nay.

Hiện Việt Nam đã mất vị trí nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới vào tay Pakistan, chỉ đứng trên Myanmar và Campuchia. Một điều mà chúng ta không ngờ đã xảy ra là Pakistan, sau khi cùng Ấn Độ và Thái Lan chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam tại châu Phi, vừa vươn tay đến Philippines. Với cách tiếp cận thị trường năng động, rất có thể họ sẽ đạt được các thỏa thuận cung cấp gạo, đồng nghĩa với việc chúng ta bị đánh bật ra khỏi thị trường này.

Chưa hết, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Campuchia cũng đang tích cực tiếp xúc với các thị trường chính còn lại của Việt Nam.

Không có thương hiệu, không đa dạng hóa thị trường chính là hai điểm yếu kém cơ bản của gạo Việt Nam. Đây cũng là câu chuyện cũ kể từ khi chúng ta tham gia vào thị trường gạo mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.

Chất lượng gạo thấp

Giá gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế thấp, tất nhiên sẽ tác động trực tiếp tới giá mua tạm trữ hằng năm. Ở nước ta, Tổng công ty Lương thực là doanh nghiệp Nhà nước chi phối hoạt động kinh doanh lúa gạo mà nhiệm vụ chủ yếu là kinh doanh xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực qua việc mua dự trữ.

Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ chủ yếu là để dành cho xuất khẩu, việc tiêu thụ nội địa chiếm tỷ trọng rất thấp. Giá mua tạm trữ phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, khi tình hình xuất khẩu kém thì nông dân bị ép giá.

Thực tế hiện nay chúng ta đang sản xuất thừa và điều này đang tạo ra áp lực lớn cho thị trường và càng làm cho giá gạo sụt giảm. Gạo Việt Nam bị đánh giá thấp là do giống sử dụng canh tác là giống ngắn ngày (ba tháng/vụ).

Xuất phát từ tập quán canh tác của người nông dân và cũng từ một số yêu cầu nên chúng ta sản xuất từ hai đến ba vụ một năm. Thời gian sinh trưởng ngắn đã khiến gạo bị bạc bụng, không trong suốt như gạo của các đối thủ cạnh tranh.

Như Thái Lan chẳng hạn, ở vùng Đông Bắc nước này có đến trên 60% diện tích chỉ trồng một vụ/năm theo mùa mưa, ở miền Trung tuy có hồ chứa nước nhưng cũng chỉ trồng tối đa hai vụ/năm, nhờ thời gian sinh trưởng kéo dài nên chất lượng hạt gạo rất cao, được thị trường ưa chuộng. Ở Ấn Độ hiện nay trồng chủ yếu là giống gạo trắng IR64, ở Pakistan trồng giống I6 nên chất lượng gạo cao.

Trong khi hạt gạo xuất khẩu đang mất dần lợi thế trên thị trường thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam không trực tiếp đi đàm phán mà chỉ tư vấn và cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp tự bươn chải.

Hiện nay chúng ta có hai kênh bán hàng, một là theo các hợp đồng Chính phủ, hai là bán theo các hợp đồng thương mại. Từ 2012 trở về trước thì hợp đồng Chính phủ có vai trò chủ lực, thường chiếm 50% hợp đồng xuất khẩu, phát sinh tâm lý ỷ lại trong các doanh nghiệp xuất khẩu mà Tổng công ty Lương thực là đầu tàu.

Tuy nhiên từ năm 2012 trở lại đây, tỷ lệ này giảm dần do các hợp đồng Chính phủ bị cắt khá mạnh, giá gạo Việt Nam tụt xuống thấp, kéo theo những khó khăn cho người nông dân.

Số liệu trên báo chí cho biết, kết thúc năm 2014, gạo Việt Nam đã có mặt ở 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore. Theo Bộ Công thương, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo, trị giá theo FOB là 2,84 tỉ USD.

Nhìn vào số liệu trên chắc nhiều người cho rằng người nông dân Việt Nam đã “đổi đời”, nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại. Cũng theo số liệu được công bố năm 2012, Việt Nam xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo nhưng thu nhập của nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là 500.000 đồng/người/tháng. Mức thu nhập này chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo chút ít.

Cần điều chỉnh chính sách

Nông nghiệp là một trong các trụ đỡ quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng lâu nay không phát triển đúng với tiềm năng là do một vài chính sách chưa phù hợp.

Trước tiên là chính sách độc quyền tiêu thụ và xuất khẩu. Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nông học có uy tín, cho rằng dù chúng ta có chính sách tự do mậu dịch, nhưng trong thực tế lại giao tất cả quyền hành xuất khẩu cho VFA.

Chủ tịch của VFA lại đồng thời là Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Trong VFA, hai Tổng Công ty Lương thực Nhà nước – Vinafood 1 và Vinafood 2 – chiếm lĩnh 60% tới 70% thị phần xuất khẩu gạo của cả nước. Các tổng công ty này luôn luôn có lời vì xuất khẩu gạo giá thấp thì mua vào thấp hơn và hưởng chênh lệch.

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nhận định rằng chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ gạo đang góp phần làm giá gạo Việt Nam rẻ nhất thế giới, danh nghĩa là hỗ trợ nông dân nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi lớn, còn người nông dân chỉ được chút ít lợi ích gián tiếp.

Có thể dẫn chứng cụ thể: Chính phủ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu giúp giảm chi phí thu mua gạo, tức là mua được giá rẻ và đương nhiên doanh nghiệp cũng sẵn sàng xuất khẩu với giá rẻ mà lợi nhuận không suy giảm.

Chính sách hỗ trợ tạm trữ gạo lại vô tình đẩy giá xuất khẩu gạo Việt Nam xuống thấp. Với mức giá đó, lợi ích nhà xuất khẩu không hề suy giảm, còn người nông dân chịu mọi thua thiệt, càng làm càng lỗ.

Thứ hai là chính sách chia đều ruộng đất, vô hình trung lại là một trong những nguyên nhân cản trở sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Về điều này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nói rằng: “Nếu người nông dân Việt Nam với quy mô 0,6 hécta mà lại chia thành năm tới 15 mảnh ruộng nhỏ và chia nhỏ thành hơn 10 triệu hộ riêng lẻ như hiện nay thì không sao có thể tập hợp lại, có thể đưa ra khối lượng sản phẩm hàng hóa với chất lượng cao và ổn định, đưa đến tay khách hàng đúng hạn và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Cũng như không có cách gì mà các ngân hàng, các tổ chức khuyến nông có thể bù đắp nổi chi phí để đưa những dịch vụ phục vụ đến tận làng bản xa xôi cho từng người nông dân nhỏ lẻ như thế cả. Đấy không thể là kết cấu của một nền sản xuất hàng hóa lớn”.

Giải quyết được hai bài toán vừa nêu, cộng thêm với việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, may ra chúng ta mới có thể lấy lại vị trí trên bản đồ xuất khẩu gạo và nông dân mới có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống.

>Xuất khẩu gạo: Việt Nam không phụ thuộc thị trường Trung Quốc
>Xuất khẩu gạo: Lượng giảm, giá trị tăng
>
Dự báo xuất khẩu gạo năm 2015 sẽ gặp khó
>Xuất khẩu gạo: Khó khăn còn dài?
>
Xuất khẩu gạo: Bế ngoại, tắc nội

HOÀNG HẢI/DNSGCT