Hậu tranh cãi về taxi Uber: Người dân hưởng lợi
Du lịch - Ngày đăng : 06:36, 19/05/2015
Các cuộc tranh cãi về tính hợp pháp của taxi Uber tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có vẻ như đã lắng xuống mà biểu hiện rõ nét là cho đến nay dịch vụ chở khách này vẫn hoạt động bình thường, thậm chí các đối thủ của Uber đang bàn đến các giải pháp gia tăng cạnh tranh.
Đọc E-paper
Mới đây, trong Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết để cung cấp cho người tiêu dùng những tiện nghi mới, giá cước rẻ, hãng này sắp cho ra đời ứng dụng gọi xe taxi Vinasun App trên tất cả các hệ điều hành. Qua ứng dụng này, khách hàng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về xe, tài xế, giá cả, giờ đón…, địa bàn thử nghiệm đầu tiên là Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Nha Trang… Còn tại TP. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ chính thức triển khai đồng loạt vào giữa tháng 5 hoặc cuối tháng 6/2015, phần mềm này thậm chí còn tốt hơn của Uber nhờ ứng dụng đơn giản.
Điều này cho thấy Vinasun không chỉ phát triển địa bàn hoạt đông mà còn tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ trước một đối thủ đáng gờm đang đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân.
Cuộc cạnh tranh gay gắt bắt đầu từ tháng 6/2014 khi lần đầu tiên những chiếc taxi Uber bắt đầu lăn bánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ngay tức khắc được sự đón nhận của người tiêu dùng do những thuận lợi vượt trội taxi truyền thống. Đó là giá rẻ nên tiết kiệm chi phí, gọi xe nhanh chóng và biết được xe nào đến đón cũng như biết cả tài xế là ai mà nếu không thích thì có thể từ chối, điều này tránh được những cuộc đua tốc độ giành khách.
Người sử dụng không cần trả tiền mặt, sau chuyến đi kết thúc Uber trừ vào thẻ tín dụng của người sử dụng hoặc của người gọi xe. Nói chung là người tiêu dùng hoàn toàn chủ động trong quyết định của mình, có thể tìm thấy vật lỡ để quên, có thể đánh giá chất lượng dịch vụ qua việc chấm điểm tài xế…
Thừa nhận những ưu điểm này, nhưng các hãng taxi truyền thống cũng hoàn toàn có lý do khi kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam vì cho rằng hoạt động này không minh bạch, ngoài vòng pháp luật, không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, không đóng thuế ở trong nước, không có đồng hồ giá cả, tài xế không được tập huấn, không sử dụng xe của công ty mà lại khai thác xe cá nhân và nhiều cái “không” khác nữa.
Thế nhưng những lý do như vậy chưa đủ cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra một quyết định như mong muốn của Hiệp hội Taxi, nhất là sau khi Uber lý giải về tình trạng pháp lý và những lợi ích đang mang lại cho khách hàng sử dụng dịch vụ này, đặc biệt là cách tổ chức quản lý khoa học, hiện đại mà Uber trên thế giới đang áp dụng có hiệu quả.
Và nhất là sau khi Thủ tướng chính phủ đồng ý với báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, theo đó tạo điều kiện cho Uber hoạt động kinh doanh vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng, theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh.
Quy định vừa nói là gì? Đó là theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Uber chỉ ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đủ điều kiện và chịu sự quản lý của Bộ Tài chính về thuế, Bộ Công thương quản lý về thương mại điện tử, Ngân hàng Nhà nước quản lý về thanh toán quốc tế và UBND TP. Hồ Chí Minh quản lý về cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy có thể nói cuộc tranh cãi về một hoạt động dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam đã đến hồi kết, mà người chiến thắng không phải là Hiệp hội Taxi hay Uber mà chính là người dân được thừa hưởng những lợi ích về một mô hình quản lý mới, thúc đẩy các hãng taxi truyền thống nhanh chóng cải tiến phương thức điều hành phù hợp để cùng tham gia vào cuộc cạnh tranh lành mạnh.
>Uber được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam
>Sau những tranh cãi, sếp Uber Việt Nam nói gì?
>Uber được khuyến khích nhưng cần tuân thủ pháp luật Việt Nam
>Uber và hiện tượng "kinh tế chia sẻ"
>Uber với những tranh cãi trên thế giới