Ông Kiều Công Thanh: Doanh nhân rất khổ
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:38, 21/05/2015
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh - Kiều Công Thanh không chỉ gây ấn tượng với thành quả kinh doanh của Công ty đạt 370 tỷ đồng năm 2014, mà còn với những đóng góp của ông trong công tác xã hội - từ thiện.
Đọc E-paper
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Doanh nghiệp Thủ Đức, khi Ban tổ chức mời ông lên nhận hoa cảm ơn việc tài trợ xây cầu và tặng xe cứu thương cho Bệnh viện Thủ Đức, ông đã nhường vinh dự này cho con trai với lời chia sẻ: "Tôi muốn con tôi - người sắp kế thừa Tân Thanh sẽ đón nhận vinh dự này và tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng".
* Đóng góp cho hoạt động từ thiện được xem là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN), tuy nhiên, việc ông tặng xe cứu thương cho Bệnh viện Thủ Đức nghe nói còn có lý do riêng?
- Xuất phát điểm của đa số doanh nhân Việt Nam đều từ hoàn cảnh nghèo khó đi lên, do vậy họ rất thấu hiểu nỗi cơ cực, sự khốn khó và khi thành công họ đều chung một tinh thần phải đền đáp, trả nghĩa cho đời. Bản thân tôi cũng nhận thức, đỉnh cao của thành công chính là làm từ thiện, nhưng đợi thành công mới đóng góp thì có phần giảm bớt ý nghĩa.
Thế nên, ngay từ khi bước vào kinh doanh, tùy theo khả năng, của ít lòng nhiều, tôi đều dành ngân sách đóng góp cho công tác xã hội. Và món quà ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi khi sắp về hưu là mới đây, vợ chồng tôi được Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tặng bằng khen về thành tích đóng góp xây dựng thành phố.
Riêng việc tài trợ hai xe cứu thương cho Bệnh viện Thủ Đức còn có lý do riêng từ bản thân. Năm 30 tuổi, tôi bị tai nạn giao thông gãy chân, trong cơn đau, tôi nhận ra phương tiện cấp cứu vô cùng cần thiết.
Vì vậy, tôi đã chọn Bệnh viện Thủ Đức để tặng hai chiếc xe cứu thương, vả lại, do bệnh viện này nằm gần ba tuyến đường chính đi vào thành phố, thường xảy ra tai nạn nên càng cần nhiều phương tiện cấp cứu để giúp bệnh nhân có cơ hội được cứu chữa nhanh.
* Nhưng cũng có nhiều DN xem việc đóng góp cho công tác xã hội là một cách làm thương hiệu...
- Ai sao thì tôi không biết nhưng với tôi, làm từ thiện hay đóng góp cho công tác xã hội phải là việc làm xuất phát từ tâm, từ tình cảm và tấm lòng, sâu xa hơn đó còn là trách nhiệm của người làm kinh doanh. Xã hội tạo cho mình cơ hội kinh doanh, khách hàng giúp mình có được thành công thì ngược lại mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Mà đã là trách nhiệm thì không thể từ động cơ nào khác.
* Được đứng trong hàng ngũ công an nhân dân, ông từng nói đó là lựa chọn đúng đắn và rất yêu nghề, vậy tại sao ông lại chuyển sang làm kinh doanh?
- Thoát ly tham gia cách mạng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, tôi tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang. Nếu tai nạn không ập đến, chắc chắn tôi không nghĩ đến việc chuyển nghề.
Trong lúc tôi bị tai nạn, vợ tôi cũng chuyển dạ sinh con, vì vậy động lực thôi thúc tôi lúc đó là phải ráng luyện tập đôi chân để không bị di chứng và đảm bảo đủ sức khỏe để tiếp tục đi làm nuôi vợ con. Song, dù cố gắng hết sức tôi vẫn không đủ sức khỏe đảm nhận công việc cũ nên phải tìm kế khác mưu sinh.
* Chưa từng làm việc gì liên quan đến ngành cơ khí, lý do nào khiến ông chọn lĩnh vực tái chế, kinh doanh container, sản xuất sơmi rơ-mooc..., một ngành đòi hỏi chuyên môn rất cao để khởi nghiệp mưu sinh?
- Sinh ra trong gia đình nghèo, lại là anh cả của năm đứa em nên tôi vừa đi học, vừa phải đi làm thuê. Năm 11 tuổi, tôi vào làm công nhân cho một xưởng cơ khí, được học nghề và có cơ duyên bén rễ với ngành cơ khí.
Sau tai nạn, tôi thấy mình yếu đi, không thể làm việc nhiều như trước nên cuộc sống gia đình tuy không đến nỗi túng quẫn, nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định mở cơ sở sản xuất kẽm, đinh và thuyết phục vợ (lúc đó cũng làm trong ngành công an) nghỉ việc để quản lý cơ sở, còn tôi vẫn tiếp tục công việc trong ngành.
Thật ra, tôi không chọn nghề này mà vì "đói thì đầu gối phải bò”, thấy công việc gì làm được trong khả năng và không bị ngành cấm thì làm, miễn sao đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Tuy nhiên, công việc sản xuất đinh thu nhập cũng không khá và bấp bênh, đã vậy lại bị thất thoát rất nhiều do chưa có kinh nghiệm sản xuất và quản lý nên tôi lại mò mẫm tìm đường xoay xở.
Trong quá trình tìm nguồn mua phế liệu, thấy một công ty rao bán một số container, tôi đến mua hết đem về bán. Cứ mỗi khách hàng đến mua container, tôi đều hỏi han họ mua để làm gì. Có người mua để chở hàng xuất nhập khẩu, có người dùng làm nhà chứa bụi xưởng gỗ, có đơn vị dùng làm kho, nhiều nơi mua về làm văn phòng nơi công trường xây dựng...
Phát hiện công dụng đa dạng của container, cộng với nghiệp vụ được đào tạo trong ngành công an, kết hợp học hỏi, nghiên cứu thêm thông tin từ sách báo, phân tích thị trường, tôi nghĩ với chiều dài bờ biển Việt Nam, việc vận chuyển bằng container sẽ thuận lợi và cần thiết khi nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài đang đổ vào Việt Nam ngày một nhiều, chắc chắn nhu cầu container sẽ ngày càng cao và thị trường vô cùng tiềm năng nên tôi chuyển hướng sang kinh doanh, tái chế container, tự hào là người đầu tiên làm nghề này. Từ một cơ sở nhỏ, năm 1994, Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh ra đời và lúc đó, định hướng kinh doanh của tôi mới rõ ràng.
* Thời điểm đó nhu cầu container không cao, ông đã quản lý và kinh doanh như thế nào để duy trì được Công ty đến thời điểm này, nhất là đảm bảo cuộc sống cho công nhân?
- Đi đầu trong lĩnh vực này nên Tân Thanh có được đội ngũ kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề. Tuy nhiên, trách nhiệm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho anh em là áp lực vô cùng nặng nề.
Hồi mới làm kinh doanh, vợ chồng tôi chẳng biết chiến lược kinh doanh là gì, không biết ngày mai công việc sẽ ra sao, cũng không nghĩ mình sẽ làm giàu và có thương hiệu như ngày hôm nay, thậm chí mơ ước rất đơn giản: chỉ cần làm được một trăm container là đủ sống, không cần làm nữa.
Thế rồi khi có được cả ngàn container vẫn hì hụi làm và càng cố làm nhiều hơn, như con tằm chăm chỉ nhả tơ, bởi bây giờ Tân Thanh không chỉ có trách nhiệm với vài chục người mà tới 600 nhân viên từ Bắc chí Nam, nếu không làm nhân viên sẽ ra sao.
Nhiều đêm tôi trăn trở, nếu cứ ngồi chờ có khách đặt hàng mới sản xuất thì áp lực tiền vốn ít hơn nhưng công nhân sẽ không có việc và họ lấy đâu ra thu nhập để nuôi gia đình. Tôi nghĩ cách vay tiền ngân hàng làm vốn đầu tư sản xuất container dự trữ.
Để thu hồi vốn, tôi áp dụng các phương thức linh hoạt như cho thuê container, bán container trả góp... Với triết lý kinh doanh "luôn dẫn đầu về chất lượng", Tân Thanh đã từng bước có được sự tín nhiệm và lòng tin của khách hàng, đây cũng chính là bí quyết thành công.
* Xin lỗi ông, bí quyết này xem ra không mấy khác biệt, vì rất nhiều DN cũng có triết lý như vậy nhưng không dễ thành công.
- Trong kinh doanh, thành công còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, thậm chí có cả may mắn. Triết lý "lấy chất lượng làm yếu tố hàng đầu" nghe có vẻ chung chung nhưng đó chính là yếu tố quyết định cho các DN muốn đi đường dài và muốn xây dựng uy tín thương hiệu.
Thực tế, để làm được theo triết lý đó không dễ chút nào khi hiện nay, áp lực cạnh tranh thương trường đang áp đảo người làm kinh doanh từ nhiều phía.
Đơn cử, vào thời điểm kinh tế khó khăn, sản phẩm khó bán nên có lúc nhân viên đề nghị tôi giảm giá để cạnh tranh, nhưng tôi dứt khoát không, bởi khi hạ giá bán thì đương nhiên phải giảm chất lượng, đồng nghĩa với việc hạ uy tín và đi ngược lại triết lý kinh doanh của Công ty. Cuối cùng tôi chuyển sang phương án cho thuê.
Ngoài yếu tố chất lượng, một DN muốn thành công phải có người đứng đầu giỏi. Tuy nhiên, đó chỉ là thời gian đầu, quan trọng là phải xây dựng được hệ thống quản lý. Bản thân người đứng đầu cũng phải có tâm và bản lĩnh, có ý chí kiên định, chịu khó học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để chỉnh sửa cũng như hoàn thiện quy trình sản xuất, kỹ thuật và dịch vụ.
Không tự mãn, tự kiêu mà phải biết cầu thị, sửa mình, biết lắng nghe khách hàng góp ý, nếu tự cho mình đã thành công mà tự mãn là chết. Thành thật mà nói, thời gian đầu tôi được khách hàng khen ít mà chê thì rất nhiều.
* Theo chia sẻ của ông, nhu cầu container ngày càng cao, tại sao ông không sản xuất container mà chuyển sang sản xuất sơmi rơ-mooc, một sản phẩm khó làm hơn?
- Mặc dù nhu cầu container ngày càng tăng nhưng nhiều DN trong nước không dại gì sản xuất vì Trung Quốc sản xuất quá nhiều, mình không cạnh tranh được, vậy nên tôi chọn phương án tái chế.
Nhờ kinh nghiệm, tôi biết cái nào yếu nhất, cái nào khỏe nhất, phải sửa chữa ra sao để tăng tuổi thọ và độ bền mà lại có chi phí rẻ nhất. Cái hay của tôi là người ta tái chế đắt, tôi làm rẻ hơn mà chất lượng tốt nên ngày càng có nhiều khách hàng.
Làm được container rồi, tôi thấy biển của Việt Nam nhiều, mà hễ có biển là phải có cảng để tiếp nhận tàu container, và container muốn di chuyển được từ nhà máy ra cảng phải cần đầu kéo và sơmi rơ-mooc.
Phải nói rằng, việc mở rộng sản xuất, đi sâu vào ngành cơ khí là một hướng đi đúng của Tân Thanh vì không chỉ tạo ra nhiều việc làm mới cho nhân viên mà nhu cầu sơmi rơ-mooc cũng rất lớn khi Việt Nam đang phát triển ngành logistics, nhiều ngành như thủy hải sản, vật liệu xây dựng... cũng đang phát triển.
Từ năm 2003 trở về trước, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khoảng 4.000 - 5.000 chiếc sơmi rơ-mooc. Hiện nay, công suất nhà máy của chúng tôi khoảng 280 - 300 chiếc mỗi năm.
* Có vẻ việc sản xuất của Tân Thanh rất thuận buồm xuôi gió?
- Làm sản xuất rất cực. Muốn làm sơmi rơ-mooc phải am hiểu về container mới có thể chú ý những chi tiết quan trọng đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Khó khăn ở đây là ngành sản xuất sơmi rơ-mooc chưa có tại Việt Nam nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có quy chuẩn chính thức.
Mãi đến năm 2008, tiêu chuẩn nhà nước về sơmi rơ-mooc mới được ban hành, lúc đó Tân Thanh mới được cấp phép sản xuất những sơmi rơ-mooc đạt tiêu chuẩn trọng tải quốc tế 30 tấn thay vì 23 - 25 tấn.
Sơmi rơ-mooc tôi mới sản xuất 5 năm nên chưa đủ mạnh, lại đang gặp khó vì quy định giảm thuế nhập khẩu 5% nguyên chiếc còn 0%, trong khi tôi phải đóng thuế 3 - 5%. Nhưng cũng mừng là sản phẩm của chúng tôi đã được xuất khẩu sang các nước Nhật, Phần Lan, Campuchia, Myanmar, Ả Rập.
* Ông nói, đích đến lớn nhất của làm kinh doanh không phải để có nhiều tiền mà phải vui, vậy niềm vui ông cảm nhận được khi chọn theo nghề này là gì, thưa ông?
- Trong thời đại hiện nay, container đóng góp rất lớn vào việc vận chuyển hàng hóa, trên thế giới có hàng triệu container mới được đưa vào sử dụng và cũng có từng ấy container cũ kỹ bị bỏ quên, gây lãng phí rất lớn.
Bằng cách sử dụng các container cũ làm nhà, văn phòng, hoặc làm kho, dùng vận chuyển hàng khô, hàng đông lạnh, thủy sản, Tân Thanh đã làm cho các container cũ trở nên có ích. Cũng qua việc làm mới container cũ, Tân Thanh còn giúp môi trường xanh và sạch vì vật liệu làm container là thép được tái sinh, giảm thiểu tác động đến môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên và tạo ra ít rác thải.
Bên cạnh đó, tôi còn có niềm vui khác là Tân Thanh đang lớn lên một cách khỏe mạnh, trong sạch. Từ một cơ sở nhỏ, đến nay Tân Thanh đã trở thành công ty sản xuất rơ-mooc container lớn nhất Việt Nam với nhiều hoạt động: mua bán, cho thuê các loại container, kho lạnh di động; thiết kế và thi công nhà container; vận chuyển hàng hóa nội địa; cho thuê kho bãi và dịch vụ nâng, hạ hàng hóa...
Ngoài cung cấp container truyền thống, Tân Thanh còn có sản phẩm ứng dụng cao như nhà container, văn phòng container, lớp học container di động...
* Nghe nói, thành công của ông khi làm kinh doanh một phần nhờ uy tín, các mối quan hệ từ thời còn làm trong lực lượng vũ trang?
- Đúng là tôi thành công nhờ đã từng làm lính, nhưng tôi không lợi dụng sắc áo lính, các mối quan hệ anh em, bạn bè, mà do được quân ngũ rèn luyện tính tổ chức, kỷ luật, rèn luyện đạo đức để sống tốt, chan hòa với mọi người, giữ tròn đạo vợ chồng, gương mẫu trong cương vị làm cha, làm lãnh đạo, nghiêm khắc với bản thân và với nhân viên Công ty.
Phải nói rằng, người cán bộ khi ra làm kinh doanh sẽ có nhiều lợi thế vì được học chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng nên hiểu luật và chính sách.
* Liệu sự nghiêm khắc của ông trong quản lý có làm nhân viên... ngại tiếp xúc với ông?
- Tôi nghiêm khắc nhưng không khô khan, ngược lại rất thoải mái, xuề xòa, hòa đồng cùng anh em để xem họ sống ra sao, biết được bữa cơm của nhân viên cần gì, có đảm bảo chất lượng không. Bản thân từng trải qua khổ cực nên tôi dễ gần và đồng cảm với những người khổ cực.
* Là công ty tiên phong trong lĩnh vực tái chế container, sản xuất sơmi rơ-mooc nhưng ông lại không bị áp lực vì là người dẫn đầu và không sợ bị DN khác qua mặt, nghe cũng hơi lạ...
- Tôi chỉ nhận những đơn hàng năng lực của mình có thể đáp ứng, không tham mà nhận hết, bởi người ta thường nói "làm nhiều sẽ sai nhiều". Cũng có người bảo tôi cứ làm, sai tới đâu sửa tới đó, nhưng khách hàng bây giờ khắt khe lắm, họ không cho mình cơ hội sửa sai nên phải hết sức cẩn trọng, và nếu lỡ xảy ra sai sót thì phải biết cách giải quyết.
Thực tế, có nhiều công ty lớn hơn Tân Thanh, họ có chiến lược marketing bài bản, được học hành đàng hoàng, còn tôi từ anh nông dân nghèo ra làm kinh doanh, lại "rón rén" vì sợ vi phạm điều lệ của ngành, nhưng tôi làm đâu chắc đó, sản phẩm bảo đảm chất lượng nên khách hàng ủng hộ và thương hiệu của tôi lớn dần.
Trong khi đó, có công ty lớn hơn do nhận nhiều đơn hàng quá, làm không xuể, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định nên khó tránh khỏi đổ vỡ.
* Kinh doanh ắt cho ông rất nhiều bài học trải nghiệm, ông tâm đắc bài học nào nhất?
- Tôi từng mất cả triệu USD và nhân viên của tôi đi tù bây giờ cũng chưa ra là do tôi không biết cách quản lý. Lúc trước chưa có quy định trên 20 triệu đồng là phải chuyển khoản mà chỉ giao dịch bằng tiền mặt nên nhân viên đã làm giả chứng từ để lấy tiền.
Bài học tôi rút ra là phải xây dựng hệ thống quản lý chặt chẽ, không xuề xòa, qua loa mà phải cương quyết, nếu người lãnh đạo lơ là, dẫn đến nhân viên phạm lỗi thì mình sẽ là người có lỗi trước.
* Chuẩn bị chuyển giao, ông kỳ vọng gì về khả năng kế thừa của hai con?
- Bây giờ chiếc áo Tân Thanh đang mặc đã quá chật rồi, tôi thường nói vui là "te tua quá” rồi nên hai năm nữa tôi sẽ chuyển giao quyền quản lý cho con.
Tôi rất tin con vì... dốt như tôi còn làm được huống hồ hai con tôi đều được đi học ở nước ngoài, có bằng cấp quản trị kinh doanh, marketing bài bản. Tuổi trẻ bây giờ không chỉ có có kiến thức tốt mà còn nhanh nhạy trong việc nắm bắt, khai thác thông tin, sử dụng công nghệ thông tin.
* Trước khi rời thương trường, ông có nguyện vọng gì về giới doanh nhân cần đề đạt?
- Doanh nhân rất khổ, hằng ngày không chỉ lo điều hành công ty, mà ngay cả khi lên giường ngủ rồi vẫn còn lo, nào là lo mất tài sản, tai nạn do rủi ro, an toàn lao động, chưa kể sản xuất còn lệ thuộc vào nhiều thứ: công nhân, môi trường, điện nước, xăng dầu, chính sách...
Vì vậy, cứ 10 năm họ còn tồn tại thì Chính phủ nên tặng cho họ một huy chương bạc và thêm 10 năm nữa sẽ nâng lên thành vàng, kim cương...
* Cảm ơn ông. Chúc nguyện vọng của ông sẽ được đáp ứng.
>Chiến lược "du kích" của chủ tịch May Sơn Việt
>Tổng giám đốc IMC: Thành công không bao giờ xuất phát từ... tự nhiên
>CEO D2D và ISO “quân ngũ”