Các đồng minh của Mỹ "rủ" nhau gia nhập Ngân hàng Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 06:45, 27/05/2015

Tuần này, các quốc gia chuẩn bị gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu sẽ họp mặt tại Singapore, trong số đó có cả các đồng minh của Mỹ.
Các đồng minh của Mỹ

Cả Mỹ và Nhật Bản đều đã có hành động cụ thể để ngăn chặn hoặc thu hẹp tầm ảnh hưởng của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu.

Đọc E-paper

Tuần này, 57 thành viên tiềm năng gia nhập AIIB họp mặt tại Singapore để đưa ra các quy tắc hoạt động cho định chế tài chính do Trung Quốc dẫn đầu.

Trong số những đối tác tham dự có cả các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Ngoài Mỹ, còn có Canada và Nhật Bản không tham gia AIIB.

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc các đồng minh châu Âu thận trọng cân nhắc khi quyết định gia nhập AIIB.

Phát biểu trong cuộc điều trần tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew kêu gọi các đồng minh châu Âu "hãy cân nhắc kỹ” trước khi ký tham gia AIIB vì Washington lo ngại ngân hàng này "sẽ trở thành đối thủ” của các tổ chức tài chính truyền thống của thế giới hiện do Mỹ chi phối như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, London biện minh quyết định tham gia AIIB là "một cơ hội không gì bằng để nước Anh và châu Á cùng nhau đầu tư và khai thông tăng trưởng".

Đồng minh lâu năm của Mỹ tại châu Á như Hàn Quốc cũng đưa ra những giải thích tương tự, xuất phát từ lợi ích trong quan hệ thương mại với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc.

Có thể các nước phát triển ở châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Ý một mặt tham gia AIIB để kiếm lời, mặt khác muốn giữ chỗ trong tổ chức này để tham gia một quy tắc, trật tự tài chính trong tương lai, nhất là khi Mỹ không chứng tỏ được mình là một cường quốc tại châu Á, trong khi Trung Quốc ngày càng bành trướng thế lực tại đây.

AIIB với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD, có chức năng cung cấp tài chính cho xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.

Tuy nhiên, AIIB được cho là sẽ phục vụ cho chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc đã xuất vốn để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông trên bộ xuyên lục địa Á - Âu, một mạng lưới đường sắt cao tốc sang châu Âu và cả đường sắt sang Đức dài 11.000km.

Với dự trữ ngoại tệ lên tới gần 4.000 tỷ USD, cùng tham vọng thiết lập vị thế của một cường quốc trên thế giới, Trung Quốc đã sáng lập ra AIIB.

Khi ngân hàng này hình thành và nguồn vốn có thể tăng lên trên 100 tỷ USD, qua đó trực tiếp thách thức các định chế tài chính như IMF, ADB. Nhật Bản và Mỹ sẽ mất đi vai trò trong việc cung cấp vốn cho các dự án ở các nước châu Á.

Đến thời điểm này, Washington chọn cách tiếp tục gây áp lực để các đồng minh không tham gia AIIB hoặc Mỹ cũng sẽ tham gia vào AIIB.

Trong khi đó, Nhật Bản và ADB đã quyết định tăng thêm 30% mức đầu tư vào châu Á, so với thời kỳ 5 năm trước nhằm chứng tỏ cho các nước châu Á thấy rõ vai trò của ADB.

"Nếu họ (AIIB) trở thành tổ chức tài chính hợp thức vì quyền lợi của châu Á, thì không có lý gì phải xấu hổ nếu chúng tôi tham gia sau này", ông Koichi Hagiuda, trợ lý của Thủ tướng Abe được dẫn lời.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ là cách nói ngoại giao, chứ Tokyo sẽ không để mất vai trò của mình và ADB tại châu Á vào tay Trung Quốc.

Phát biểu tại Tokyo, ngày 21/5, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo Nhật Bản sẽ đầu tư 110 tỷ USD trong vòng 5 năm để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Với nguồn tài chính này, Nhật Bản muốn nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và chuyển giao công nghệ, ví dụ như trong các dự án xây dựng tàu điện ngầm tiết kiệm năng lượng hoặc cầu được thiết kế với khả năng kháng cự cao đối với động đất.

Theo giới chuyên gia, tại châu Á, các công ty Nhật Bản đã hiện diện từ lâu và có thế mạnh so với các đối thủ khác.

Trong cuộc chạy đua ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản rất cần đến các cơ sở hạ tầng chủ chốt tại châu Á như viễn thông, năng lượng, giao thông vận tải.

Theo ADB, cần phải đầu tư vào khu vực này khoảng 8.000 tỷ USD trong giai đoạn từ 2010 đến 2020.

Nhật Bản, nhà sáng lập ADB, không được hưởng quyền phủ quyết nhưng cùng với Mỹ kiểm soát khoảng 1/4 ngân quỹ trong khi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 6%.

Nhật Bản cũng luôn cố gắng giữ vai trò là Chủ tịch ADB kể từ khi ra đời đến nay và đây vẫn là cơ chế chi phối thị trường vốn hỗ trợ phát triển từ lâu của Nhật Bản.

>Các ngân hàng Trung Quốc chuyển ra khỏi London
>Nợ xấu ngân hàng Trung Quốc: Bom chậm nổ
>Ngân hàng Trung Quốc tung độc chiêu hút khách giàu
>Quan hệ Mỹ-Trung: “Hợp tác để định hình thế kỷ 21”

LAM HỒNG