Việt Nam: Công xưởng điện tử gia dụng của thế giới?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:36, 28/05/2015

Việc Tập đoàn điện tử Samsung vừa tổ chức khởi công khu phức hợp điện tử gia dụng - Dự án Samsung HCMC CE Complex (SEHC) với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã biến Việt Nam thành một cứ điểm của Samsung trên toàn cầu. Đây có thể xem là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chính thức trở thành "công xưởng" điện tử gia dụng của thế giới?
Việt Nam: Công xưởng điện tử gia dụng của thế giới?

Việc Tập đoàn điện tử Samsung vừa tổ chức khởi công khu phức hợp điện tử gia dụng - Dự án Samsung HCMC CE Complex (SEHC) với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD tại Khu Công nghệ cao TP.HCM đã biến Việt Nam thành một cứ điểm của Samsung trên toàn cầu. Đây có thể xem là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã chính thức trở thành "công xưởng" điện tử gia dụng của thế giới?

Đọc E-paper

Điểm đáng chú ý nhất của dự án SEHC đó là một trung tâm nghiên cứu và phát triển được xây dựng nằm trong dự án, theo đó các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam tới đây không chỉ hợp tác ở lắp ráp, đóng gói mà sẽ có cơ hội tham gia nghiên cứu, phát triển ngay tại Việt Nam.

Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ được đưa vào hoạt động vào quý II/2016, tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất các sản phẩm TV như TV màn hình cong UHD, Smart TV, TV LCD, LED... Giai đoạn 2 của dự án sẽ sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng khác như máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt ứng dụng công nghệ cao...

Có thể thấy, Tập đoàn Samsung đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự án mới này. Nói như Tổng giám đốc ngành hàng điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung Jongho Kim: "Thông qua việc triển khai dự án mới này, chúng tôi tiếp tục đặt niềm tin vững chắc vào tương lai phát triển cùng Việt Nam".

Tuy nhiên, việc Tập đoàn Samsung đầu tư dự án SEHC, được đánh giá là một trong những dự án lớn nhất của tập đoàn này trên toàn thế giới ở thời điểm hiện tại, thực sự gây ra nhiều bất ngờ. Bởi lẽ, những năm trước, nhiều thương hiệu lớn trong ngành điện tử đã phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì mức thuế nhập khẩu.

Cùng với Sony, Sanyo, Toshiba, Hitachi, Matsushita, JVC và LG đã phải tính toán lại bài toán kinh doanh khi mà thuế nhập khẩu đối với sản phẩm điện tử nguyên chiếc bắt đầu giảm theo các cam kết quốc tế.

Vậy tại sao Samsung lại mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam? Đặc biệt là tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, hàng hóa điện tử từ các quốc gia phát triển như châu Âu, Nhật Bản... sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Lý giải về những thắc mắc này, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng Giám đốc Samsung Vina cho hay, Samsung hoàn toàn không lo lắng về áp lực cạnh tranh từ bên ngoài.

Bởi lẽ hiện nay hầu như tất cả các hãng điện tử gia dụng lớn trên thế giới đều đã có mặt ở Việt Nam. Samsung có lợi thế về mặt giá thành, nên hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn nhỏ khác.

"Ngay như Samsung Vina hiện nay với quy mô nhỏ mà còn không ngại chuyện đó, thì với quy mô lớn như dự án SEHC thì càng không ngại. Nguyên tắc là quy mô sản xuất càng lớn thì giá thành càng thấp", ông Nguyễn Văn Đạo nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, điện tử gia dụng cùng với dệt may, da giày được xem là ngành được hưởng lợi khi xuất khẩu sang các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư - Invest ASEAN với chủ đề "Việt Nam: Công xưởng mới của thế giới" do Maybank Kim Eng tổ chức ngày 25/5, tại TP.HCM, ông Huỳnh Quang Hải, Thành viên Ban quản trị VSIP kiêm Tổng giám đốc VSIP Bắc Ninh, cho rằng, Việt Nam với dân số 90 triệu người, được các nhà đầu tư xem là thị trường hấp dẫn đối với lĩnh vực điện tử gia dụng.

Bằng chứng là, trong 6 tháng qua, có rất nhiều công ty điện tử vào Việt Nam, dự báo sẽ có thêm vài dự án tỷ USD trong lĩnh vực này vào Việt Nam sau sự kiện Samsung kể trên.

Theo giới quan sát, Việt Nam hiện đã là một trong những nước Đông Nam Á xuất khẩu đồ điện tử hàng đầu khu vực. Đa số các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới đã vào Việt Nam, kéo theo đó là các lĩnh vực phụ trợ.

Các tập đoàn điện tử này dự tính sẽ sản xuất lắp ráp ở Việt Nam sau đó xuất khẩu ngược trở lại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... "Một làn sóng đầu tư khác sẽ theo sau TPP. Trong khi chờ TPP rất nhiều nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị để vào Việt Nam", ông Hải nói.

Trên thực tế, chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính đang dần được cải thiện đã khiến lĩnh vực điện tử gia dụng của Việt Nam có lợi thế so với các nước trong khối ASEAN. Thậm chí, ngay cả các nhà đầu tư trong khối này cũng xem Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn để đặt nhà máy sản xuất lắp ráp.

Nếu như trước đây, các nhà đầu tư chủ yếu đặt nhà máy sản xuất ở các tỉnh phía Nam, thì nay họ đang tính toán để đặt nhà máy ở các tỉnh miền Trung. Bởi lẽ, nhiều người lao động sau khi được đào tạo ở miền Nam đã quay về miền Trung để phục vụ quê hương, và điều này khiến cho đầu tư ở khu vực miền Trung trở nên hấp dẫn hơn.

"Các nhà đầu tư đang theo dõi sát việc sản xuất, lắp ráp hàng điện tử ở Việt Nam so với các nước trong khu vực. Với sự cải cách thủ tục hành chính, sự phát triển công nghiệp phụ trợ, tôi tin chỉ trong 3 năm tới sẽ rất thuật lợi cho các nhà đầu tư trong đó có lĩnh vực điện tử", ông Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế đã đưa ra so sánh khá thú vị giữa Việt Nam và Indonesia - hai nước cùng có dân số đông ở khu vực ASEAN. Theo đó, so với Việt Nam, 10 sản phẩm xuất khẩu của Indonesia chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, trong khi 10 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là công nghiệp chế tạo. Đây cũng là cơ sở để có thể biến Việt Nam thành "công xưởng mới" tại khu vực.

>ASEAN sẽ là "công xưởng của thế giới" 
>Việt Nam sẽ là công xưởng mới của thế giới 
>Cung ứng cho Samsung: "Cửa hẹp" cho doanh nghiệp Việt
>Bắc Ninh cấp phép cho dự án tỷ đô Samsung Display

NGUYỄN LAN