Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

Du lịch - Ngày đăng : 06:26, 29/05/2015

Hòa Bình hơn thế kỷ trước vốn mang cái tên tỉnh Mường, tỉnh Bờ với những giá trị đặc sắc của những áng mo, những điệu sáo ôi, tiếng trống đồng, vò rượu cần...
Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

Đọc trong thư tịch cổ, Hòa Bình hơn thế kỷ trước vốn mang cái tên tỉnh Mường, tỉnh Bờ với những giá trị đặc sắc của những áng mo, những điệu sáo ôi, tiếng trống đồng, vò rượu cần... Trải qua thời gian, thật khó để được tận mắt chiêm ngưỡng lại những vật báu ấy trong những bộ sưu tập đầy đủ hồi tưởng về quá khứ.

Đọc E-paper

Ấy vậy mà một ngày, nghe người bạn dân tộc Mường kể chuyện, chúng tôi quyết vác ba lô lên đường tìm gặp người đàn ông say mê vốn cổ nên suốt 30 năm tạo dựng một bảo tàng di sản Mường...

Ngược con đường 6 đầy kỷ niệm, chúng tôi men sông Đà lên tới làng Chăm cổ (nay là phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình). Khác với vẻ ồn ào, náo nhiệt của một thành phố mới đang chuyển mình, qua con dốc khá cao, chúng tôi lọt vào khuôn viên của bảo tàng với kiến trúc như một gia phủ của quan lang thuở nào.

Nhìn trước ngó sau chỉ thấy bóng nhà sàn, những chiếc lá đa rụng bên hiên vắng... Sáu ngôi nhà sàn trầm ngâm trong nắng trưa, gợi bao háo hức cho những vị khách từ phố thị.

Sau tuần trà mời khách, ông Bùi Thanh Bình - chủ của Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, cũng là người sưu tầm, gia chủ của khuôn viên bảo tàng gia đình này mới từ tốn mở lời, đưa chúng tôi ngược về 30 năm trước của những làng Mường nguyên sơ.

Ngày đó chiêng, viếng, mâm đồng, thau đồng còn khá nhiều nhưng người dân thì mải mê với đồ nhôm, đồ nhựa "quốc doanh"...

Tuy vẫn còn ở nhà tập thể, sống theo tem phiếu, đạp xe cà tàng nhưng ông đã lặn lội vào các làng Mường cổ để đổi mâm nhôm, chậu nhôm, nồi nhôm lấy những dụng cụ truyền thống mà bà con ít khi dùng đến.

Thế rồi qua thời gian, khi biết được cái tâm của ông quyết giữ gìn những di sản văn hóa dân tộc Mường để con cháu mình muôn đời còn được ngắm nghía, nhiều gia đình đã bán, thậm chí tặng cho ông trong khi giới buôn đồ cổ luôn chèo kéo giá cao.

Ông kể, khi đó chưa nghĩ sâu xa đến việc lập bảo tàng mà chỉ thấy tiếc, thấy sợ mất đi di sản văn hóa dân tộc mình nên cố sức sưu tầm, níu giữ. Thế rồi như các cụ ta từng nói "Quý vật gặp quý nhân", sau hơn 30 năm ông đã có hơn 5.000 cổ vật theo các chuyên đề.

Với tấm bằng cử nhân văn hóa, lại là người con Mường Động, từng làm quản lý trong ngành du lịch, ông bảo chẳng có lời giới thiệu nào hay hơn là mời chúng tôi vào từng ngôi nhà sàn thăm thú.

Ngôi nhà sàn đầu tiên chúng tôi ghé vào là ngôi nhà lang Mường. Đây là không gian tái hiện đời sống của nhà lang với ban thờ đặt trang trọng giữa nhà.

Trên sập là ấn, kiếm lệnh của quan lang các vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Động..., là các loại sách cổ và những vật dụng như vàng, bạc, đồ trang sức tinh xảo của các bà nàng (vợ lang) và các ả nàng (con gái của lang). Rồi đồ sứ, đồ đồng, đồ mỹ nghệ bằng xương thú... Đặc biệt là chiếc tẩu hút thuốc của một viên công sứ Pháp tặng quan lang Mường Động.

Bước sang ngôi nhà sàn theo kiến trúc phổ biến của người Mường, chúng tôi bắt gặp những bài trí giản dị nhưng còn khá nguyên bản từ bàn thờ gia tiên, réng thờ vua đến góc bếp, gian buồng dành cho phụ nữ...

Thêm một ngôi nhà sàn bình dị nữa là nơi trưng bày những mảnh xương voi, tê giác từ thời cổ và thạch anh, quặng bạc, quặng sắt. Bên cạnh đó là những hiện vật thời đại đồ đá, đồ đồng được xếp ngay ngắn, các hiện vật gốm sứ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn...

Đặc biệt là chiếc trống đồng, chuông đồng và các hiện vật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng của các thầy mo Mường, như túi khót, bộ lịch đọi (lịch tre)...

Ngôi nhà trưng bày các loại chiêng Mường được thiết kế theo lối "trồng rường giá chiêng kẻ truyền con sơn kèo đưa bảy đòn". Trong số đó có ba chiếc chiêng được xếp vào loại cổ nhất xứ Mường.

Bước qua một khoảng sân nhỏ, du khách ngỡ ngàng trước ngôi nhà ba gian của người Kinh vùng Chợ Bờ thế kỷ trước, nơi giờ đã nằm dưới mực nước của hồ thủy điện Hòa Bình mà ông Bình đã mang về dựng lại dùng làm thư viện.

Bên cạnh những ngôi nhà sàn trầm lắng dấu ấn thời gian là hai ngôi nhà gia chủ dùng để giới thiệu và thực hành về ẩm thực Mường, đủ sức chứa 200 thực khách. Khuôn viên bảo tàng cũng chính là nơi thường diễn ra các hoạt động âm nhạc dân gian, trò chơi dân gian và tổ chức lửa trại của thực khách...

Dạo một vòng quanh bảo tàng, trở lại bên bộ bàn ghế lũa, nhấp ngụm trà thơm, ông Bình bảo nơi đây vẫn còn phải hoàn thiện hơn mới dám bán vé cho khách nhưng sẵn lòng tổ chức các hoạt động và đón các đoàn khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn Mường. Hy vọng rằng, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường của ông Bùi Thanh Bình sẽ có thêm nhiều hiện vật và thu hút nhiều du khách hơn nữa.

>Trên đất Mường Vang
>Ngược sông Mã đến thăm Mường Lát
>Những điều khó quên ở Mường Lò

BÙI VIỆT PHƯƠNG