Trung tâm thương mại: bánh ngon nhưng có dễ ăn?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:29, 30/05/2015

Sự kiện khai trương trung tâm thương mại SC VivoCity gần đây càng làm nóng thêm ngành bán lẻ trong nước. Tuy tiềm năng, nhưng ngành này vẫn tồn tại không ít thách thức.
Trung tâm thương mại: bánh ngon nhưng có dễ ăn?

Sự kiện khai trương trung tâm thương mại SC VivoCity gần đây càng làm nóng thêm ngành bán lẻ trong nước. Tuy tiềm năng, nhưng ngành này vẫn tồn tại không ít thách thức.

Đọc E-paper

Nội, ngoại bắt tay

Mapletree (Singapore) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư và quản lý vốn ở châu Á, với tổng số vốn sở hữu và quản lý gần 25 tỉ SGD (19,3 tỉ USD) mới đây đã bắt tay với SCID (thuộc Saigon Co.op) khai trương SC VivoCity với vốn 100 triệu USD tại quận 7, TP.HCM.

Hợp tác với SCID, Mapletree đã vượt qua được thách thức lớn nhất đối với hầu hết các nhà bán lẻ nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam là vấn đề mặt bằng. Dự án bán lẻ này có diện tích sàn 62.000m2, diện tích cho thuê 41.000m2, phù hợp với chức năng chính của SCID là chuyên phát triển hệ thống siêu thị Co.opMart và các dự án bất động sản thương mại.

Thông tin từ Mapletree cho hay, Tập đoàn sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD tại thị trường Việt Nam, trong đó hơn 10% dành cho mảng bán lẻ. Vì vậy, hiệu quả kinh doanh của SC VivoCity trong các năm 2015 - 2016 sẽ là tiền đề để nhà đầu tư này có thể tiếp tục triển khai các dự án bán lẻ.

Thương hiệu bán lẻ Lotte Mart của Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh kế hoạch bành trướng tại Việt Nam với 60 trung tâm thương mại (TTTM) vào năm 2020, gấp 6 lần con số hiện tại bằng cách hợp tác và mua bán, sáp nhập với các nhà bán lẻ nội địa.

Trước vụ thâu tóm hơn 70% cổ phần của Diamond Plaza tại TP.HCM trong tháng 3/2015, Lotte Mart cũng từng đạt được thỏa thuận thuê toàn bộ diện tích 4 sàn thương mại (khoảng 20.000 m2) của TTTM Pico Mall ở Hà Nội để mở rộng hoạt động. Đây là khoản đầu tư mạo hiểm của Lotte Mart bởi trước đó Pico Mall đã không đạt hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng.

Tại TP.HCM, Lotte Mart thứ 10 đã khai trương hồi tháng 12/2014 bằng cách thuê lại TTTM Pico Plaza trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Pico Plaza có vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, diện tích tới 56.000m2, gồm siêu thị tiêu dùng, siêu thị điện máy, cụm rạp chiếu phim, văn phòng cho thuê.

Pico và Lotte Mart cũng đang trong quá trình đàm phán để tiến tới hợp tác lâu dài trong lĩnh vực bán lẻ. Theo đó, Pico sẽ tận dụng được hình ảnh và thương hiệu của Lotte Mart. Còn Lotte Mart có được mặt bằng và mạng lưới sẵn có của Pico, sẽ dễ tiếp cận khách hàng hơn.

Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Việt Nam nhận định, Hiệp định Thương mại Tự do song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc vừa được ký sẽ tiếp tục mở rộng cửa hơn nữa thị trường bán lẻ cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư chuỗi Lotte Mart, Tập đoàn Lotte cũng có kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị qui mô nhỏ tại Việt Nam.

Miếng bánh không dễ xơi

Với dân số hơn 90 triệu người cùng tỷ lệ mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại mới ở mức trên 20%, tiềm năng ngành bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn khá lớn. Nhưng đây không phải là "miếng bánh dễ xơi".

Các TTTM như Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza, Parkson, Now Zone, Icon 68 ở Bitexco... đều kinh doanh không mấy thuận lợi, đa phần phải liên tục giảm giá, tổ chức chương trình khuyến mãi. Nhiều đơn vị kinh doanh vốn chuyên về hàng xa xỉ, đã buộc phải chuyển sang bán hàng ở cấp trung và bình dân để có thêm khách.

Tại Hà Nội, dù số lượng TTTM không nhiều như TP.HCM nhưng tình hình cũng không khả quan hơn mấy. Việc Parkson ở tòa nhà Keangnam đột ngột ngưng hoạt động hồi tháng 1 vừa qua, một phần cũng do kinh doanh kém hiệu quả.

Chung tình cảnh này, Tràng Tiền Plaza là TTTM được kỳ vọng mang lại diện mạo mới khi ra mắt vào năm 2013, đã phải đóng cửa 4 tháng sau hơn một năm kinh doanh để tái cấu trúc. Hiện Tràng Tiền Plaza đã tái hoạt động, nhưng cùng với những nhãn hàng xa xỉ, đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm bình dân.

Đánh giá về các TTTM Việt Nam, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho rằng, hiện nay, việc kinh doanh TTTM khá ảm đạm, do đó nhiều nhà bán lẻ đã hướng đến phân khúc thấp, chọn nhóm khách hàng thuộc số đông, có khả năng chi trả vừa phải.

Một số TTTM còn chọn vị trí ở ngoài khu trung tâm để có giá thuê mặt bằng rẻ hơn. Riêng về Parkson, ông Marc Townsend cho rằng: "Tập đoàn này đang tái cơ cấu các TTTM hoạt động không hiệu quả. Khi mới vào Việt Nam, nhà bán lẻ này đã đầu tư lớn, hướng đến khách hàng thật nhiều tiền, và có thể đây chính là vấn đề khó khăn mà họ đang gặp phải".

Phân tích về việc thị trường bán lẻ trong nước, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á - Thái Bình Dương, ông James Hawkey cho rằng, việc cung cầu không tương thích là chuyện không quá bất thường ở bất kỳ thị trường nào. Không phải mọi TTTM đều vận hành tốt, tuy nhiên hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng Việt Nam đang thừa cung.

Vì nếu vài chục TTTM có tình trạng trên thì sẽ phải xem lại, nhưng chỉ có một vài nơi thì không cần phải lo lắng, bởi chính nó sẽ tự điều chỉnh để tình hình tốt lên. Tuy vậy, các chủ đầu tư cũng cần phải xem lại chiến lược kinh doanh, liệu khu vực đó có cần phải có khối đế bán lẻ hay không.

"Việt Nam đang là một điểm đến hấp dẫn để đầu tư vì là quốc gia có số lượng tầng lớp trung lưu phát triển vào hàng nhanh nhất thế giới. Nhiều nhà đầu tư vì quá nôn nóng nên có những tính toán chưa sát thực, dẫn đến việc kinh doanh không tốt như mong muốn", ông này nói và nhấn mạnh thêm, cũng có thể do tại một khu vực mà có quá nhiều TTTM nên vắng khách cũng là điều dễ hiểu.

>Chinh phục khách hàng trong ngành bán lẻ
>Đầu tư vào bán buôn, bán lẻ, dịch vụ sẽ phát triển hơn
>Kinh doanh bán lẻ là phải địa phương hóa
>Trung tâm thương mại nhỏ: Làm nhỏ, ăn to
>Kinh doanh tại trung tâm thương mại: Không dễ!

VĨNH BẢO