Startup: 99% sao chép + 1% sáng tạo = thành công
Start up - Ngày đăng : 06:58, 14/06/2015
Thống kê của Topica Founder Institute về các mô hình khởi nghiệp (startup) thành công ở Việt Nam mới đây cho thấy, 100% các startup này đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Copy: Chuyện không của riêng nước nào
Dave McClure, “nhà đầu tư thiên thần” người Mỹ đã “chắp cánh” cho khoảng hơn 500 startup từng nói rằng: “Thực ra bạn có thể bắt chước đến 99% và sáng tạo chỉ 1% thôi cũng đủ để sản phẩm đánh bật các đối thủ khác trên thị trường”. Vậy nên, chuyện bắt chước ý tưởng chưa hẳn đã là chuyện xấu.
Thực tế, ngay đến cả những gã khổng lồ công nghệ như Apple hay Google cũng không thể khẳng định sản phẩm của họ không copy bất kỳ chi tiết của sản phẩm nào.
Nhìn vào phiên bản iPhone năm 2007, mọi người đều nghĩ là sự khởi đầu sáng tạo cho một loạt các đời iPhone sau này. Tuy nhiên, thực ra điểm sáng tạo nhất iPhone có được là nhờ Apple đã biết cách chắp nối những công nghệ đã có vào cùng trong một thiết bị.
Hay Google Glass có thể rất sáng tạo, theo góc độ, một sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường. Nhưng trong thực tế, Google Glass làm theo đúng những gì iPhone đã làm, xây dựng trên sự cơ sở kết hợp những công nghệ đã có sẵn.
Apple không phải cái tên đầu tiên sản xuất ra một chiếc máy nghe nhạc MP3, hay Facebook cũng hoàn toàn không phải mạng xã hội đầu tiên, Google, tương tự, không phải công cụ tìm kiếm đầu tiên của thế giới,… Thế nhưng những sản phẩm của họ vẫn gây được tung hô và đón nhận bởi một nguyên lý đơn giản trở nên tốt hơn so với bản gốc còn hơn trở thành kẻ thất bại đầu tiên.
>>Vì sao Trung Quốc hay sao chép ý tưởng?
Đặc biệt, trong khoảng một thập kỷ gần đây, “bắt chước” đã trở thành một cụm từ quá quen thuộc của nền công nghệ Trung Quốc. Theo phân tích của trang công nghệ Tech in Asia, mặc dù những ngày tháng thịnh vượng của “nền kinh doanh copy” đã qua, song mô hình nổi tiếng này vẫn đang rất thịnh hành đối với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp của Trung Quốc. Thậm chí, nhiều công ty Internet Trung Quốc còn copy lẫn nhau!
Trong cộng đồng công nghệ khởi nghiệp rất đông đúc của Trung Quốc, đi đầu không phải là lợi thế cạnh tranh đáng kể. Nếu một công ty khác cũng triển khai ý tưởng đó, dù muộn hơn vài tháng, song lại tốt hơn, họ sẽ chiến thắng.
Lấy ví dụ như trường hợp của hãng Fanfou, dịch vụ tiểu blog đầu tiên ở Trung Quốc. Họ đánh bại tất cả các đối thủ lớn trong nước và quốc tế thâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng chính phủ nước này lại e ngại tiềm năng của tiểu blog sẽ khiến những quan điểm trái ngược được dịp lan truyền và buộc Fanfou phải đóng cửa.
Tuy nhiên, việc kẻ tiên phong Fanfou phải ngừng hoạt động lại mở ra cơ hội cho các hãng công nghệ lớn như Sina và Tencent cơ hội xây dựng các dịch vụ tiểu blog của riêng họ bên cạnh việc đưa ra những cam kết xoa dịu quan ngại của chính phủ. Vào thời điểm các quy định đã rõ ràng hơn, Fanfou được phép mở lại dịch vụ, nhưng đã quá trễ bởi các đối thủ cạnh tranh đã tung ra những dịch vụ ưu việt hơn như Sina Weibo.
Sự vụt sáng của “ngôi sao mới nổi” Xiaomi cũng đang khiến cho nhiều hãng công nghệ trên thế giới phải dè chừng, đặc biệt là Apple bởi công ty này được xem là đã copy không ít ý tưởng của Apple. Thậm chí, CEO Xiaomi còn được gọi là "Steve Jobs của Trung Quốc".
CEO Xiaomi được gọi là "Steve Jobs của Trung Quốc" |
Chỉ trong vòng 5 năm, Xiaomi đã đi từ hai bàn tay trắng vươn tới danh hiệu startup công nghệ tư nhân có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Song, khi hầu hết các công ty khởi nghiệp đều đổ xô đi copy thì điều tất yếu là sự cạnh tranh cũng tăng lên. Do đó, hiện nay, các công ty Trung Quốc ngoài việc học hỏi các công ty công nghệ nước ngoài thành công, đã có những thay đổi lớn và sáng tạo để thích nghi thị trường.
100% startup Việt Nam cũng đi sao chép
Trong những năm gần đây, phong trào startup cũng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng startup thành công ở thị trường trong nước và quốc tế vẫn chưa thực sự nhiều.
Theo ông Trần Mạnh Công - Giám đốc Topica Founder Institute, dự án hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam, hiện nay ở Việt Nam chỉ có khoảng 28 startup tạm xem là thành công, tức là thỏa mãn được một trong các tiêu chí có định giá từ 10 triệu USD hoặc doanh thu từ 2 triệu USD hoặc có từ 100 nhân viên hoặc đã gọi vốn vòng 2 hoặc đã bán được công ty với giá tốt.
Việt Nam có 28 startup tạm xem là thành công |
Trong số 28 startup này: độ tuổi trung bình khi họ khởi nghiệp là 28,8; 78% từng làm thuê hoặc khởi nghiệp thất bại ở 2 công ty trước đây; 45% từng học hoặc làm việc tại nước ngoài trước khi về nước khởi nghiệp; thời gian trung bình dành cho startup đến lúc thành công là 5,7 năm và sẽ mất lâu hơn nữa để trở thành công ty có giá trị hàng trăm triệu USD; và 100% đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài.
Như vậy, ngoài việc khởi nghiệp khá muộn, các startup Việt Nam cũng không thể tránh khỏi việc đi sao chép các mô hình thành công từ nước ngoài.
>>7 lời khuyên dành cho các nhà khởi nghiệp trẻ
Ai dám khẳng định những hiện tượng Haivl không “copy” 9gag hay Cờ rôm + không “ăn theo” Chrome…? Hoặc các trang thương mại điện tử như Vật giá đã học theo Rakuten, Chợ điện tử theo Ebay hoặc VNG theo Tencent… Và trong quá trình học theo đó, có người đã thành công và cũng có kẻ đã phải nếm trải thất bại.
Vậy làm thế nào để sao chép mà vẫn thành công?
Theo phân tích của ông Trần Mạnh Công, dù 100% các startup của Việt Nam vẫn phải học hỏi những mô hình tương tự ở nước ngoài nhưng họ đã biến biến sự học hỏi đó thành thành công theo hai hướng: hoặc là trở thành số 1 trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam, sau đó mở rộng sang các thị trường tương đồng trong khu vực (Appota, Topica, CleverAds, Eway...), hoặc khởi đầu và thành công tại thị trường quốc tế rồi mới quay lại Việt Nam (JoomlArt, TruePlus, MoneyLover, Beeketing...).
Ông Trần Mạnh Công - Giám đốc Topica Founder Institute |
Nếu đánh vào thị trường Việt Nam, thường sẽ phải tìm những thứ mang hơi hướng offline, ví dụ như thương mại điện tử thì luôn luôn phải có logistic, phải ký kết với các cửa hàng, shop… Yếu tố offline là rào cản cho các startup nước ngoài, nhưng sẽ là lợi thế cho startup trong nước để có thể đi trước ký kết với các cửa hàng, như mô hình groupon của Muachung, Hotdeal; hay đào tạo, phân phối thức ăn của Foody.
Còn nếu muốn đánh vào thị trường quốc tế, các startup nên tìm một ngách hoặc tìm một thế hệ platform (nền tảng) mới, tức là tìm ra sự khác biệt để tránh phải cạnh tranh với các công ty lớn.
>>Kinh nghiệm khởi nghiệp của các CEO công nghệ Việt
Thực tế, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Twitter, Google… không bao giờ thực hiện các thương vụ mua lại các đối thủ cạnh tranh mà thường dành tiền thâu tóm nhiều nhất có thể các startup trên các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn: Facebook mua Instagram, Pipe, Face.com, Oculus VR… và gặt hái được không ít thành công từ các quyết định này. Vì vậy, các startup không nên mạo hiểm đặt cược số phận mình trong trò chơi của riêng các ông lớn.
Các startup cũng không thể chờ đợi vào sự may mắn như trường hợp của Flappy Bird bởi không có nhiều người có được may mắn như vậy. Tuy nhiên, sự kiện Flappy Bird cũng là một điểm nhấn tốt cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp công nghệ Việt Nam để gây được sự chú ý hơn từ các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
“Tất nhiên, startup huy động được vốn đầu tư mạo hiểm không đảm bảo chắc chắn rằng startup đó sẽ thành công. Nhưng với nguồn vốn đầu tư, các giá trị gia tăng mà nhà đầu tư mang lại sẽ là bệ phóng giúp cho startup đến gần với thành công một cách nhanh nhất và đi được xa nhất”, ông Công khẳng định.
Tóm lại, ở một môi trường khởi nghiệp như Việt Nam các CEO, người sáng lập muốn thành công cần phải không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm một cách có chọn lọc. “Những người đã thành công hoặc đang rất gần đến thành công, họ luôn trau dồi kiến thức, sẵn sàng học hỏi, làm việc gấp 5-10 bình thường và dù nghĩ lớn mơ lớn nhưng lại luôn chắt chiu từng kết quả nhỏ”, ông Công cho biết thêm.