Nâng tầm CFO, CMO - bí quyết thành công cho DN
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 01:05, 19/06/2015
Giám đốc tài chính (CFO) và giám đốc marketing (CMO) là hai trong những vị trí chủ chốt của một công ty nhưng quan hệ giữa hai nhân vật này vẫn thường "cơm không lành, canh không ngọt".
Đọc E-paper
Làm thế nào để CMO và CFO hiểu đúng về nhau, phối hợp cùng nhau giúp doanh nghiệp (DN) tồn tại và phát triển là điều đáng quan tâm.
Nhiều xung đột
Trong DN, quan hệ công việc giữa CMO và CFO luôn là thách thức không chỉ với người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và làm đau đầu không ít tổng giám đốc (CEO).
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến các CMO và CFO thường xảy ra xung đột. CFO có trách nhiệm giữ tiền, còn CMO lại là người tiêu tiền; CFO đánh giá vấn đề dựa trên định lượng, còn CMO lại căn cứ vào định tính. Thậm chí, hai bên nghĩ về nhau không mấy thiện cảm.
Trong khi CFO cho rằng CMO thường mắc bệnh hình thức và thiếu thực tế thì CMO lại nghĩ CFO luôn tỏ ra cứng nhắc và thiển cận. Trên thực tế, các hoạt động marketing thường không mang lại hiệu quả tức thì, đặc biệt là khi tung ra nhãn hàng mới, sản phẩm mới.
Vì thế, nếu CMO chỉ nhìn thấy cơ hội và thị trường mà không biết dùng nguồn lực một cách hiệu quả thì rất khó đạt được mục tiêu dài hạn và càng làm cho mối quan hệ giữa hai bên thêm "xa cách".
Chia sẻ tại hội thảo "CFO và CMO Việt Nam đồng hành tạo lập giá trị” cách đây chưa lâu, ông Hiroshi Yaguchi - Giám đốc Điều hành Hiệp hội Tài chính Nhật Bản (JACFO) cho rằng: "Hiện nay, các CFO được xem là nhà quản trị tham gia lèo lái công ty, vượt xa vai trò truyền thống của người phụ trách tài chính. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, các DN cần sẵn sàng tiếp thu những quan điểm khác nhau về giá trị cũng như chủ động trong việc thiết lập mạng lưới quan hệ cá nhân".
Các chuyên gia cho rằng, thị trường gần 90 triệu dân của Việt Nam hiện nay và sắp tới sẽ nâng lên 600 triệu người đang cạnh tranh khốc liệt. Vì thế, mọi thứ phải được quyết định một cách nhanh nhất.
Phải làm sao để báo cáo nhanh hơn, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn dịch vụ khách hàng, làm cho cổ đông hài lòng hơn và người lao động phấn khởi hơn. Yêu cầu đó buộc vai trò của các CFO phải thay đổi theo hướng từ "nhai số liệu" sang "đối tác kinh doanh".
"Các CFO và đội ngũ của mình phải phản hồi tức thì cho các câu hỏi về hoạt động kinh doanh. Muốn vậy, họ phải thường xuyên trao đổi với các CMO, chủ động tham gia các cuộc họp về kinh doanh, gặp gỡ các nhà đầu tư (hoặc nhà đầu tư tiềm năng), thuyết trình về kết quả tài chính và chiến lược kinh doanh của tổ chức trước nhà đầu tư và nắm bắt cơ hội để quảng bá về công ty trên các phương tiện truyền thông", ông Dương Hải - CFO Vietnam Partners LLC cho biết.
Cần gắn kết
Trên thực tế, 90% CEO của các tập đoàn lớn vốn là những CMO và CFO phát triển lên. Các tập đoàn có nhiều công ty con, giá cổ phiếu, mua bán công ty... liên quan đến tài chính nên thường chọn các CFO đề bạt làm CEO.
Theo ông Dương Hải, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, khách hàng, đối thủ, nhà cung cấp, cấu trúc công ty, nền kinh tế quốc gia, khu vực và cả toàn cầu thay đổi, vì thế, các CFO và CMO cần dự đoán được sự thay đổi, đưa ra các kế hoạch phù hợp với sự thay đổi này.
Ở góc độ của một người làm marketing, ông Nguyễn Đăng Duy Nhất - Chủ tịch Ủy ban Giám đốc Maketring toàn cầu tại Việt Nam cho rằng, đây là giai đoạn đầy thách thức đối với các DN và CFO.
Năm 2015, Việt Nam sẽ hội nhập sâu vào AEC và một số hiệp định thương mại mới có hiệu lực, thế nên các CFO cần chuẩn bị năng lực để trở thành người tư vấn tài chính cho CEO và HĐQT công ty thay vì chỉ làm công tác chuyên môn. Ngoài ra, các CFO phải gắn kết hơn với các bộ phận khác để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN.
Hiện nay, các CFO thường có một danh sách dài các việc như: phân bổ ngân sách, quản lý tín dụng, trả cổ tức, phân tích - lập kế hoạch tài chính, quản lý rủi ro, lập kế hoạch thuế, quản lý chi phí, xử lý dữ liệu, báo cáo điều chỉnh, kiểm soát nội bộ...
Danh sách này đang dài thêm ra nhưng mục tiêu cuối cùng của họ vẫn không thay đổi: làm sao để tối đa hóa giá trị của các cổ đông và chủ sở hữu. Ông Nguyễn Ngọc Bách - Chủ tịch và CEO Tập đoàn Asialnvest cho rằng, CFO Việt Nam cần phải thay đổi tư duy từ "người hỗ trợ" thành "người đi tiên phong".
Các CFO cần phải thường xuyên ra thị trường để hiểu công việc kinh doanh, từ đó hợp tác hiệu quả hơn với các CMO và các bộ phận khác trong DN.
>>CFO và CMO: Anh em như thể tay chân
Xây dựng được mối quan hệ hòa hợp giữa CMO và CFO sẽ giúp tận dụng được cơ hội và nguồn lực của DN để phát triển bền vững. Bởi, trong bất kỳ tổ chức nào, CFO luôn đóng vai trò chính yếu, nắm trong tay những thông tin tối quan trọng của DN.
Trong nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các CFO cần vươn cao hơn vị trí thông thường của người phụ trách tài chính. Họ thường được kỳ vọng sẽ tham gia tích cực vào quá trình điều hành DN thông qua cách nhìn nhận sáng tạo và sâu sắc hơn, từ đó giúp DN phân tích và dự báo những xu hướng mới của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận.
Chia sẻ từ các DN cho thấy, việc sử dụng năng lực phân tích kinh doanh và thông tin hợp nhất từ các CFO để hỗ trợ xây dựng chiến lược sẽ giúp DN giành được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Vì thế, việc đánh giá và nhìn nhận đúng vai trò của CFO sẽ tạo đà cho sự phát triển của DN.
"Nhưng để tạo ra kết quả kinh doanh tốt cần có sự đoàn kết và phối hợp giữa các nhà quản trị cấp cao của DN, trong đó có CFO và CMO. Mối quan hệ gắn kết này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của DN. Muốn vậy, các CMO nên chia sẻ thông tin đều đặn với các CFO, thiết lập nguyên tắc chung cũng như cách thức tiết kiệm tiền của công ty, cam kết tầm nhìn dài hạn cho thành công cùng việc thông hiểu CFO. Ngoài ra, nên tạo ra ngôn ngữ chung cho cả hai một cách phù hợp nhất", ông Nguyễn Đăng Duy Nhất cho biết.