SME Singapore: Ít lạc quan về triển vọng kinh doanh quý 3/2015

Quốc tế - Ngày đăng : 06:43, 25/06/2015

Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Singapore ít lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong quý 3/2015.
SME Singapore: Ít lạc quan về triển vọng kinh doanh quý 3/2015

Kết quả khảo sát mới nhất của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) và Tập đoàn Thông tin DP cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của nước này ít lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh trong quý 3/2015.

Cụ thể, chỉ số Index SME cho nửa cuối của năm đã giảm từ 54,0 xuống 53,5 (điểm) - mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013.

Gần 3.600 doanh nghiệp vừa và nhỏ được phỏng vấn cho hay họ cảm thấy sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu, trong khi môi trường kinh doanh địa phương ngày càng khó khăn.

Khảo sát chỉ ra chỉ số tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sáu tháng tới duy nhất có ngành xây dựng là đi ngược xu hướng với sự tăng nhẹ về điểm số, từ 53,6 lên 54,0; còn lại hầu hết các ngành khác đều giảm.

Bốn trong sáu ngành công nghiệp thể hiện trong chỉ số Index SME bao gồm Thương mại/kinh doanh, sản xuất, bán lẻ/thực phẩm và nước giải khát, vận chuyển/lưu trữ đều kém lạc quan hơn so với ba tháng trước; trong khi đối với các công ty kinh doanh dịch vụ, triển vọng vẫn giữ nguyên.

Mặt khác, các chỉ số về kinh doanh cũng giảm như: Triển vọng doanh thu giảm từ 5,57 xuống 5,55, triển vọng lợi nhuận tụt từ 5,47 xuống 5,44, triển vọng mở rộng kinh doanh từ 6,08 xuống 5,94 và thuê nhân công từ 5,70 xuống 5,46.

Theo ông Lincoln Teo - Giám đốc điều hành của Tập đoàn thông tin DP, mặc dù các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít lạc quan về triển vọng kinh tế nhưng vẫn chưa chìm vào sự bi quan.

Chính nhu cầu, áp lực tuyển dụng đã buộc một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải cắt giảm công suất, dẫn đến việc giảm kỳ vọng trong hai quý tiếp theo.

Trong khi đó, ông Ho Meng Kit - Giám đốc điều hành của SBF nhấn mạnh khảo sát này cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng GDP của Singapore năm 2015 trước đó cho thấy sau 5 năm tăng trưởng bền vững, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phản ứng với chính sách chuyển dịch cơ cấu và cần phải được giám sát để tránh tình trạng rơi vào khủng hoảng.

>Singapore đẩy mạnh đầu tư bất động sản nước ngoài

>Kinh doanh tại Singapore tốt nhất thế giới

>Cử nhân Singapore đau đầu tìm việc

>Singapore "mắc cạn" với casino