Hành trình trưởng thành của doanh nhân trẻ
Start up - Ngày đăng : 01:00, 26/06/2015
Thành công hay thất bại trên bước đường khởi nghiệp đều là những viên gạch lót đường giúp những người trẻ trưởng thành trong sự nghiệp kinh doanh.
Đọc E-paper
Cách đây gần trăm năm, thi sĩ Tản Đà viết: "Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con". Cho đến nay, những trăn trở ấy vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhất là với các bạn trẻ, lúc mới ra trường thường nông nổi, nên khi bắt tay vào kinh doanh sẽ dễ gặp thất bại.
Trường hợp anh Nguyễn Thái Bình, Trưởng Phòng Phát triển và Xây dựng chuỗi The coffee Bean & Tea Leaf là một ví dụ. Bình kể, khi anh bắt tay vào kinh doanh cũng là lúc những loại hình "trà chanh chém gió”, "bún đậu mắm tôm" đang thịnh hành và làm ăn phát đạt.
Khi đó, Bình đã mạnh dạn cùng với hai cổ đông đầu tư 200 triệu đồng vào một nhà hàng với phía dưới kinh doanh bún đậu mắm tôm và ở trên là... một phòng âm nhạc.
"Vì một cổ đông của chúng tôi là ca sĩ”, Bình giải thích. Khi mô hình này vận hành thì Bình và hai cổ đông mới nhận ra bún đậu mắm tôm và phòng thu nhạc rất "chỏi" nhau. Chẳng bao lâu, mô hình kinh doanh này thất bại nặng nề.
Sau đó, Bình và hai người bạn đã thận trọng hơn và quyết định dùng số vốn còn lại mở một quán nhỏ hơn, chỉ 80m2 so với diện tích quán trước đó là 200m2, đồng thời chuyển sang mô hình mới là cơm trưa văn phòng.
Và chỉ sau hơn một năm, doanh thu của quán đã tăng gấp đôi. Khi sang lại quán này, Bình và hai bạn đã gỡ lại toàn bộ số tiền của lần khởi nghiệp đầu tiên. Bài học nhóm của Bình rút ra là khi chưa trưởng thành mà vội vàng khởi nghiệp, chọn sai mô hình kinh doanh thì đường đến thất bại sẽ gần hơn đường đến thành công.
Chia sẻ tại Ngày truyền thống của Chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL mới đây, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, cũng cho rằng, phải kinh qua thất bại mới có sự trưởng thành và mới tạo dựng được sự nghiệp vững vàng. Không có con đường tắt nào đến với thành công cả.
Tuy nhiên, các bạn trẻ phải cam kết tạo nên sự xuất sắc và coi đó là ưu tiên hàng đầu để đi đến thành công. Sử dụng tài năng, khả năng, và kỹ năng của bạn theo cách tốt nhất có thể và luôn để tâm đến những chi tiết của thất bại để rút ra những bài học.
Thành công không khó, chỉ đơn giản là biết khắc phục những thiếu sót, thậm chí là sai lầm trước đó. Điều đó tạo nên bản lĩnh và sự trưởng thành của mỗi con người và cũng chính là yếu tố để "đo" sự trưởng thành của những doanh nhân trẻ.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, cũng quan niệm: "Bản lĩnh mỗi người có được trong cuộc sống là nhờ sự rèn luyện thường xuyên. Trưởng thành theo tôi là có cách hành xử chuẩn mực, hợp lý trong mọi vấn đề và có khả năng nhận diện được cái đúng, cái sai để có cách ứng xử đúng đắn nhất".
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, đưa ra khái niệm đơn giản về sự trưởng thành: "Liên tục tự vấn bản thân về nhân sinh, cuộc sống, sự việc... thì mới hướng đến được con người trưởng thành. Tất nhiên trong cuộc sống với bộn bề lo toan, con người ta sẽ không thể tra vấn được tất cả mọi thứ, nhưng có thể dành ra một góc nhỏ tra vấn về những vấn đề của mình, và đó là cách duy nhất để trưởng thành".
Ông cũng từng chia sẻ làm chủ hay làm thuê, làm quan hay làm dân, làm thầy hay làm thợ, làm bánh mì hay làm máy bay, làm ở tỉnh hay làm ở phố..., tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với cách của mình nhất và tạo ra giá trị nhiều nhất.
Để xã hội tốt lên, mỗi người, mỗi tổ chức cần tự bước đi, tự gánh vác phần trách nhiệm của mình. Cùng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống thể hiện quan điểm của ông về giới trẻ Việt Nam: "Học không chỉ vì bằng cấp, mà học vì tầm vóc văn hóa, trình độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo. Hãy sống dấn thân để khai minh và giải phóng chính mình".
>10 doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM năm 2014