Wimbledon 2015: Djokovic cần giải quyết sức ép tốt hơn nữa
Thể thao - Ngày đăng : 04:20, 02/07/2015
Djokovic sẽ phải đợi gần một năm nữa mới lại có cơ hội giành Grand Slam sự nghiệp, nhưng thất bại trước Wawrinka ở Paris có thể sẽ là một động lực lớn để anh bảo vệ ngai vàng Wimbledon.
Djokovic không phải một người hay u sầu sau thất bại. Chính anh thừa nhận: "Tất cả đã ở sau lưng tôi. Giờ tôi giàu kinh nghiệm hơn và quần vợt đã dạy tôi phải luôn nhìn về phía trước để đạt mục tiêu của mình nhanh hơn". Hãy xem anh có thực hiện được điều mình nói không!
Cần thành công hơn nữa ở những trận chung kết
Kể từ năm 2011, tay vợt người Serbia đã dần dần xây dựng một đế chế có tên "Kỷ nguyên Djokovic". Trên bảng xếp hạng, anh vượt xa những người kế tiếp như Roger Federer và Andy Murray.
Với việc Federer đã có tuổi và Rafael Nadal phải vật lộn với chấn thương, Djokovic là ứng cử viên số 1 ở mọi mặt sân.
Andy Murray cũng tầm tuổi Nole (sinh trước đúng 1 tuần), nhưng xét về đối đầu, anh kém hẳn khi thua 8 trong 8 lần chạm trán gần nhất.
Về phía những tay vợt trẻ hơn, Nishikori, Nick Kyrgios hay Raonic đều chưa đạt đến tầm có thể cạnh tranh với Big Four.
Thành tích 8 Grand Slam của Djokovic hiện đã vượt McEnroe và Becker, ông thầy của anh hiện tại. Nhưng có một thực tế đáng chú ý: Phong độ của anh ở những trận chung kết Grand Slam vẫn là một dấu chấm hỏi.
Từ US Open 2007 đến Australian Open 2012, Djokovic đã đạt thành tích 5 thắng - 2 thua ở các trận chung kết Grand Slam.
Hai thất bại hiếm hoi khi đó diễn ra trước Federer ở trận Grand Slam đầu tiên, US Open 2007 và trước Nadal ở chung kết US Open 2010.
Như vậy, trong 7 trận chung kết Grand Slam đầu tiên, Djokovic có tỷ lệ thắng là 71,4%.
Nhưng kể từ Australian Open 2012, phong độ của Nole ở chung kết Grand Slam giảm trông thấy. Anh chỉ thắng 3 trong 9 trận Grand Slam còn lại, đạt tỷ lệ 33,3% - chưa bằng nửa so với con số ở trên.
Đâu là nguyên nhân? Nếu chú ý, ta có thể thấy Nole đã toàn thắng 13 trận chung kết Masters 1000 và World Tour Finals kể từ đầu năm 2013. Nhưng trong thời điểm ấy, anh chỉ thắng 33,3%.
Tỷ lệ thắng - thua ở các trận chung kết ngoài Grand Slam của Djokovic là 21 - 4, tương đương 84%. Nếu duy trì được hiệu suất ấy ở chung kết Grand Slam từ Australian Open 2012, anh đã giành được 12, 13 Grand Slam và chuẩn bị vượt mặt Nadal, Federer.
Học cách đối mặt sức ép
Làm thế nào mà Djokovic, tay vợt số 1 thế giới đầy thuyết phục, lại có thể bị đánh bại dễ dàng như thế ở chung kết Grand Slam? Một trong những cách lý giải là các đối thủ của anh luôn có xu hướng đẩy mình tới giới hạn cao nhất.
Nadal là một ví dụ, với những chiến thắng trước Nole ở Roland Garros 2012, 2013, 2014 cũng như US Open 2013. Tương tự là Wawrinka với 4 set đấu tuyệt vời ở Roland Garros vừa qua.
Lý do thứ hai nằm ở chính tâm lý của Djokovic. Kể từ thành tích tuyệt vời năm 2011, anh đã cảm nhận được sức ép của một tay vợt "bị săn đuổi", và tác động ấy bộc lộ rõ ở những trận đấu lớn nhất.
Những đối thủ kình địch như Roger Federer và Rafael Nadal đã thống trị từ khi còn rất trẻ nên đã học được cách chế ngự sức ép ở những thời khắc quan trọng.
Trong khi đó, Djokovic phải mất một thời gian "núp gió” trước khi trở thành số 1 thế giới, nên làm quen với điều đó là không hề đơn giản.
Dù thế nào chăng nữa, Djokovic cũng sẽ được ghi nhớ như một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong làng banh nỉ. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu chứng kiến anh sẽ đi tiếp thế nào trong sự nghiệp của mình.
Nếu Boris Becker có thể giải quyết được vấn đề khiến Nole giành 13 Masters 1000/World Tour Finals liên tiếp nhưng chỉ thắng 3/9 trận chung kết Grand Slam, những kình địch của anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bằng không, Nole sẽ lại phải hối tiếc rằng đáng lẽ sự nghiệp của anh vẫn còn có thể vĩ đại hơn.
>Đánh bại Federer, Djokovic lần thứ tư vô địch Rome Masters
>Đã có Andy Murray sao lại có Novak Djokovic?