Một số điều cần biết về FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu
Trong nước - Ngày đăng : 03:51, 03/07/2015
Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á –Âu (Nga – Belarus – Kazakhstan – Armenia – Kyrgyzstan) được chính thức ký kết vào ngày 29/5 vừa qua, mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thành viên.
Chủ động cập nhật thông tin
Tính đến cuối năm 2014, Nga có 104 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 1,95 tỷ USD, xếp thứ 17/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Nga đã đầu tư vào 13/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam, tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạp (chiếm 57,7% tổng vốn đầu tư), khai khoáng (chiếm 29,7%), kinh doanh bất động sản (chiếm 3,7%).
Chia sẻ tại hội thảo “Sự chuẩn bị cần thiết của doanh nghiệp trước Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu” tổ chức vào sáng 2/7, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Trưởng phòng Nga – SNG (Bộ Công Thương) cho biết, có 3 nội dung quan trọng trong hiệp đinh mà các doanh nghiệp hiện nay cần quan tâm, đó là: Quy định về thương mại hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, và những lưu ý về quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Bàn về các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, cũng trong buổi hội thảo, ông Bùi Hồng Minh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay có 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Á-Âu, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nhựa.
Trong đó, dệt may, giày da và đồ gỗ là thuộc nhóm mặt hàng được áp dụng cơ chế cảnh báo ngưỡng (trigger), được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Giải thích về cơ chế trên, ông Minh cho biết, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức nhập khẩu cố định và khi sản lượng nhập khẩu chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu.
Do đó, trong thời gian tới, ông khuyên các doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin nhập khẩu của từng mặt hàng để biết được thời điểm chạm ngưỡng cảnh báo cũng như những thay đổi trong biểu thuế.
Nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến hàng dệt may, bà Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, với tình hình các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới phát triển ngành may, trong khi công đoạn dệt và nhuộm còn gặp nhiều khó khăn thì việc Hiệp định áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn là một thuận lợi lớn, và tương đối "thoáng" so với các FTA khác mà Việt Nam tham gia ký kết.
Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản cũng được các chuyên gia đánh giá là đạt được những quy tắc xuất xứ linh hoạt, đặc biệt trong việc nhập khẩu nguyên liệu chế biến, như cá ngừ, tôm,...
Đây là mặt hàng các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác (chiếm khoảng 50%), trong khi Hiệp định Liên minh Kinh tế Việt Nam - Á-Âu hiện cho phép Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ chế biến với điều khiện chi cần đáp ứng 40% sản lượng nội địa.
Chè cũng là một trong số ít các mặt hàng nông sản đạt được quy tắc xuất xứ "thoáng" khi thị trường liên minh kinh tế Á-Âu cho phép Việt Nam nhập khẩu chè để phối trộn tạo hương vị phù hợp cho thị trường xuất khẩu với tỷ lệ sản xuất nội địa là 40%, trong khi các hiệp định FTA khác đã có của Việt Nam thì chưa đạt được điều này.
Riêng đối với mặt hàng gạo - vốn được đánh giá là mặt hàng khá "nhạy cảm", ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực Á-Âu, nên hạn ngạch được quy định cho phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở ngưỡng 10 nghìn tấn gạo.
>Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu ký chính thức FTA
>Việt Nam sắp vào khu vực FTA với Nga
>FTA và thách thức kiện bán phá giá
>FTA Liên minh Á – Âu hiệu lực: Nhiều mặt hàng hưởng thuế 0%