Cổ phiếu hàng gia dụng: Kỳ vọng thị trường xuất khẩu

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:54, 03/07/2015

Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng phải đối diện với sức ép cạnh tranh từ sản phẩm ngoại nhập, nhưng các doanh nghiệp trong nước đang thành công khi tập trung phát triển sản phẩm ở các phân khúc có lợi thế riêng và mang lại lợi nhuận cao và hoàn thiện hệ thống bán lẻ.
Cổ phiếu hàng gia dụng: Kỳ vọng thị trường xuất khẩu

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng gia dụng đang tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận khá tốt.

Đọc E-paper

Nhìn chung toàn cảnh ngành hàng gia dụng cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan.

Đơn cử, trong các sản phẩm gia dụng xuất khẩu, ngành gỗ gia dụng Việt Nam được ảnh hưởng tích cực do kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam là khá lớn (gần 6 tỷ USD năm 2014) và có tốc đô tăng trưởng trung bình luôn ở mức trên 10%/năm từ năm 2009.

Đối với thị trường nôi địa, mặc dù DN sản xuất hàng gia dụng phải đối diện với sức ép cạnh tranh từ sản phẩm ngoại nhập, nhưng các DN trong nước đang thành công khi tập trung phát triển sản phẩm ở các phân khúc có lợi thế riêng và mang lại lợi nhuận cao và hoàn thiện hệ thống bán lẻ.

Đáng chú ý, DN sản xuất hàng tiêu dùng nhiều khả năng sẽ có biên lợi nhuận khả quan trong năm 2015 do được hưởng lợi từ xu hướng giảm của giá dầu thế giới.

Do vậy, trong năm 2015, giới phân tích khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu trong ngành, đặc biệt là DN xuất khẩu hàng gia dụng như gỗ, điện quang và bột giặt.

Trong đó, công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC) là một lựa chọn. Theo đánh giá của một số nhà đầu tư, DQC đang chiếm đến 40% thị phần trên thị trường thiết bị chiếu sáng.

Doanh thu từ thị trường xuất khẩu chiếm 1/2 tổng doanh thu. Các hiệp định thương mai tự do được ký kết là cơ sở để DN này mở rông thị phần và tăng trưởng doanh thu tốt trong năm 2015.

Chưa kể, DQC đang tập trung đẩy mạnh đầu tư vào sản phẩm mang lại lợi nhuận cao và đi theo xu hướng của thế giới là sản phẩm tiết kiệm năng lượng như đèn LED hoặc sản phẩm mang tính chất khác biệt như doublewing hay đèn compact thay cho đèn huỳnh quang.

Mới đây, Forbes ghi nhận DQC là nhà sản xuất các sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện hàng đầu tại Việt Nam, với thế mạnh nổi trội về nghiên cứu và phát triển. Chỉ riêng trong năm 2014, DQC đã đưa ra thị trường 275 sản phẩm mới, trong đó có 154 sản phẩm LED.

Công nợ thu được từ khách hàng Comsumimport (Cuba) của DQC cũng ổn định, ghi nhận một khoản tiền lãi cho doanh thu tài chính từ chênh lệch tỷ giá và bán hàng trả chậm.

Tương tự, công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành (GDT) đang thể hiện sức mạnh khi DN có chính sách cổ tức cao và ổn định (20 - 25%).

Theo ông Phạm Linh, một lãnh đạo ngành NH chia sẻ, việc mở rộng nhà máy Tân Uyên, Bình Dương giúp gỗ Đức Thành nâng cao công suất và có khả năng đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường.

Ước tính việc mở rộng có thể gia tăng doanh thu của công ty lên gần 20%.

Chưa kể, doanh thu xuất khẩu đóng góp trên 75% tổng doanh thu của DN và chủ yếu xuất sang các thị trường như EU, Nhật Bản và các nước trong khu vực châu Á nên công ty kỳ vọng được hưởng lợi khi các hiệp định thương mại tự do.

Các cổ phiếu khác như công ty CP Bột giặt LIX (LIX ) và công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đang có thành công nhất định.

Trong đó, LIX là DN sản xuất bột giặt và các hóa chất tẩy rửa đứng đầu trong số các DN nôi địa (chiếm gần 10% thị phần, đứng thứ ba toàn thị trường chỉ sau Uniliver và P&G). tăng trưởng doanh thu bình quân (CARG) 5 năm đạt gần 13%.

Còn PNJ chú trọng phát triển ở mảng bán lẻ nữ trang (trang sức vàng bạc đóng góp đến hơn 80% cơ cấu lợi nhuận gộp), bắt đầu thoái vốn dần khỏi các công ty như Liberty, SFC và Đông Á trong năm 2014...

Ngoài ra, với sự canh tranh trong ngành dự báo sẽ tăng lên, các DN có chiến lược tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, thương hiệu mạnh với thị phần ổn định, có khả năng cạnh tranh lâu dài, công nghệ sản xuất hiện đại được một số nhà đầu tư lâu năm ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, giới này cũng không quên nhắc rằng, sức ép cạnh tranh với DN FDI cùng ngành tại thị trường nội địa vẫn còn. Và chính sách tỷ giá VND/USD so sánh với một số quốc gia khác có thể giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại một số khu vực.

>Nhựa gia dụng VN: Nhìn từ... Lock&Lock

>Việt Nam: Công xưởng điện tử gia dụng của thế giới?

>Các đại gia dồn dập mua thêm cổ phiếu

>Cổ phiếu khoáng sản: Nhìn từ con số

LAM ANH